“Tử hình” chó cắn người
VOV.VN - Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang cho biết vừa tiêu hủy con chó của ông Đỗ Xuân Tùng. Con chó này trước đó đã cắn du khách người Anh Staker Zachary Paul khiến anh này phải nhập viện phẫu thuật.
Sáng 19/2, anh Staker Zachary Paul (18 tuổi, quốc tịch Anh) cùng bạn đi trên đường thì bị con chó hộ ông Đỗ Xuân Tùng (Nha Trang) cắn. Mọi người chạy tới nỗ lực hỗ trợ ứng cứu rồi đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa phẫu thuật.
Đến ngày 23/2, ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang cho biết: Cơ quan thú y TP. Nha Trang vừa tiêu hủy con chó của hộ ông Đỗ Xuân Tùng. Con chó này thuộc giống Alabai, trước đó cắn nhiều người, trong đó có một du khách, làm người này bị đứt gân tay.
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ lùm xùm liên quan đến chó, chó dữ tấn công dã man người đi đường. Về quy định nuôi chó, mèo ai cũng biết, nhưng thực hiện lại rất khó khăn.
Bây giờ đi hỏi trong xã, phường có bao nhiêu người nuôi chó chắc khó có con số chính xác, trong khi quy định phải đăng ký việc nuôi chó với chính quyền.
Rồi cũng có những lý do “khách quan” khiến quy định khó thực hiện như loại chó cảnh tí hon, mõm tụt vào trong thì rọ mõm kiểu gì. Có lẽ biết thế nên quy định cũng linh hoạt ở chỗ bằng cách thêm vào vế “hoặc xích giữ chó và có người dắt”.
Nhưng chính vì “mở” mà nhiều người dắt những con chó chiến đấu vài chục cân không cần rọ mõm, đến khi chó giật tuột hoặc đứt xích lao vào tấn công người thì thành sự đã rồi. Khi đó có tranh luận về lý cũng khó khăn.
Trong thực tiễn ít người nuôi chó biết rằng việc không tuân thủ các quy định để chó tấn công nghiêm trọng người khác thì chủ vật nuôi có thể bị đi tù (xử lý hình sự).
Cũng dễ hiểu bởi hình như ở nước ta chưa ai bị xử lý hình sự những vụ việc như thế này? Không rõ là các trường hợp chưa tới mức xử lý hình sự hay thực thi pháp luật chưa nghiêm?
Chó là vật nuôi trong nhà thân thiết của tất cả mọi người. Ai nuôi chó cũng coi chúng như bạn, như đứa con trong gia đình. Chó lao vào cắn người khác là ngoài ý muốn. Nhưng không thể vì “ngoài ý muốn”, là “vật cưng” mà chúng ta xuê xoa cho qua, rồi để lại "để dành" mối hiểm nguy ấy cho người khác.
Sau khi con chó tấn công gây thương tích nặng du khách người Anh ở Nha Trang, chủ hộ nuôi đã thấy rõ sự nguy hiểm nên đã đồng ý để cơ quan chức năng tiêm thuốc mê tiêu hủy. Nhưng nếu gia đình nằng nặc bảo vệ con chó thì cơ quan chức năng có làm gì được không? Có quy định nào buộc phải thực hiện bản án “tử hình” chó? Quy định hiện hành chỉ chế tài với chủ sở hữu vật nuôi chứ hình như chưa có “hình phạt” nào cho “kẻ gây án”?
Trước đây, thời điểm bệnh dịch chó dại bùng phát, nhiều địa phương có “đợt ra quân” đem gậy gộc đi lùng chó thả rông để đập chết. Việc làm không sai nhưng trông phản cảm. Còn ở phố cũng có đội đi ô tô rình vợt chó chạy rông, nhìn có vẻ văn minh hơn nhưng gây náo loạn xung quanh.
Chó dữ tấn công người là việc xảy ra ngoài ý muốn của đôi bên, nhưng không thể ngoài ý thức của mỗi người. Ý thức cũng không chỉ điều chỉnh bằng đạo đức và dư luận xã hội mà còn phải bằng các chế tài nghiêm khắc./.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở phần bình luận bên dưới.