Kpop đang sa vào sao chép và thiếu sáng tạo?
VOV.VN - Nhiều nhóm nhạc mới ra mắt trên thị trường Kpop hiện nay có sự giống nhau đến kỳ lạ. Xem các sản phẩm của các nhóm nhạc Kpop hiện tại dễ dàng nhận thấy sự na ná từ concept cho đến thể loại, khiến người hâm mộ ngày càng ngao ngán.
Thời gian gần đây, tuyên bố của Giám đốc điều hành Ador Min Hee Jin đã gây chấn động cộng đồng Kpop. Cô cho rằng nhóm nhạc nữ ILLIT của HYBE đã sao chép New Jeans, tranh luận về khả năng biểu diễn trực tiếp của Le Sserafim và bức thư "xin lỗi hẹn hò" viết tay từ thành viên của thành viên Aespa Karina.
Những vấn đề này đã cho thấy những thách thức cơ bản mà ngành công nghiệp Kpop phải đối mặt: hướng tới sự sáng tạo, trau dồi khả năng hát live và giảm bớt sự phụ thuộc vào cộng đồng người hâm mộ. Đây là những yếu tố cơ bản để tạo nên sự độc đáo, tính nghệ thuật cũng như sự minh bạch trong ngành.
Khi các nhóm nhạc thần tượng xuất hiện càng nhiều thì sự giống nhau càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này hoàn toàn đi ngược với công thức thành công toàn cầu của BTS và Black Pink là nhắm tới sự đa dạng về văn hóa và âm nhạc.
Sao chép nhau giữa các nhóm nhạc
Trên các nền tảng như YouTube, có rất nhiều video so sánh vũ đạo của ILLIT và NewJeans. Cả hai nhóm đều thuộc công ty con của HYBE. Người hâm mộ đã chỉ ra những điểm tương đồng trong vũ đạo giữa MV “Magnetic” (2024) của ILLIT và “Ditto” (2022) của NewJeans. Mặc dù việc phát hành “Magnetic” ban đầu được coi là sự tôn kính đối với NewJeans, nhưng Giám đốc điều hành của NewJeans, Ador, không đồng ý với cách tiếp cận này.
Giám đốc điều hành Ador cho rằng Chủ tịch HYBE Bang Si Hyuk đang sao chép những thành tựu của NewJeans về cả vũ đạo và trang phục. Theo Min Hee Jin, khi các công thức sản xuất trở nên rập khuôn chỉ có thể tạo ra một loại hàng hóa đơn thuần, dẫn đến sự cạnh tranh mang tính hủy diệt trong cùng một công ty.
HYBE hiện là công ty sản xuất âm nhạc hàng đầu Hàn Quốc, sở hữu những nhãn hiệu nổi tiếng như BigHit Music, Belift Lab, Source Music. Xung đột tại HYBE liên quan đến cáo buộc đạo văn đã cho thấy nhận thức ngày càng tăng của các nhà sản xuất về các vấn đề mang tính hệ thống và khủng hoảng trong ngành.
Các chuyên gia tin rằng khi các công ty Kpop ngày càng thâm nhập thị trường chứng khoán, việc tạo dựng được bản sắc riêng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.
Lee Dong Jun, một nhà nghiên cứu Kpop tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Trong khi YG Entertainment phát hành các nhóm nhỏ như một hình thức phân cấp thì HYBE tích cực theo đuổi việc mua bán và sáp nhập để tạo ra một hệ thống đa nhãn hiệu”. Cũng theo ông, cách tiếp cận của HYBE thiên về sự đa dạng của người tiêu dùng hoặc sự đa dạng của sản phẩm hơn là sự đa dạng về văn hóa.
Sự xuống dốc tính độc đáo và sáng tạo được nhận thấy rõ khi các công thức sản xuất trở nên đồng nhất, nhiều MV ca nhạc có ý tưởng giống nhau. Điều này khiến người hâm mộ không khỏi thất vọng, khi so sánh các nhóm nhạc hiện tại với các bậc tiền bối của họ trước đó đã thành công vì cá tính và có chất riêng như Bigbang, 2NE1…
Mâu thuẫn giữa HYBE và Ador cho thấy việc làng nhạc Kpop chú trọng mở rộng số lượng thông qua các công thức thành công quen thuộc đã trở nên lỗi thời.
Khả năng hát live gây tranh cãi
Khi các nhóm nhạc thần tượng ngày càng trở nên khó phân biệt, người hâm mộ càng háo hức với giọng hát chân thực hơn. Mới đây nhất, màn trình diễn của Le Sserafim tại lễ hội âm nhạc Coachella ở Mỹ ngày 13/4 khiến người hâm mộ sốc nặng vì khả năng hát live kém cỏi của nhóm nhạc nữ này.
Cụ thể, 5 cô nàng trong nhóm Le Sserafim được nhận xét hát quá tệ tại lễ hội âm nhạc Coachella. Dù diện những bộ trang phục đắt tiền đến từ hãng Louis Vuitton nhưng giọng hát tệ hại của họ lại trở thành điểm nhấn từ điếc tông, hát hụt hơi, hát nhỏ hơn nhạc đệm…
"Khi việc phân biệt phong cách cá nhân trong âm nhạc ngày càng trở nên khó khăn, các cộng đồng người hâm mộ Kpop phải tìm cách khẳng định bản sắc của một nhóm nhạc thần tượng thông qua khả năng thanh nhạc", nhà phê bình văn hóa Sung Min Seong nhận định.
Tuy nhiên, thay vì tập trung nâng cao kỹ năng cho nghệ sĩ, các công ty Kpop hiện tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tận dụng cộng đồng người hâm mộ. Tăng cường hoạt động kinh doanh trên các nền tảng như Weverse và Bubble, nền tảng giao tiếp có thu phí giữa người hâm mộ và nghệ sĩ là một ví dụ điển hình.
Giao tiếp dựa trên cảm xúc hơn là tài năng đã khiến người hâm mộ cảm thấy có quyền can thiệp vào đời sống cá nhân của thần tượng. Thành viên aespa Karina sau khi thừa nhận mối quan hệ với nam diễn viên Lee Jae Wook đã phải xin lỗi công khai thông qua bức thư viết tay trên mạng xã hội. Một người trưởng thành không có nghĩa vụ hôn nhân phải công khai xin lỗi về mối quan hệ lãng mạn chứng tỏ áp lực mà người hâm mộ đặt lên thần tượng.
Quá chú trọng vào vấn đề khai thác thương mại cũng khiến các nhóm nhạc mới của K-pop thiếu đi điểm nhấn, tính cá nhân riêng.
Tác giả Ahn Hee Je, người đã viết về văn hóa tiêu dùng của Kpop trong cuốn sách Hesitant Love, đã chỉ ra rằng: "Các công ty Kpop đang cố gắng kiểm soát tình cảm của người hâm mộ dành cho nghệ sĩ một cách trực tiếp thông qua nền tảng, thay vì củng cố cộng đồng người hâm mộ thông qua sản phẩm âm nhạc. Xu hướng này ngày càng phát triển khiến sự đa dạng nội dung càng trở nên khó khăn hơn”.
Hiện tại, các công ty quản lý hàng đầu đang tăng cường hoạt động kinh doanh nền tảng fandom của họ. Weverse của HYBE và Bubble của SM, những dịch vụ trung gian giao tiếp giữa nghệ sĩ và người hâm mộ có tính phí, là những ví dụ điển hình.