Hà Nội ngàn năm

Chợ ở Hà Nội

Với cổ danh Kẻ Chợ - Hà Nội ngoài giá trị kinh đô, nét trội biệt được nhìn nhận như là trung tâm giao thương, với hệ thống chợ truyền thống nổi tiếng. Ví như chợ Bưởi của vùng kẻ Bưởi, gồm ngót mười làng: Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Hồ Khẩu, Vạn Long…  

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên

Ngày tư ngày chín cho duyên đèo bòng.

Mỗi chợ như thế là một không gian văn hoá hết sức phong phú và rộng mở. Con người thoả sức đến và ghi nhận những dấu ấn sâu đậm về các đặc sản vùng miền, những thức vị quen thuộc, những lề thói dân dã… Và hơn cả là những mối quan hệ, những trao gửi ân tình, những hẹn hò da diết… thường tràn ngập niềm vui, đủ sức tưới mát và có thể làm vơi nhẹ tâm can con người suốt cả năm dài tháng rộng. Sự háo hức như thế chính là chân giá trị, là tột đỉnh của văn hoá chợ phiên truyền thống. Tiếc rằng, cho đến giữa năm 2008, với việc “khai tử” chợ Bưởi và chợ Mơ - Hà Nội đã chính thức xoá sổ xong toàn bộ hệ thống chợ phiên truyền thống của mình. Thay vào đó là những Trung tâm thương mại hiện đại, với cấu trúc bê tông cao tầng và gương kính loá mắt, rồi cả hệ thống camera và nhân viên giám sát lạnh lùng -  nơi mà không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để bước vào. Và cho dù được biện hộ bằng những lý lẽ thuyết phục về xu thế hội nhập, hướng đích văn minh hoặc nhu cầu mua sắm… thì rõ ràng Thủ đô ta đang tự làm nghèo đi, đơn điệu đi những điểm tụ văn hoá, những cơ hội thuận thảo và cả những ngả vui say cần có cho đời sống cộng đồng, nhất là với đa số người dân lao động. Nên nhớ rằng, ngay cả ở những nước phát triển, người ta vẫn hết sức gìn giữ và trân trọng các chợ truyền thống, chăm chút cho chúng thành những nơi du lịch hấp dẫn, góp phần làm tươi tắn lại đời sống con người và xứ sở.

Tất nhiên, cuộc sống vẫn tự có những dòng chảy riêng, mạnh mẽ và bền bỉ. Trong khi chợ truyền thống bị thôn tính, các chợ mới không thuận tiện và phù hợp, do nhu cầu thực tế và cả do tập tính cộng đồng vốn sẵn, hàng loạt các chợ cóc ra đời (chưa kể các xe thồ, gồng gánh túa về các nẻo phố phường, thậm chí tràn ra cả các ngã ba, ngã tư đông đúc và chật chội…) tạo ra một gương mặt nhếch nhác và lam lũ của “kẻ chợ” Hà thành. Dẹp mãi, xoá mãi, cảnh ấy vẫn tái diễn và tồn tại, bởi nó là tất yếu cung - cầu và tập quán. Chỉ có điều, xưa cha ông ta biết biến nó thành những điểm sáng kinh tế - văn hoá, để nhớ để thương đến muôn đời. Nay quyết không thể coi đó là chuyện của ngày xưa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS