Có một Hà Nội trong lòng Tây Nguyên

Bài 2 : Thăng Long là của chúng ta

Tự hào và trách nhiệm là cảm nhận chung của hầu hết giới trẻ Đắk Lắk trước sự kiện Thủ đô Hà Nội tròn một nghìn năm tuổi. Trong trái tim mỗi người, đều có một  tình cảm đặc biệt dành cho Thủ đô ngàn năm văn hiến

>> Hương Hà Thành thắm sắc Bazan

>> Bài cuối: Gần lắm, Hà Nội ơi!

Tuổi trẻ Tây Nguyên hướng về Hà Nội

Ra trường cũng đã hơn 10 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại thời sinh viên, anh Đặng Gia Duẩn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Đắk Lắk lại sôi nổi kể rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh đó là năm cuối đại học, chuyên ngành ngữ văn, anh đã giành Giải Đặc biệt trong Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Bằng tình yêu mến dành cho Thủ đô, anh đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho bài thi này. Quy định bài thi không quá 2.000 chữ, Đặng Gia Duẩn đã tự viết tay và sưu tầm rất nhiều tranh ảnh về Thủ đô nên bài thi dày tới hơn 100 trang. Với sự trình bày khúc chiết, mạch lạc, hình ảnh phong phú và những bộc bạch chân thành về tình cảm của những người con Tây Nguyên hướng về Thủ đô, bài dự thi của anh được trao giải đặc biệt toàn quốc. Bài dự thi đó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội và thường được trưng bày nhân các sự kiện văn hóa trong cả nước.

Anh Đặng Gia Duẩn - người đoạt giải đặc biệt cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử Thăng Long-Hà Nội" (ngồi bàn đầu tiên, thứ 2 từ trái sang) 

Anh Đặng Gia Duẩn kể: “Để có những hình ảnh quý về Hà Nội, tôi đã phải nhờ rất nhiều bạn bè trong cả nước, không chỉ ở Hà Nội mà ở cả TP. Hồ Chí Minh. Ai có tư liệu gì tôi đều xin. Và đặc biệt, tôi phải nắn nót từng chữ Hán để viết lại bài "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn để cảm nhận thêm về ý nghĩa của việc dời đô ra Thăng Long - Hà Nội bấy giờ như thế nào. Thật ra, khi làm bài dự thi, tôi chưa hề biết Hà Nội. Sau này đến Hà Nội, nơi đầu tiên tôi đến là Lăng Bác, sau đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh rồi đến một số di tích lịch sử của Thủ đô. Tôi có một cảm nhận sâu sắc hơn, có thể nói đó là tình yêu dành cho Hà Nội”.

Ngoài phần thưởng dành cho cá nhân Đặng Gia Duẩn, Ban Tổ chức còn trao tặng trường Đại học Tây Nguyên một trống hội Thăng Long. Chiếc trống được đặt trang trọng tại phòng truyền thống của nhà trường, như một lời khẳng định tuổi trẻ trường Đại học Tây Nguyên hôm nay nhận thức rất rõ về bề dày lịch sử của Thủ đô, những giá trị văn hóa cha ông để lại và trách nhiệm xây dựng đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới.

So với những sinh viên thuộc khối khoa học xã hội nhân văn, đọc nhiều sách, nhiều tài liệu về Thủ đô, sinh viên các ngành nông - lâm - y của Đại học Tây Nguyên cũng chứng tỏ được nhận thức sâu sắc không kém về chiều sâu lịch sử - văn hóa và những giá trị nhân văn của Thủ đô.

“Thủ đô là trái tim của đất nước Việt Nam chúng ta. Đối với người miền Nam như em, Thủ đô rất đẹp, ở đó có những con người thân thiện, dễ mến. Thủ đô Hà Nội đã trải qua một nghìn năm. Thế hệ trẻ chúng em cảm nhận được thế hệ trước đã dày công xây dựng nên những giá trị lớn lao ấy. Mọi người dân phải có trách nhiệm với Thủ đô, làm sao để Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh hơn” - Thạch Chí Công, sinh viên dân tộc Khmer, học năm thứ hai Khoa Y tâm sự.

Mong được một lần đến Hà Nội

Với H’Pil Niê, học sinh trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk, dù chưa một lần được ra Hà Nội, nhưng sự hiểu biết và tình yêu mến dành cho Thủ đô của em không vì thế mà ít đi. Qua các phương tiện truyền thông và bài giảng, lời kể của thầy cô, Hà Nội với em thật nên thơ với những hàng cây rợp bóng hai bên đường, mùi hoa sữa thoảng nhẹ trong cái se lạnh của tiết trời thu, mặt Hồ Gươm lung linh sóng nước. Có lẽ vì thế mà mong muốn của em là được đến Hà Nội, nhất là vào dịp Thủ đô kỷ niệm tròn 1000 năm tuổi.

H’Pil Niê bày tỏ: “Dù chưa đến Hà Nội nhưng em biết Hà Nội thông qua sách, báo, tivi. Ở lớp học, thầy cô cũng nói rất nhiều về truyền thống lịch sử vẻ vang của Hà Nội. Em mong muốn một lần được đến thăm Hà Nội, được tận mắt nhìn ngắm các di tích lịch sử và cảnh đẹp. Để Thủ đô ngày càng phát triển, em nghĩ, trách nhiệm không chỉ của người dân Thủ đô mà là của tất cả người dân Việt Nam. Trước mắt, trách nhiệm của học sinh chúng em là phải học tập để cống hiến cho đất nước”.

Ý thức được trách nhiệm của mình, các thầy cô giáo trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tỉnh Đắk Lắk có nhiều hình thức truyền đạt những kiến thức lịch sử, văn hóa về Thăng Long - Hà Nội, từ đó vun đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi học sinh.

“Chúng tôi thường xuyên tạo mọi điều kiện để các em có cơ hội tìm hiểu về truyền thống Thăng Long qua những câu chuyện kể, qua những bài hát và hướng dẫn các em tìm hiểu những thông tin về Hà Nội. Các em cũng đã phần nào ý thức được vai trò của mình trong việc gìn giữ truyền thống tốt đẹp của Hà Nội và bên cạnh đó, cũng đã phát huy được tinh thần yêu nước của mình thông qua việc tìm hiểu về văn hóa của Hà Nội nghìn năm văn hiến” - cô giáo Niê Thanh Mai, trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng bày tỏ.

Bằng tình yêu mến, lòng tự hào đối với Thủ đô nghìn năm tuổi, mỗi bạn trẻ Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang có những việc làm thiết thực hướng về Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Với sự kiện này, các bạn thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, với Thủ đô mến yêu và đó là một trong những động lực để tuổi trẻ Đắk Lắk không ngừng phấn đấu, rèn luyện mình ngày càng hoàn thiện hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên