Thùy Tiên và năm thành công của nhan sắc Việt
VOV.VN - Miss Grand International (MGI) dù sinh sau đẻ muộn nhưng đã được xếp vào danh sách 6 cuộc thi sắc đẹp đình đám nhất toàn cầu.
Nhìn lại năm 2021, việc Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang ngôi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) xứng đáng được xem là sự kiện nổi bật khi lần đầu tiên một người đẹp Việt vượt qua các thí sinh từ hơn 100 quốc gia khác. Ngôi vị này có ý nghĩa về nhiều mặt.
Sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Ngôi vị Thùy Tiên đạt được cho thấy tiềm năng và khả năng của những người đẹp Việt, phá vỡ định kiến nhan sắc Việt khó ngự trị ở ngôi số 1 thế giới. Một thập kỷ qua, số lượng các hoa hậu Việt Nam tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế rất nhiều, từ Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy tới H’Hen Niê,… nhưng trước Thùy Tiên chưa có ai vươn tới ngôi cao nhất. Tại sao? Có phải vì những người đẹp ấy không sở hữu chỉ số hình thể hoàn hảo như những thí sinh đăng quang?
Hãy nhớ lại câu trả lời vấn đáp của Thùy Tiên trước khi được trao vương miện: “Tôi đã học tiếng Thái và sẵn sàng ở lại Thái Lan một năm để hoàn tất nghĩa vụ của một Hoa hậu Hòa bình Quốc tế”. Đấy chính là mấu chốt của chiến thắng! Danh hiệu hoa hậu tại các cuộc thi lớn không chỉ là sự ghi nhận ở thời điểm diễn ra cuộc thi mà còn kèm theo nhiều trọng trách sau này, như người trong nghề vẫn nói “nhiệm kỳ hoa hậu”. Nhiệm kỳ đó kéo dài từ sau khi nhận vương miện cho đến khi cuộc thi kế tiếp được tổ chức, tìm ra hoa hậu mới. Như câu nói rất hay trong series phim Người Nhện: “Năng lực càng cao, trách nhiệm càng nhiều”. Mỗi cuộc thi hoa hậu lại có một tiêu chí trách nhiệm ràng buộc khác nhau. Ở cương vị Hoa hậu Hòa bình thế giới, trước mắt Nguyễn Thúc Thùy Tiên là hàng loạt trọng trách: Hàn gắn, kết nối hòa bình, nhân ái không chỉ ở Thái Lan, châu Á mà còn ở bất cứ nơi nào trên thế giới đang tồn tại bất ổn, xung đột, chiến tranh. Việc Thùy Tiên khẳng định với Ban tổ chức, cô sẵn sàng nhận nhiệm vụ của một Hoa hậu Hòa bình thế giới là lời cam kết có sức nặng góp phần làm nên chiến thắng của cô.
Không chỉ có nhan sắc
Nguyễn Thúc Thùy Tiên có hoàn cảnh không may mắn, phải đi làm gia sư kiếm tiền từ khi học cấp III. Lên đại học, Tiên đỗ vào trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp và đang tiếp tục học thêm tiếng Thái Lan. Tiên cũng đang theo học đại học ngành khách sạn nhà hàng để chuẩn bị cho tương lai. Ở Nguyễn Thúc Thùy Tiên hội tụ đủ cả nhan sắc, ý chí và tài năng, học thức. Những người như Thùy Tiên xứng đáng là chuẩn mực cho các cô gái hiện đại. Phụ nữ hay đàn ông đều cần biết cách để đẹp hơn, đó là cách tôn trọng bản thân và người xung quanh. Người biết cách làm đẹp, biết cách tôn lên nét đẹp ngoại hình cũng sẽ biết cách làm thế nào phát huy hết tài năng của bản thân.
