“Bội thực” thi hoa hậu: Thí sinh “xuống cấp”, vương miện “mất giá”?
VOV.VN - Đếm sơ sơ từ giờ tới cuối năm, showbiz Việt sẽ có thêm hơn 10 người đẹp đội vương miện với danh xưng hoa hậu, nhiều thí sinh thi hết cuộc này đến cuộc khác.
Từ đầu năm đến nay đã có 18 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp... quy mô toàn quốc được tổ chức, chưa tính các cuộc thi cấp tỉnh, thành. Ngoài các đấu trường nhan sắc lớn như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hay Hoa hậu Việt Nam, nhiều khán giả không nhớ nổi tên các cuộc thi khác.
Một năm thêm mấy chục nàng hậu
Trên các diễn đàn sắc đẹp, các nền tảng mạng xã hội từ Facebook đến TikTok, rất nhiều người đặt câu hỏi: "Hoa hậu ở đâu mà lắm thế?". Tính sơ sơ các cuộc thi được cho là quy mô, tầm cỡ vừa và lớn, con số đã lên đến hàng chục. Đó là chưa tính đến các cuộc thi hoa khôi, người đẹp vùng miền. Có thể liệt kê một số cuộc lớn sắp diễn ra: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (chung kết vào đêm 16/7), Hoa hậu Áo dài Việt Nam (30/7), Hoa hậu Thể thao Việt Nam (31/7), Hoa hậu Thế giới Việt Nam - Miss World Vietnam (12/8), Miss Peace Vietnam (11/9), Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam (25/9), Nữ hoàng Trang sức Việt Nam (20/10), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam - Miss Sea Island Vietnam (22/10), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam - Miss Supranational Vietnam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12)...
Ngay cả những fan sắc đẹp lâu năm cũng khó mà kể tên các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia một cách lưu loát. Nhiều người "hỏi xoáy", có nhiều cuộc thi như vậy, có phải Việt Nam đang là một cường quốc hoa hậu?
Rất dễ nhận ra rằng Việt Nam ngày càng trở thành quốc gia "cuồng hoa hậu" giống với Philippines. Vô hình trung, điều đó dẫn đến tình trạng loạn hoa hậu. Người ít theo dõi các cuộc thi sắc đẹp sẽ không thể phân biệt nổi nhan sắc này với nhan sắc nọ, cuộc thi này với cuộc thi khác, dù mỗi cuộc thi - về mặt lý thuyết - đều có những tiêu chí, sứ mệnh riêng. Quá nhiều cuộc thi, quá nhiều danh hiệu hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi... nên công chúng đang bị "bội thực" với các cuộc thi sắc đẹp.
Một điều đáng nói là dù mang tên gọi khác nhau nhưng các cuộc thi không có sự khác biệt đáng kể, thậm chí có cả những cuộc thi trùng tên khiến các bên liên quan đưa nhau ra "đấu tố", tranh giành. Trên thực tế, dù tên gọi cuộc thi là gì thì các tiêu chí, cách thức cũng na ná nhau, vẫn là cố gắng tìm ra một cô gái có gương mặt và thân hình đẹp, có trí tuệ, nhân cách tốt.
Với 18 cuộc thi nhan sắc quy mô, năm nay Việt Nam có thêm hơn 50 người đẹp thành hoa hậu, á hậu; trung bình mỗi tháng có 4-5 nàng hậu mới. Số lượng hoa hậu, á hậu tăng lên theo "cấp số nhân", cộng với những người có danh hiệu từ trước, câu "Ra ngõ gặp hoa hậu" quả là đã diễn tả đúng thực trạng hiện nay của showbiz Việt.
Thí sinh "xuống cấp"
Tại Việt Nam, việc đội vương miện hay nhận được danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc vẫn được cho là cơ hội vàng để đổi đời nhanh chóng. Vì thế, nhiều cô gái có nhan sắc tìm đủ mọi cách để có chút thành tích, xuất hiện nhiều trong các cuộc thi. Chiếc vương miện trở thành giấc mơ lớn. Các cuộc thi hoa hậu vì thế mà mọc lên như nấm khiến chất lượng tổ chức lẫn nhan sắc, trí tuệ thí sinh đều rất đáng quan ngại.
Không chỉ các cô gái trẻ, nhiều phụ nữ đã ở tuổi “mẫu hậu” cũng tìm đến những cuộc thi nhan sắc dành cho giới doanh nhân, phu nhân, quý bà, cũng với danh xưng thật kêu như hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng này nữ hoàng nọ. Nhiều cuộc thi được tổ chức nhếch nhác, thí sinh chỉ ít người thi với nhau, trở thành câu chuyện gây đàm tiếu trên mạng xã hội.
