Nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật: Xử lý thế nào?
VOV.VN - Kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo dựa trên uy tín và hình ảnh cá nhân là hợp pháp. Nhưng không ít nghệ sĩ vì sự dễ dãi hoăc vì lợi ích trước mắt mà không kiểm chứng xuất xứ của sản phẩm đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian gần đây, việc nhiều nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng, tham gia quảng cáo các loại sản phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... trên mạng xã hội một cách thái quá, thổi phồng công dụng... đang là vấn nạn khiến công chúng bức xúc.
Đặc biệt, để “né” xử phạt từ cơ quan chức năng, nhiều người nổi tiếng đã biến nội dung quảng cáo thành hình thức “trải nghiệm cá nhân” và “chia sẻ thông tin bổ ích cho công chúng”. Một số nghệ sĩ nhận quảng cáo “lậu” từ các cơ sở kinh doanh, không xác lập các hợp đồng quảng cáo, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm.
Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung bức xúc: về mặt đạo đức nghề nghiệp, việc một số nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật đã góp phần làm hại người tiêu dùng.
“Nhiều nghệ sĩ dù đã biết thực chất chất lượng của sản phẩm đó nhưng vẫn cố tình tham gia quảng cáo để công chúng vì yêu mến họ mà mua sản phẩm. Đó không phải chỉ là vấn đề chuyên môn nữa mà là câu chuyện liên quan đến nhận thức, liên quan đến đạo đức, để làm giàu, kiếm tiền chưa đúng mức”, TS Phạm Ngọc Trung nêu quan điểm.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng thẳng thắn phân tích, con người chứ không phải những cỗ máy, đặc biệt các nghệ sĩ và người nổi tiếng có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, vì vậy nên cân nhắc cẩn thận trước khi quảng cáo cho các sản phẩm; cần phải thử nghiệm, tìm hiểu thông tin một cách kỹ càng về sản phẩm khi giới thiệu tới công chúng. Bởi việc đưa ra những lời quảng cáo sai sự thật không chỉ gây hại cho chính bản thân mình mà còn có thể để lại hậu quả khôn lường với người tiêu dùng. “Nghệ sĩ nên chịu trách nhiệm về hành động của mình”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Còn nhà văn hóa, nhà biên kịch Chu Thơm thì khẳng định, việc nghệ sĩ làm quảng cáo là công việc tay ngang. Ở một góc độ nào đó, có thể cảm thông cho các nghệ sĩ bởi họ cũng cần phải có thu nhập để lo toan cho cuộc sống. Thế nhưng khi chưa có kiểm chứng, chưa có thông tin một cách đầy đủ mà đã thổi phồng các chức năng của sản phẩm một cách quá đà gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng thì cần phải nghiêm khắc xử lý
“Nếu không biết gì về sản phẩm, nhất là các mặt hàng thuốc, thậm chí đọc tên thuốc còn sai mà cứ quảng cáo thì đấy là những người vô trách nhiệm với công chúng”, nhà biên kịch Chu Thơm gay gắt.
Trước sự bức xúc của dư luận, thời gian qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có công văn đề nghị chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời Bộ cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điều khoản liên quan tới hoạt động quảng cáo, yêu cầu nghệ sĩ: Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, thực trạng này các cơ quan quản lý đã nhìn thấy và cũng đã đưa ra các giải pháp xử lý, nhưng thực chất ra làm chưa quyết liệt, chưa đủ sức để răn đe các hanh vi vi phạm này nên nhiều người vẫn ngang nhiên quảng cáo "bừa" từ thuốc trị bệnh, giảm cân đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... dày đặc trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, có một điều đáng ghi nhận, đó là sau khi báo chí lên tiếng phản ánh, ngay lập tức, một số nghệ sĩ đã công khai xin lỗi người tiêu dùng một cách chân thành. Việc nghệ sĩ nhận sai giúp xoa xịu phần nào sự bất bình của dư luận và những người đang thất vọng vì trót đặt niềm tin nhầm chỗ vào thần tượng mà họ luôn yêu mến. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, rất nhiều người cho rằng, nếu chỉ xin lỗi là chưa đủ.
“Quảng cáo sai sự thật, khiến công chúng tin theo và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Đây là hành vi vi phạm luật, sai các quy định về hoạt động quảng cáo, mà đã sai đã vi phạm quy định của pháp luật thì phải phạt chứ không thể chỉ xin lỗi là xong”, một thính giả vô cùng bức xúc khi chia sẻ điều này với phóng viên VOV.
Nêu quan điểm trước động thái xin lỗi của một số nghệ sĩ sau khi bị phản ánh quảng cáo sai sự thật, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, phần đông công chúng vẫn còn tâm lý dễ dãi với suy nghĩ “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, nên mỗi khi thấy người nghệ sĩ xin lỗi là hay dễ dàng bỏ qua. Trong trường hợp này, theo ông Chu Thơm cần phải xem xét hậu quả của những lời quảng cáo sai đó như thế nào? Bao nhiêu người đã uống thuốc mà các nghệ sĩ quảng cáo rồi tiền mất tật mang? “Nếu có hậu quả thì lời xin lỗi ấy là quá muộn và không thể chấp nhận được”. Chính vì vậy ông Chu Thơm cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc, chẳng hạn cấm diễn trong một thời gian nhất định và nếu tiếp tục tái phạm thì cấm sóng hoàn toàn.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, hiện nay một số nước Đông Nam Á đã đưa ra nhiều nguyên tắc cũng như chế tài cho các nghệ sĩ khi tham gia vào thị trường quảng cáo. Bằng những hình thức xử phạt như hạn chế xuất hiện trên sóng, phạt tiền, thông báo vi phạm lên truyền thông đại không chỉ khiến cho hình ảnh, uy tín của các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật bị giảm sút mà còn giúp cho công chúng nhìn nhận toàn diện hơn, thậm chí là tẩy chay người nghệ sĩ đó.
Mới đây, để mạnh tay chấn chỉnh thực trạng một số nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong Dự thảo có đề xuất quy định, hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng hoặc những người có tài khoản mạng xã hội có số lượng đăng ký.
Bày tỏ ủng hộ với đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì đây là đề xuất cần thiết. Tuy nhiên đây là một vấn đề phức tạp, cần thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ, và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy. Ông Thơm cũng kỳ vọng, những quy định nếu được thông qua và có hiệu lực sẽ sớm quản lý được tình trạng nghệ sĩ lợi dụng hình ảnh, tên tuổi bản thân để quảng cáo sản phẩm trái quy định, sai sự thật, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần và tiền bạc cho người tiêu dùng.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp Hành vi quảng cáo sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo Luật quảng cáo. Bởi vậy người thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay có hai loại chế tài được áp dụng đối với hành vi quảng cáo gian dối: Đó là chế tài hành chính được quy định tại Nghị định số 38 năm 2021 của Chính phủ và chế tài hình sự được quy định tại Điều 197 của Bộ luật hình sự năm 2005. Với chế tài hành chính thì người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Còn trong trường hợp người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối đã bị phạt hành chính rồi mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối với chế tài là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp áp dụng hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |