Januhairy - Trào lưu "tháng 1 lông lá" thú vị của phụ nữ phương Tây
VOV.VN - Trào lưu mang tên Januhairy nhằm khuyến khích phụ nữ để những phần lông trên cơ thể phát triển tự nhiên. Bất chấp những ý kiến trái chiều, trào lưu này đã có tài khoản Instagram chính thức và có hơn 40.000 người theo dõi.
Nếu đàn ông có "Movember" (tháng 11 để râu) thì trào lưu "Januhairy" (tháng 1 để lông) của chị em phụ nữ phương Tây cũng tương tự như thế. Trào lưu này chủ yếu để khích lệ tình yêu với cơ thể tự nhiên của nữ giới, còn lại là quyên góp từ thiện.
Đã 6 năm kể từ khi xuất hiện, bất chấp nhiều ý kiến trái chiều, trào lưu hiện đã có tài khoản Instagram tích xanh chính thức với hơn 40,000 người theo dõi và đăng tải hình ảnh những người phụ nữ tự tin ăn mừng bộ lông trên cơ thể mình.
Sắc đẹp bị áp đặt chuẩn mực
"Januhairy có tác dụng giải phóng vì nó khiến bạn phải suy nghĩ về cách mà bạn đang đối xử với cơ thể của chính mình", người sáng lập Januhairy, Laura Jackson, nói với tờ Metro của Anh vào năm 2021. Cô nói thêm rằng: "Có lẽ chúng ta sẽ sớm đạt tới thời điểm mà mọi người có thể làm những gì họ muốn mà không cần suy nghĩ tới những lời bàn tán xung quanh".
Cụ thể, vào đầu thế kỷ 20, khi đó cả phụ nữ và những người khác chẳng mấy quan tâm đến việc lông nhiều hay ít trên cơ thể. Đó cũng là lúc những trang phục như các mẫu váy 3 lỗ (sleeveless, không tay) trở nên thịnh hành vào những năm 1950. Ngành quảng cáo bắt đầu tấn công vào vùng da dưới cánh tay của nữ giới.
Nhà sản xuất dao cạo râu Gillette đã nhìn thấy một cơ hội vàng và tung ra sản phẩm "Milady Decolette". Nhiều quảng cáo vào thời đó coi đây là giải pháp của người phụ nữ chuẩn bị chu đáo cho "một vấn đề cá nhân đáng xấu hổ".
Breanne Fahs, Giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và giới tính tại Đại học bang Arizona, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNN: "Đó là một quyết định rất sáng suốt của Gillette khi tích cực mở rộng thị trường sang phụ nữ".
Hoạt động tiếp thị này trùng hợp với sự gia tăng của việc chụp ảnh thời trang trên các tạp chí, đồng nghĩa với việc hình ảnh về các tiêu chuẩn sắc đẹp mới được lan truyền nhanh chóng. Một thế kỷ sau, lông trên cơ thể phụ nữ vẫn là điều cấm kỵ đối với nhiều người.
Vào năm 2021, một nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường YouGov, cho thấy 59% người Anh coi lông nách của phụ nữ là "không hấp dẫn". Trong đó, nam giới và phụ nữ phần lớn có quan điểm giống nhau, lần lượt là 57% và 61%. Nhưng nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng quan điểm này mang tính chất thế hệ. Những người trẻ ít cho rằng cơ thể hoặc khuôn mặt của phụ nữ là không hấp dẫn và đặc biệt họ chấp nhận lông trên cơ thể hơn thế hệ lớn tuổi hơn.
Hashtag #bodyhairpositivity có hơn 214 triệu lượt xem trên TikTok cho thấy rằng ngày càng có nhiều người không ngại ngần che đậy lông trên cơ thể. Tuy nhiên, về tổng quan, quan điểm để lông trên cơ thể ở phụ nữ vẫn là câu chuyện nan giải.
Breanne Fahs cho biết: "Tỷ lệ tuân thủ việc tẩy lông trên cơ thể cao đáng kinh ngạc". Bà trích dẫn nghiên cứu cho thấy khoảng 92 đến 99% phụ nữ ở Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và phần lớn Tây Âu thường xuyên tẩy lông chân và lông nách. "Điều đó thực sự gây sốc đối với một tiêu chuẩn không có lợi cho sức khỏe. So với mức độ tuân thủ của việc thắt dây an toàn hoặc đánh răng, quy chuẩn này có sức mạnh thật đáng sợ".
Mặc dù, ngày càng có nhiều họa động tích cực hơn về lông trên cơ thể như sáng kiến Januhairy đang thu hút nhiều sự chú ý, nhưng ông Breanne Fahs cho biết: "Chúng tôi muốn tin rằng mọi người đang nổi loạn nhiều hơn thực tế… Chúng tôi không thấy dữ liệu chứng minh điều đó".
Quan điểm về sắc đẹp lý tưởng
Roxanne Felig (27 tuổi), đến từ Tampa, Florida, đang theo học tiến sĩ tâm lý xã hội, thường xuyên đăng bài lên mạng xã hội về lựa chọn nuôi lông trên cơ thể trên tài khoản Instagram Januhairy. Sự lựa chọn cá nhân của cô lại thu hút rất nhiều lời chỉ trích từ người lạ, đặc biệt trên Internet.
Cô chia sẻ: "Phần lớn chỉ trích đến từ phụ nữ. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng nó thực sự rất hung hãn. Có người đã để lại biểu tượng cảm xúc nôn mửa và nói tôi thật kinh tởm".
Esther Calixte-Bea (27 tuổi), một nghệ sĩ đến từ Montreal cũng là nạn nhân của vấn đề bạo lực trên mạng khi cô chia sẻ bức hình trên tài khoản Instagram của Januhairy. Cô đã sử dụng phương pháp sáng tạo để ghi lại cơ thể mình, cùng với phần lông ngực mà cô đã mất nhiều năm để loại bỏ mặc dù nó khiến cô đau đớn, kích ứng và thậm chí nhiễm trùng.
"Có những bình luận mang tính hận thù, đôi khi là phân biệt chủng tộc nữa. Mọi người luôn bình luận những biểu tượng cảm xúc như khỉ hoặc khỉ đột. Lúc đầu tôi khó chịu nhưng giờ thì quen rồi. Điều tồi tệ nhất mà tôi từng gặp là hai người đàn ông đã quay phim tôi", Calixte-Bea tâm sự.
Điều ngạc nhiên là lông trên cơ thể người phụ nữ cũng bị phân biệt chủng tộc. Trong lịch sử, đã có vô số ví dụ về các cường quốc thuộc địa thực thi việc tẩy lông như một phương tiện kiểm soát hoặc trừng phạt. Một gợi ý của Charles Darwin trong cuốn sách “Hậu duệ của con người” năm 1871, cho rằng lông trên cơ thể quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện rắc rối liên quan đến sự tôn trọng và vệ sinh.
Calixte-Bea cho biết: "Sự phán xét từ bên ngoài có thể khiến bạn cảm thấy rất đáng sợ nhưng để bình thường hóa điều gì đó thì nhiều người cần phải xem nó hơn. Tôi không thể chỉ nói 'Tôi thấy lông trên cơ thể bình thường' mà không để lộ lông trên cơ thể.
Một điểm đáng lưu ý khác là vị trí của lông trên cơ thể cũng có mức độ chấp nhận khác nhau.
Giáo sư Fahs cho biết: "Lông nách tiếp tục bị coi là thứ kinh tởm hoặc khó dung nạp nhất đối với mọi người", đồng thời chỉ ra rằng bà đã viết về rất nhiều chủ đề gây tranh cãi nhưng lông nách mới là thứ "khiến mọi người thực sự tức giận vì nó được coi là không phù hợp". Vùng lông đó bị coi một sự vi phạm lớn, phá vỡ quy tắc về giới tính và truyền thống.
Calixte-Bea nói: "Rất nhiều phụ nữ chưa bao giờ nhìn thấy cơ thể của mình như mong muốn. Việc để lông trên cơ thể có thể giúp bạn đặt câu hỏi về những ý tưởng vẻ đẹp xung quanh và cảm nhận thực sự của bạn về cơ thể mình".