Nỗi niềm những gia đình liệt sĩ chưa tìm được hài cốt người thân
VOV.VN - Mỗi một bia mộ xác định danh tính và được gắn tên lên bia mộ sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam vô cùng to lớn và không thể lấy gì bù đắp hết được. Biết bao lớp thế hệ cha anh ngã xuống vì một nền độc lập hòa bình cho tổ quốc. Những người con anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã ra đi mãi mãi nhưng đến tận hôm nay còn có không ít liệt sĩ mà gia đình, người thân và đồng chí, đồng đội chưa tìm được mộ.
Trong chiến tranh, 60.000 liệt sĩ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đến từ rất nhiều vùng miền của đất nước và giờ đây cùng nằm lại trong 72 nghĩa trang lớn nhỏ trên mảnh đất Quảng Trị thiêng liêng, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc ba chữ “Liệt sỹ vô danh”, “Chưa biết tên”, “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”…Những liệt sỹ này đang được an táng trong hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ.
Bác tôi là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ nhưng đến giờ gia đình vẫn chưa tìm thấy mộ. Khi ông bà nội tôi còn sống, việc muốn làm nhất là tìm được bác về. Bà tôi, rồi ông tôi lần lượt qua đời. Ước nguyện lớn nhất đời của ông bà là tìm được hài cốt của con đưa về quê hương đất tổ đã không thành. Nỗi đau của ông bà tôi truyền đến đời con rồi truyền tiếp đến đời cháu, là chúng tôi. Gia đình cũng đi tìm hiểu mọi nguồn thông tin nhưng thông tin về bác tôi vẫn là một ẩn số. Chúng tôi tự động viên rằng, dù chưa được về với quê cha đất tổ nhưng nằm quanh bác vẫn còn đồng đội thân thương .
Gia tài của bác tôi còn lại chỉ có tờ giấy báo tử vỏn vẹn có vài dòng thông tin sơ sài, không có lấy 1 tấm ảnh, 1 bức thư. Hình ảnh của bác chỉ là những dòng ký ức dược ông nội hay bố tôi kể lại. Không biết ngày mất, không tìm thấy mộ, vì vậy cứ đến ngày 27/7, gia đình tôi coi đó là ngày giỗ để tưởng nhớ về bác và cầu mong bác an lòng yên nghỉ bên đồng đội. Sự hy sinh của bác là niềm tự hào của gia đình chúng tôi nhưng cũng là nỗi đau không thể nào quên. Điều đó nhắc nhở chúng tôi hãy sống tốt, sống có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội để không hổ thẹn với sự hy sinh của bác cùng nhiều đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Nỗi buồn của gia đình tôi cũng là nỗi đau chung của rất nhiều gia đình Việt Nam có người thân hy sinh nhưng chưa tìm được mộ. Tôi vẫn nhớ câu chuyện về một người vợ liệt sĩ ở xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Bà cùng 2 người vợ liệt sĩ khác tình nguyện chăm sóc những phần mộ liệt sĩ nằm ở nghĩa trang của xã. Ngày ngày quét dọn, hương khói chỉ với mong muốn ở một nơi nào đó chồng mình cũng được quan tâm, cũng được khói hương ấm cúng, không bị lãng quên. Nhưng người vợ liệt sĩ đó biết rằng, kể cả đến khi bà nhắm mắt xuôi tay thì mong ước duy nhất là tìm được mộ chồng chỉ là “mơ ước”. Có lẽ, đó là nỗi đau, nỗi mất mát không gì bù đắp được khi mà chiến tranh đã lùi xa nhưng còn lại đó là những người mẹ, người vợ, người con sẽ mãi mãi không bao giờ tìm thấy người thân đã hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập.
Ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến công tác đầu tư quy hoạch, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ trở thành những công trình văn hóa tâm linh thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và vừa để tưởng nhớ đến các liệt sĩ, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC về việc xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, thống nhất trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không ghi “vô danh”.
Hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và các hàng nghìn đài tưởng niệm được xây dựng tại các mặt trận năm xưa đều được tu bổ thường xuyên và đã trở thành điểm đến quen thuộc của hàng triệu người dân Việt Nam trong tháng Bảy. Đặc biệt, mỗi năm, các nghĩa trang liệt sĩ vẫn đón các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Bởi, mỗi một bia mộ xác định danh tính và được gắn tên lên bia mộ sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Với mỗi gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, vẫn còn đó những niềm đau nhưng trong sâu thẳm mỗi người thân, đều tin tưởng rằng, phần mộ của người thân họ đang được chăm sóc chu đáo. Dù có nằm ở nơi nào thì những người con đã ngã xuống vì một Việt Nam độc lập sẽ không bao giờ đơn độc.
Mỗi người dân Việt Nam hôm nay đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.