Tự quản để khẳng định thương hiệu
Lần đầu tiên năm 2009 này, các doanh nghiệp du lịch ở nước ta đã có sự đồng lòng, đồng sức để thực hiện một chiến dịch giảm giá từ 30 – 50% trong phạm vi toàn quốc.
Đây là một giải pháp cấp bách nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa phát triển. Tuy nhiên, các giải pháp có tầm vĩ mô này sẽ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” hoặc “ném đá ao bèo” khi chính các doanh nghiệp du lịch không tự quản lý được chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của mình.
Những ngày đầu năm nay, đã có những tín hiệu vui cho ngành du lịch Việt Nam. Đó là lượng khách quốc tế đến nước ta trong dịp Tết Nguyên đán đạt khoảng 8.000 lượt người, nhiều hơn năm ngoái. Địa chỉ mà khách quốc tế lựa chọn vẫn chủ yếu là các di sản nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Huế, Hội An… Các khu du lịch vui chơi giải trí ở đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí cả những nơi đảo xa như Phú Quốc cũng thu hút đông đảo du khách, có nơi tăng trên 40%. Điều này cho chúng ta niềm hy vọng, Việt Nam có thể đạt mục tiêu đón 4,5 triệu khách du lịch trong năm 2009.
Nhưng những tín hiệu đáng mừng đó của ngành du lịch không phải là hiệu quả tức thời của chương trình khuyến mãi có tên “Ấn tượng Việt Nam” mà ngành du lịch đang triển khai và dự định kéo dài đến tháng 9. Trong chương trình khuyến mãi này, các khách sạn , hãng hàng không cam kết giảm giá từ 30- 50%. Hiện nay, gần 100 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khách sạn, hãng vận chuyển và cửa hàng mua sắm tham gia chương trình, và đã công bố 99 sản phẩm khuyến mãi dành cho du khách ở các nước Pháp và Tây Âu, Australia và New Zeland, các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đây là bước khởi động của ngành du lịch, thể hiện một bước hội nhập với khu vực. Thực hiện chương trình khuyến mãi du lịch này, trước mắt, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch có thể giảm, nhưng đây là việc làm cần thiết để tăng sức cạnh tranh cua ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh đến họat động của ngành du lịch thế giới. Tham gia chương trình này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội quảng bá tiềm lực kinh tế, uy tín và thương hiệu của mình.
Trên thực tế, chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam còn ở mức yếu kém. Theo con số điều tra mà Tổng Cục Du lịch công bố, có tới 70% số du khách quốc tế không có ý định trở lại Việt Nam lần thứ hai. Mức độ hài lòng của khách quốc tế khi đến Việt Nam kém hơn hẳn các nước trong khu vực. Lâu nay, ngành du lịch Việt Nam thường đánh giá sự phát triển của mình dựa trên số lượng du khách gia tăng mà chưa chú ý đánh giá việc tăng chất lượng dịch vụ. Trong khi chất lượng mới là yếu tố giúp ngành du lịch phát triển bền vững và đạt được doanh thu cao.
Thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá qui mô toàn quốc, đồng thời giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch là một thách thức không nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa tạo được tiếng nói chung, chưa ý thức về việc hợp sức tạo lợi thế trong cạnh tranh. Chiến dịch khuyến mãi giảm giá được triển khai trên thực tế còn mờ nhạt. Không ít người lo ngại một số doanh nghiệp du lịch sẽ giảm giá một cách hình thức bằng cách cắt giảm bớt các khâu, các sản phẩm du lịch và các “thượng đế” thực ra không được hưởng lợi gì.
Chính vì thế, lãnh đạo ngành du lịch đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: giảm giá, khuyến mãi, nhưng các doanh nghiệp phải cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu cho từng đơn vị kinh doanh du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung. Điều khẳng định thương hiệu của từng doanh nghiệp du lịch chính là tự kiểm soát chất lượng, cho ra đời nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dịch vụ du lịch, cùng với việc tiết kiệm chi tiêu và những khâu trung gian không cần thiết khác. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để xem xét thực chất hoạt động của các doanh nghiệp du lịch và có các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý những doanh nghiệp vi phạm về chất lượng du lịch.
Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp du lịch phải nhận thức một cách rõ ràng hơn về vai trò cần thiết của việc chung sức xây dựng hình ảnh thực sự về một hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách trong mắt du khách nước ngoài. Tất cả những người làm trong ngành du lịch phải có sự tâm huyết, có những sáng kiến để bạn bè quốc tế luôn luôn chọn Việt Nam là điểm đến thân thiện. Tự khẳng định chất lượng thực sự của mình, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, giữ gìn và phát huy các danh thắng, quản lý chặt chẽ tại các điểm du lịch ngày càng tốt lên, đó mới là cách quảng bá tốt nhất cho ngành du lịch.
“Con gà du lịch” Việt Nam sẽ biết “đẻ trứng vàng” khi biết hợp sức tự khẳng định về chất lượng và thương hiệu của mình./.