Tại buổi họp báo Hoa hậu Việt Nam 2022, nói về sự nở rộ nhiều cuộc thi nhan sắc gần đây, ông Lê Xuân Sơn - Trưởng Ban tổ chức cho rằng, tình trạng này khiến số thí sinh bị chia sẻ, số thí sinh đăng ký không nhiều và chất lượng bị ảnh hưởng, trừ những "sân chơi" uy tín, có thâm niên như Hoa hậu Việt Nam.
Tình trạng chất lượng thí sinh kém thể hiện rõ trong những câu trả lời ứng xử ngây ngô và thậm chí thể hiện sự thực dụng đáng ngại. "Em muốn được nổi tiếng như chị Phạm Hương", "Sau khi đăng quang thì em sẽ nổi tiếng và có thật nhiều tiền"... là những câu trả lời từng gây bão mạng xã hội của thí sinh gần đây. Nó cũng phản ánh một thực tế, suy nghĩ "trở thành hoa hậu để giàu có và kiếm được nhiều tiền" đã ăn vào máu nhiều cô gái trẻ, kể cả những cô đủ khôn ngoan để không nói ra một cách công khai.
Các cuộc thi nhan sắc được ồ ạt tổ chức cũng dẫn đến hiện tượng nhiều cô gái "nhẵn mặt" ở "sàn đấu" hoa hậu, miệt mài "chạy sô" ứng thí, tìm kiếm danh hiệu từ cuộc thi này đến cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác. Hễ dừng chân ở cuộc thi này, họ có ngay "sân chơi" khác để tham gia, cứ kiên trì thi và tốn tiền đầu tư thì kiểu gì cũng có giải.
Nhiều người nhận xét, có lẽ vì thiếu thí sinh nên tiêu chí để chọn lựa cũng không còn quá khắt khe như trước. Nhiều trường hợp thí sinh không đủ đẹp và đủ phẩm chất thi hoa hậu vẫn đi tới vòng chung kết chỉ vì có sức hút sẵn trên mạng xã hội, giúp tăng độ nóng cho cuộc thi, và ai cũng biết họ không thể lọt vào top cao. Nghi vấn dùng người có tiếng tăm để PR cũng là yếu tố khiến nhiều người chán ngán. Không ít người còn đặt vấn đề, phải chăng các cuộc thi nhan sắc mở ra chỉ để làm hình ảnh quảng bá cho đơn vị tổ chức và các nhà tài trợ?
Giá trị thật sự của chiếc vương miện
Khoảng 10-20 năm trước, danh xưng hoa hậu là thứ gì đó rất cao quý, chiếc vương miện là thứ mà hàng triệu cô gái phải ao ước và người đạt được nó thực sự tài sắc, nhân phẩm vẹn toàn, nhưng giờ đây có vẻ nó không còn quá xa tầm với. Cái gì hiếm thì mới quý, vương miện quá nhiều, danh hiệu hoa hậu quá nhiều thì đương nhiên giá trị cũng giảm đi. Việc mở ồ ạt các cuộc thi nhan sắc để tìm kiếm chủ nhân vương miện cũng dễ bị thương mại hóa, nấp dưới những thông điệp nhân văn.
Với vô số các cuộc thi vùng miền, doanh nhân, quý bà hay các cuộc thi quốc tế mang quy mô "ao làng", nhiều cô gái chỉ sau một đêm đã khoác lên mình cái mác hoa hậu dù không danh giá. Nhiều cô coi danh hiệu như vật trang trí để dễ dàng vào showbiz hoặc nhanh chóng kiếm "đại gia". Không ít cuộc thi bị biến thành cái chợ với những lùm xùm tố cáo mua bán giải, phẫu thuật thẩm mỹ, vi phạm quy chế, những ồn ào kiểu như trưởng ban tổ chức cuộc thi đăng đàn mắng hoa hậu "vô ơn", gây sóng gió trên báo chí. Rõ ràng không phải chiếc vương miện nào cũng lấp lánh và cao quý, không phải cuộc thi nhan sắc nào cũng thực sự đẹp.
Sự lộn xộn, bát nháo ấy cũng ảnh hưởng đến các cuộc thi uy tín, các hoa hậu, á hậu chân chính, khi định kiến của xã hội về chuyện thi nhan sắc hình thành và ngày càng đậm nét.
Một thực tế có thể nhìn rõ là dù ở Việt Nam "ra ngõ gặp hoa hậu" nhưng trước mỗi kỳ thi quốc tế, chúng ta vẫn phải loay hoay chọn thí sinh dự thi. Điều này cho thấy giá trị thật của những chiếc vương miện được trao hàng loạt. Và khi đi thi quốc tế (không tính những cuộc "ao làng"), sự nhạt nhòa, sự thiếu tự tin, kinh nghiệm non nớt của các thí sinh Việt khiến phần lớn trong số họ thất bại hoặc chỉ đạt những thành tích mang tính "động viên". Cho đến nay, mới chỉ Thùy Tiên, Phương Khánh giành vương miện trong các cuộc thi top đầu thế giới./.