Nhiều diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ thế giới, họ không chỉ đẹp, giàu sang, tài giỏi mà còn có trái tim nhân hậu. Leonardo Di Caprio hơn 10 năm qua vận động, đấu tranh ngăn chặn nạn săn bắt, giết chết động vật hoang dã. Vừa qua, hãng Gucci tuyên bố sẽ không sử dụng da hoặc lông động vật hoang dã vào các bộ sưu tập thời trang của mình để ngăn chặn tình trạng giết hại chúng. Ca sĩ người Anh Sir Elton John là một trong những người có đóng góp lớn nhất cho công cuộc nghiên cứu biện pháp chống lại bệnh AIDS với việc lập ra Quỹ AIDS Elton John từ thập niên 1980. Hay ngôi sao dẫn chương trình truyền hình người Mỹ Oprah Winfrey cũng điều hành 3 quỹ từ thiện với nhiều hoạt động xã hội khác nhau. Và còn rất nhiều người giàu có, tài giỏi, xinh đẹp có trái tim nhân ái, hoạt động từ thiện tích cực.
Những hoa hậu đăng quang trong nước cũng rất tích cực làm việc thiện. Nhưng phạm vi ảnh hưởng của họ chỉ gói gọn ở Việt Nam. Nguyễn Thúc Thùy Tiên, với một danh hiệu cấp toàn cầu, sẽ có nhiều cơ hội thực hiện các chiến dịch từ thiện có sức ảnh hưởng lớn hơn, qua đó 4 chữ “Việt Nam nhân ái” cũng sẽ được nhắc đến một cách rộng rãi hơn.
Việt Nam có nên tổ chức cuộc thi hoa hậu quốc tế?
Tiếp nối thành công của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, năm 2021 còn ghi dấu chiến thắng của nhiều người đẹp Việt trên trường quốc tế. Tháng 12, Vũ Huyền Diệu (Bella Vũ) - cô bé 13 tuổi mang 2 quốc tịch Việt Nam - Singapore đã xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh để đăng quang ngôi cao nhất cuộc thi Miss Eco Teen International 2021 tại Ai Cập. Trước đó, người mẫu Quỳnh Anh (Á quân cuộc thi The Face 2018, học trò siêu mẫu Võ Hoàng Yến) cũng đánh bại 11 đối thủ khác để đăng quang trò chơi truyền hình thực tế Siêu mẫu châu Á SupermodelMe tại Singapore. Những danh hiệu hoa hậu của các người đẹp Việt tại Thái Lan, Singapore,... ngoài việc khẳng định một năm thành công của nhan sắc Việt, còn gợi ra suy nghĩ: Tại sao nước bạn có thể tổ chức, tạo ra những sân chơi hoa hậu, siêu mẫu cấp quốc tế, được cả thế giới thừa nhận, mà Việt Nam thì chưa? Chúng ta từng đăng cai tổ chức những cuộc thi hoa hậu nhóm Big 6, nhưng để tạo ra một sân chơi hoa hậu riêng, xây dựng uy tín cho nó, quy tụ các người đẹp khắp thế giới đến Việt Nam tham dự như Thái Lan với cuộc thi Miss Grand International hay Singapore với SupermodelMe thì chưa! Nhiều cuộc thi đó có tuổi đời rất trẻ (Miss Grand International ra đời năm 2013), nhưng bằng những chiến lược phát triển bài bản đã khẳng định thương hiệu ở tầm quốc tế.
Việc Thái Lan hay Singapore sở hữu những thương hiệu hoa hậu đẳng cấp quốc tế giúp họ tạo sức ảnh hưởng, nâng cao sức mạnh mềm và vị thế quốc gia, áp đặt chuẩn mực sắc đẹp và văn hóa riêng. Nếu Việt Nam cũng có một sân chơi, một cuộc thi như thế sẽ là công cụ vô cùng hiệu quả để nâng tầm vị thế quốc gia ở một lĩnh vực mà chúng ta có đầy đủ nguồn lực tạo ra sự ảnh hưởng.
Việt Nam có những bãi biển nên thơ, những khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng được các tạp chí du lịch hàng đầu châu Á như Travel Live, Travel Biz,… xếp hạng cao, có những nhà thiết kế thời trang tên tuổi, và có những cô gái tài sắc. Đã đến lúc chúng ta nghĩ tới việc tạo ảnh hưởng ở lĩnh vực hoa hậu. Một cuộc thi hoa hậu quốc tế do người Việt sáng lập điều hành. Tại sao không?./.