Có một Hà Nội trong lòng Tây Nguyên

Bài 1: Hương Hà thành thắm sắc Bazan

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, là thiên đường của hương sắc. Thế nhưng, ít người biết được sắc hương quyến rũ ấy là sự kết hợp giữa sự tinh túy của khí chất thanh lịch con người Hà Nội và sự đằm thắm của thổ nhưỡng cao nguyên.

>> Bài 2 : Thăng Long là của chúng ta

>> Bài cuối: Gần lắm, Hà Nội ơi!

Luôn có một Hà Nội trong lòng Tây Nguyên. Hà Nội ở Tây Nguyên là cả một thành phố hoa in dấu ấn Thăng Long, là huyện Lâm Hà trù phú do những người Hà Nội góp sức xây dựng nên. Và hơn thế, luôn có một tình yêu sâu đậm với Hà Nội trong tâm hồn của người Tây Nguyên. Từ những bà con ở buôn làng vùng sâu vùng xa, từ những cán bộ, học sinh, sinh viên ở Tây Nguyên, tất cả đều hướng về Hà Nội với tình cảm trìu mến và thân thuộc.

Giữa Đà Lạt xôn xao Hà Nội

Đến với phố Hà Đông, phường 8, thành phố Đà Lạt, ai cũng sẽ nhận ra phong vị của một làng cổ, với mái đình, ngôi miếu rêu phong; những ngôi nhà một gian hai trái truyền thống, vách tường đã lên rêu, trước sân là những bụi hoa nhài, hoa sói.

Rót chén trà thơm ngát hương nhài mời khách, ông Ngô Văn Ngôn kể: Làng này có từ 75 năm trước, khi 36 hộ dân cư gốc của Hà Nội từ 6 làng nằm ven Hồ Tây, gồm: Vạn Phúc, Tây Tựu, Xuân Tảo, Ngọc Hà, Nghi Tàm và Quảng Bá đã vượt đường xa nghìn dặm, đến với cao nguyên Lâm Viên để khai hoang lập nghiệp.

Nghề trồng rau và hoa Hà Nội cũng từ đó nảy nở trên cao nguyên Lâm Viên. Ban đầu chỉ có hơn 2.000 củ lay-ơn và một số giống rau được mang từ Hà Nội vào, bây giờ Đà Lạt đã có cả một ngành công nghiệp rau và hoa, giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Khu phố Hà Đông mới đây đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng hoa đầu tiên của thành phố Đà Lạt, và những người Hà Nội khai sinh nghề hoa của thành phố đã được tôn vinh xứng đáng.

Chùa Một Cột bằng hoa - tác phẩm của các nghệ nhân làng hoa Hà Đông
tại Festival hoa Đà Lạt 2007

Theo lời ông Ngô Văn Ngôn, sau hơn 75 năm, 4 thế hệ người Hà Nội ở Đà Lạt vẫn gìn giữ vẹn nguyên nhiều nét văn hóa gốc của cư dân Tây Hồ - Hà Nội. Tục “miếng trầu là đầu câu chuyện” giờ đã không còn, nhưng chén trà đã thay vào vị trí đó. Khách đến sẽ được mời trà nhài hoặc trà sói. "Rằm ba Tết bảy" cúng lễ tổ tiên. “Tết Nguyên đán không thể thiếu một cành đào; vẫn đi chúc thọ, cưới xin tập trung lại như một gia đình”- ông Ngôn tự hào nói.

Lịch sử đã qua bao biến thiên, nhưng người Hà Nội ở Đà Lạt vẫn trồng hoa, trồng đào nối nghiệp cha ông. Làng hoa Hà Đông giờ đã trồng được những loài hoa bạc tỷ như hoàng anh, xạc-sa, cát tường, cẩm chướng, ly ly… nhưng cây đào, bụi nhài, bụi sói ở góc vườn vẫn không thể thiếu.

Chắc chắn rằng, khi ai đó rời Thủ đô hôm nay đến các vùng khác của đất nước và tự hỏi mình một câu: Nơi nào giống Hà Nội nhất? Câu trả lời tìm được chắc chắn sẽ là “Đà Lạt”. Ngoài sự dịu nhẹ thanh tao của đất trời, nơi này vẫn đập những nhịp tim Hà Nội, vẫn xôn xao những tiếng Hà Nội suốt hơn 70 năm qua. 

