Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch miền núi đón 600.000 lượt khách
VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch xanh tại khu vực miền núi phía Tây gắn với các giá trị tự nhiên và văn hoá bản địa để thu hút du khách. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động.
Nằm cách thành phố Đà Nẵng gần 100km và chỉ mất hơn 2 giờ đi đường, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trở thành điểm đến thu hút du khách bởi các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc. Nơi đây có nhiều không gian cộng đồng độc đáo cùng các điểm tham quan hấp dẫn được du khách gần xa biết đến như: Khu dân cư Za Ra, Aliêng, xã Tà Bhing; thôn văn hóa Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ… Các điểm đến này đã hình thành câu lạc bộ trống chiêng của người Cơ Tu; câu lạc bộ đàn tính - hát then của người Tày để phục vụ du khách. Du khách có thể cùng người dân địa phương trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống độc đáo như: zará, cơm lam, bánh sừng trâu, thịt ba chỉ áp chảo… được chế biến từ nguyên liệu mang hương vị núi rừng.
Trên hành trình trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng phía Tây tỉnh Quảng Nam, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thành phố Đà Nẵng có dịp ghép thăm Khu du lịch Cổng trời ở huyện Đông Giang, đỉnh Quế huyện Tây Giang và thôn văn hóa Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Điều khiến chị Ngọc Ánh ấn tượng khi ghé thăm thôn văn hóa Đồng Râm là khung cảnh hoang sơ nằm dưới chân núi đá, không gian ruộng lúa nước rộng hơn 22 ha của đồng bào vùng cao.
“Điều tôi rất ấn tượng là người ta giữ gìn được những cánh rừng, giao cho người dân tự bảo quản. Ngoài ra, tôi cũng rất ấn tượng với lễ hội của người dân tại đây, điệu nhảy Tâng tung da dá rất cuốn hút du khách, tôi đã tham gia nhiều lần và chúng tôi đã hòa mình với họ trong điệu nhảy đó", chị Ánh nói.
Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 40 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn và miền núi. Sau khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, tỉnh tập trung các giải pháp kích cầu du lịch, làm mới các sản phẩm để níu chân du khách.
Tại huyện miền núi Đông Giang, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang vừa đưa vào hoạt động, mở cửa đón khách vào năm ngoái. Đây được xem là dự án du lịch sinh thái có quy mô lớn nhất, mở ra nhiều kỳ vọng để các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam. Hơn 80% lao động làm việc tại khu du lịch này là người dân Cơ Tu tại địa phương.
Chị A Rắc Thị Tươi - một trong những nhân viên đầu tiên làm việc tại đây có nguồn thu nhập ổn định ngay trên quê hương mình và góp phần quảng bá, giới thiệu văn hoá đặc sắc của đồng bào Cơ Tu đến với du khách gần xa.
“Chúng tôi rất vui khi khu du lịch tạo việc làm cho người dân địa phương, chúng tôi không phải đi làm xa nữa. Một khu du lịch sinh thái lớn thế này mọc lên trên quê hương chúng tôi thấy rất tự hào”, chị A Rắc Thị Tươi cho hay.
Việc sử dụng lao động địa phương, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa bản địa là cách khai thác du lịch hiệu quả và bền vững, giúp gia tăng giá trị của điểm đến. Năm 2022, khi các hoạt động du lịch từng bước được khôi phục, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lao động hoạt động du lịch.
Theo ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch được xác định là 3 mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở khu vực miền núi cần được quan tâm đầu tư đứng mức và đúng hướng để phát huy hết tiềm năng vốn có.
“Chúng tôi mong muốn Trung ương và tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư hơn về kết cấu hạ tầng, giúp việc đi lại thông suốt, có những đề án, chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Cần quan tâm đến các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục nhân rộng", ông Arất Blúi cho biết.
Trong nỗ lực mở rộng không gian du lịch, ngoài hạt nhân là 2 Di sản Văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đang tập trung các giải pháp đánh thức tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực miền núi phía Tây. Tỉnh đang triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”, phấn đấu đến năm 2025, các huyện miền núi đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phát triển du lịch miền núi không tách rời việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng và bảo tồn văn hóa bản địa. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn đến với khu vực miền núi.
“Phát triển du lịch khu vực miền núi, chúng ta đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư du lịch tiêu chuẩn 5 sao. Tiếp tục phát triển các địa bàn khác mà có khả năng khai thác du lịch tốt như: Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My… hoàn toàn có thể trở thành khu vực mà có tiềm năng khai thác những du lịch lớn về sinh thái, về mạo hiểm về nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, hình thành các loại hình du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch gắn với văn hoá bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số của miền núi”, ông Lê Trí Thanh cho hay./.