“Chuyến bay giải cứu” và những con người cần được “giải cứu” lương tâm
VOV.VN - Lòng tham, nhân hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” của dịch bệnh, con người hoang mang trước vấn đề sinh tử, cơ hội kiếm tiền dễ dàng nên các nhóm lợi ích câu kết với nhau, bất chấp danh dự, liêm sỉ, trục lợi trên nỗi đau, sự khốn cùng của người dân.
Đây không phải là lần đầu tiên, những quan chức cấp cao của Nhà nước phải ra trước vành móng ngựa để nghe luận tội và nhận bán án cho những hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, hiếm có phiên toà nào lại nhận được sự quan tâm theo dõi sát sao của dư luận bởi tính chất “quy mô” của cái gọi là "liên minh lợi ích" của cả một hệ thống để nhận hối lộ.
Lòng tham, nhân hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” của dịch bệnh, con người hoang mang trước vấn đề sinh tử, cơ hội kiếm tiền quá dễ dàng nên các nhóm lợi ích đã không ngần ngại câu kết với nhau, bất chấp danh dự, liêm sỉ để trục lợi trên nỗi đau, thậm chí trên cả sự khốn cùng của người dân.
Vì thế có thể coi đây là một phiên tòa đặc biệt…
Một phiên tòa mà mới chỉ qua 4 ngày xét hỏi đã có quá nhiều “phát ngôn” nực cười đến khó tin….Không những thế, các hành vi nhận, đưa hối lộ trắng trợn cùng mức độ nhẫn tâm của một số kẻ được giao “thi hành công vụ” dần được sáng tỏ. Trong đó có câu chuyện gây rúng động là gần 2.000 người mãn hạn tù tại Malaysia về nước trên “chuyến bay giải cứu” khi đó cũng đã bị nhóm cán bộ ở Đại sứ quán thu những khoản tiền trái quy định, cao hơn thực tế để chia nhau hưởng lợi. Hay vô liêm sỉ đến mức có chuyển tiền thì mới có dấu đóng vào quyết định cấp phép chuyến bay…
Vậy là đằng sau chính sách nhân văn, vì dân của Đảng và Nhà nước lại bị chính những cán bộ được giao trách nhiệm thực thi lợi dụng để lũng đoạn quyền lực trục lợi. Con số 515 lần đưa - nhận hối lộ với tổng cộng số tiền lên tới 165 tỷ đồng (trung bình 320 triệu đồng mỗi lần) được nêu trong cáo trạng nghe thật đáng phẫn nộ…
Nhưng trong sự phẫn nộ ấy có nhiều điều chua xót. Những quan chức được trao quyền để thay mặt Đảng, Nhà nước thực thi chính sách lại tạo ra những quy định “bất thành văn”, “luật rừng” để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải "bôi trơn" hay ra giá chung chi sống sượng.
Vậy mà chính những con người ấy, khi biện minh cho hành vi của mình trước tòa, lại thật “ngây thơ”: “Không nhận thức được nhận tiền là vi phạm pháp luật” hay “Cứ nghĩ đây là tiền của doanh nghiệp không phải tiền ngân sách nên mới nhận”…Chả nhẽ những cựu quan chức từng giữ chức vụ cấp cao, đi công cán trong ngoài nước và cũng rất có thể, còn nhiều lần diễn thuyết về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, lại không hiểu, không nắm rõ pháp luật tuyệt đối nghiêm cấm nhận quà cáp dưới mọi hình thức để tác động đến người khác dẫn đến quyết định sai…?
Lẽ ra trong khi đất nước phải đương đầu với khó khăn do đại dịch Covid- 19, các doanh nghiệp đang cùng chung tay để thực hiện một chính sách nhân văn của Đảng và nhà nước (dẫu trong đó có cả yếu tố lợi nhuận) thì chính những cựu quan chức là các bị cáo trong phiên tòa hôm nay phải nói lời cảm ơn, chứ không phải là ép doanh nghiệp mang tiền tỷ đến để thay lời cảm ơn…
Thực tế từ trước đến nay, khi xét xử các vụ án tham nhũng nhiều người hay biện minh cho hành vi sai trái là do cơ chế, nhưng qua đại án “chuyến bay giải cứu” lần này càng khiến chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn sự nguy hiểm của những hành vi lạm quyền, tham nhũng tiêu cực trong thực thi công vụ. Khi sự lạm quyền, cộng với lòng tham vẫn còn đất sống thì chắc chắn cuộc chiến phòng chống tham nhũng sẽ còn cam go, quyết liệt và những hành vi đưa nhận hối lộ, chạy chọt sẽ khó bị đẩy lùi.
Phiên tòa sẽ còn tiếp tục các ngày xét xử luận tội. Chắc cũng sẽ còn nhiều chuyện bi hài và cả những sự thật khác được tiết lộ. Còn dư luận đang trông chờ một bản án không khoan nhượng, đúng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: không có vùng cấm, không có ngoại lệ...Những con người được giao trọng trách thực hiện những chuyến bay giải cứu nhưng lòng tham đã nhấn chìm cuộc đời họ, giờ có lẽ, chẳng sức mạnh nào “giải cứu” nổi họ.