Cao nguyên xanh vang mãi Thăng Long

40 năm sau khi những người Hà Nội đầu tiên định cư tại Lâm Đồng, những người con của Thủ đô lại bắt đầu một cuộc chinh phục mới.

Chỉ 10 tháng sau ngày đất nước thống nhất, 106 cán bộ khoa học đầu tiên của Thủ đô Hà Nội đã đặt chân lên vùng đất Nam Ban, Lán Tranh (thuộc huyện Đức Trọng - Lâm Đồng) để tiến hành khảo sát, chuẩn bị cho sự nghiệp đón dân vào đây lập nghiệp. Cùng với trên 2.000 lao động tiền trạm, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, họ đã tiến hành quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu để đưa các hộ dân vào đây lập nghiệp. Buổi đầu là 4 hộ dân của huyện Từ Liêm đi tiên phong, tiếp nối là các hộ dân ở Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hai Bà Trưng… Ngay cả cư dân nội thành chưa bao giờ làm nông nghiệp cũng vào xây dựng kinh tế mới… Đến cuối tháng 9/1987, có trên 5.000 hộ dân với 24.000 nhân khẩu đã rời Thủ đô tới Lâm Đồng để gây dựng kinh tế.

Sau không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu, người Hà Nội đã góp phần xây dựng nên một trong những huyện trù phú nhất trên cao nguyên Lâm Viên: huyện Lâm Hà, cái tên giao kết giữa Lâm Đồng và Hà Nội. Các địa danh: Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Gia Lâm, Thăng Long, Hoàn Kiếm… đã được đặt cho những tên làng, tên xã, gợi nên một Thủ đô Hà Nội trên cao nguyên xanh.

Một góc thị trấn Nam Ban

Nguyễn Tám, ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà là một trong những người con của Hà Nội ra đi xây dựng vùng kinh tế mới, tâm sự: “Cây có cội, nước có nguồn, dẫu đời sống kinh tế giờ đây đã giàu có sung túc, song trong tâm tưởng của mỗi người con Hà Nội trên cao nguyên này lúc nào cũng hướng về Thủ đô, thường nhắc nhở con cái tìm đọc, tìm hiểu về Hà Nội, về những quá khứ của ông cha”.

Bằng lối sống giản dị, khiêm nhường, lối ứng xử, giao tiếp ân tình, mộc mạc, chia sẻ từng hạt muối, nắm cơm, gùi ngô, đến cách nghĩ, cách làm với đồng bào bản địa, những người Hà Nội đã nhanh chóng cắm rễ xuống cao nguyên đất đỏ. Thăng Long ngàn năm văn hiến đã thật sự tỏa sáng và hội hợp với dòng chảy của nền văn hóa bản địa, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự đoàn kết gắn bó khăng khít, bền chặt trong cộng đồng xã hội.

Ông Phan Hữu Giản, Phó trưởng Ban Xây dựng vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà cho rằng, những người con Hà Nội có mặt trên đất Lâm Đồng hôm nay không chỉ thành công về kinh tế mà còn góp phần tạo nên sự đoàn kết và ổn định về chính trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ông Phan Hữu Giản chia sẻ: “Tỉnh ủy Lâm Đồng và Thành ủy Hà Nội trong cả quá trình xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội đã có chính sách giải quyết tốt mối đoàn kết dân tộc, hài hòa giữa bà con bản địa với bà con ở nơi khác đến. Tôn trọng những phong tục, tập quán của nhau, bình đẳng và giúp đỡ nhau. Đó là nhân tố tích cực góp phần tạo nên sự ổn định về chính trị ở Lâm Đồng nói chung”.

Xuất thân từ Thủ đô, nơi hội tụ những giá trị văn hóa Việt Nam, người Hà Nội trên vùng đất cao nguyên Lâm Viên đã thật sự phát huy nội lực của chính mình, xứng danh là những người con của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những người con Hà Nội trên cao nguyên Lâm Viên lại có thêm nhiều động lực để khẳng định mình trên quê hương mới, để phong cách Hà Nội, văn hóa Thủ đô mãi là một dấu ấn đẹp trên cao nguyên đất đỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên