Văn hóa - động lực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
VOV.VN - Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên xuất hiện thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Đó chính là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Không phải đến tận bây giờ văn hóa mới được nhìn nhận một cách đúng đắn về vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Thực tế cũng đã chứng minh, không chỉ đơn thuần là yếu tố tinh thần, văn hóa góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước, chi phối mọi mặt của đời sống xã hội.
Soi chiếu từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam cách đây 80 năm để thấy, ngay từ những ngày cách mạng còn đang trong thời kỳ trứng nước, Đảng ta đã nêu những luận điểm rất rõ ràng về văn hóa, về vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc và cả những định hướng xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam sau giải phóng. Văn hóa phải mang sứ mệnh là nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa…
Quan điểm này luôn được Đảng ta nhất quán qua các giai đoạn, các kỳ Đại hội. Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII (1998) - nghị quyết chuyên đề văn hóa đầu tiên của Đảng - văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Và mới đây nhất, nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã đề ra phương hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Vì sao lại như vậy? Văn hóa có thực là nền tảng, động lực, hay hơn thế, tạo sức mạnh chấn hưng đất nước?
Nhìn từ góc độ xã hội, văn hóa là nền tảng của các hoạt động xã hội. Khi các giá trị văn hóa được đề cao thì các mối quan hệ xã hội cũng theo đó để điều chỉnh theo hướng chuẩn mực. Ngược lại, xã hội phát triển, con người phát triển thì văn hóa cũng có điều kiện được bảo tồn và phát triển.
Dưới góc độ kinh tế - chính trị, rõ ràng, một đất nước sẽ không thể thực hành chính trị một cách thông minh và thành công, không thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững nếu thiếu sự chỉ dẫn soi đường của văn hóa.
Vậy xét về góc độ con người thì sao? Có lẽ không quá khi nói rằng, văn hóa kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn ở mỗi người.
Với người Việt Nam chúng ta, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và tính nhân văn nhân ái, sự ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới – đó chính là những giá trị cốt lõi, là sức mạnh nội sinh làm nên giá trị văn hóa Việt, con người Việt trong thời đại mới. Chính sức mạnh ấy, giá trị ấy đã giúp Việt Nam vững vàng đi qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc để mỗi ngày thêm lớn mạnh, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết cho văn hóa trong bối cảnh giao lưu mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Môi trường văn hóa còn có những biểu hiện thiếu lành mạnh, lai căng, không ít giá trị truyền thống bị phai nhạt; đạo đức xã hội bị xuống cấp, suy thoái…
Đó cũng chính là lý do mà tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Bản sắc văn hóa Việt Nam, sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của “sức mạnh mềm” văn hóa dân tộc, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Vấn đề là, cần phải tìm ra cho được những giải pháp để làm sao phát huy “sức mạnh mềm” đó, để gìn giữ, lan tỏa và chấn hưng văn hóa Việt trong thời đại mới.
Tài nguyên quý giá nhất của mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc – đó chính là văn hoá. “Văn hóa còn thì dân tộc còn” – chẳng phải Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh với toàn Đảng, toàn dân như vậy hay sao./.