Ngọc Sơn ngưỡng mộ cụ bà 71 tuổi mỗi ngày làm 600 phần cơm 0 đồng dành cho người nghèo
VOV.VN - Ở độ tuổi thất thập, hai vợ chồng bà My và ông Hồng vẫn đều đặn dậy sớm mỗi ngày để chuẩn bị gần 600 phần cơm 0 đồng dành cho người nghèo.
“Bếp cơm 0 đồng – Bình Thạnh sẻ chia” là tấm băng rôn được treo trước căn nhà số 207 đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là căn bếp 0 đồng chuyên trao đi những phần cơm miễn phí cho người nghèo của đôi vợ chồng già, bà My và ông Hồng.
Bà My tên đầy đủ là Nguyễn Thị My, năm nay 71 tuổi. Chồng bà là ông Trần Văn Hồng, năm nay 87 tuổi. Bếp ăn 0 đồng của vợ chồng ông bà đã hoạt động được gần 1 năm nay. Dù lớn tuổi nhưng hai ông bà vẫn dành nhiều thời gian và công sức để làm từng hộp cơm 0 đồng trao cho người nghèo. Từ tờ mờ sáng, căn bếp của bà My đã đỏ lửa, mọi người tất bật với những công việc không tên, từ chuẩn bị nguyên liệu nấu đến đóng gói từng hộp cơm để phục vụ bà con.
Đầu bếp chính của bếp ăn từ thiện là bà My, người phụ nữ 71 tuổi có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng, lưng gù nhưng đi lại nhanh nhẹn và tính tình niềm nở. Hộp cơm của bà My thường có đậu hũ chiên hoặc kho, các món rau, củ, quả, nấm… và canh. Từng món ăn được bà chăm chút rất kỹ lưỡng, mỗi một suất cơm đều đầy đủ màu sắc và hương vị, chắt chiu trong đó là tình cảm yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Thời gian đầu, khi chỉ có hai ông bà làm với nhau thì mỗi ngày chỉ có 70 phần cơm được cho đi, sau đó một thời gian có người phụ giúp thì lên 150 phần và đến hiện tại thì số lượng phần cơm cho đi mỗi ngày đã lên đến 600.
Bà chia sẻ: “Tại vì lúc xưa gia đình tôi cũng gặp khó khăn, mất đất, mất hết tất cả. Con tôi cũng lang thang, đi học, đi chùa rồi đi làm mướn thành ra tôi hiểu được nỗi khổ của những người mà người ta cần hộp cơm 0 đồng như vậy”. Hơn nữa: “Thấy mình làm từ thiện này không có tiền nhưng cái tuyệt vời của cô chú đi trước mà mình mê là 85, 90 tuổi vẫn còn đạp xe đạp đều đều đi làm từ thiện. Sức khỏe tốt, không bị lẫn và minh mẫn”.
Tuy kinh tế gia đình không dư dả, nhiều lúc thiếu tiền khiến ông bà nghĩ đến việc dừng lại bếp ăn thì lại nhận được sự giúp đỡ của chùa, nghệ sĩ và cộng đồng đôi vợ già có thêm động lực. Bà kể: “Khi hết tiền tính nghỉ rồi thì thầy Linh ở chùa Long Vân qua hỏi sao bà tính về quê vậy, tôi nói là hết vốn rồi thì thầy chở gạo, bột nêm, đường, dầu ăn đầy đủ hết cho mình làm. Rồi kế đó 2-3 ngày sau có chú Quyền Linh cũng cho người chở lên 1 xe đồ rồi làm cho đến bây giờ”.
Sài Gòn sầm uất, vội vã là thế nhưng ở đây luôn có những người biết cách sống chậm lại để trao đi yêu thương, để chia sẻ và bao bọc lẫn nhau bởi đối với họ cho đi chính là nhận lại. Câu chuyện ấm áp về tấm lòng đẹp của hai vợ chồng bà My và ông Hồng đã khiến cho bộ ba giám khảo Ngọc Sơn, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng xúc động, nở nụ cười ấm áp hiếm hoi giữa vô vàn những câu chuyện đau lòng mà chương trình mang đến./.