Công viên mang biểu tượng hoà bình
Công viên Hoà Bình nằm ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội) được xây dựng nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân thủ đô, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ hướng về một thành phố vì Hoà Bình.
Chỉ còn ít ngày nữa là Hà Nội tròn 999 tuổi, kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô và đang dần tiến tới Đại lễ 1.000 năm với một bức tranh mới khang trang hơn, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ hệ thống các công viên cây xanh. Trong một thời gian ngắn vừa qua, Hà Nội đang khẩn trương xây dựng một loạt công viên mà tiêu biểu trong số đó là Công viên Hoà Bình nằm ở xã Xuân Đỉnh, ngay cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố.
Vùng đất cách mạng xưa
Sau một thời gian dài, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chuẩn bị đầu tư (bắt đầu từ năm 2003) và chuyển chủ đầu tư sang Sở Xây dựng (từ tháng 10/2008), ngày 24/2/2009, Công viên Hoà Bình đuợc chính thức xây dựng tại xã Xuân Đỉnh. Dự án được phê duyệt tháng 12/2008 với tổng mức đầu tư hơn 282 tỷ đồng, sử dụng diện tích đất 203.431 m2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Về nơi xây dựng Công viên ở Xuân Đỉnh, tôi được biết đây là vùng đất cổ, vốn có truyền thống cách mạng lâu đời. Xuân Đỉnh hiện còn lưu giữ nhiều di tích cổ như: Đền Sóc thờ Phù Đổng Thiên Vương, miếu Vũ thờ ông Dầu, bà Dầu; chùa Minh Phúc, Hương Phúc, Thiên Lộc; đền Tam Thánh, Văn Chỉ, Võ Chỉ, nhà thờ cụ Nguyễn Công Cơ, nhà thờ quan án sát Đỗ Cao Mại.
Ngược dòng lịch sử mới thấy, Xuân Đỉnh là vùng đất có bề dày lịch sử ngàn năm. Vùng này xưa là rừng rậm, vào thời cổ ở phía Đông làng cũng có một con sông chảy qua, gọi là sông Dà La, thời Lý gọi là sông Thiên Phù, khởi nguồn từ sông Hồng đoạn Phú Gia, Nhật Tân.
Xuân Đỉnh bao gồm hai làng cổ là: Xuân Tảo (tên nôm là làng Cáo) và Cáo Đỉnh (tên nôm là làng Giàn) được hợp nhất từ đầu năm 1956 đến nay. Các tên khác như: Kẻ Giàn, Kẻ Cáo là những tên rất cổ, chứng tỏ vùng đất này từ lâu lắm đã có người Lạc Việt đến định cư ở vùng lưu vực sông Hồng này. Thêm nữa, những hiện vật như cổng làng Giàn được xây bằng gạch hoa văn đặc sắc, giống như gạch trong những ngôi mộ cổ đào được trên cánh đồng làng Giàn xác định có cách đây 2.000 năm. Trải qua hàng ngàn năm, tên làng cũng có nhiều thay đổi, lúc đầu là làng Cáo, sau là Cáo xã, Quả Động. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) lấy tên là Minh Tảo, thời Nguyễn là Xuân Tảo. Còn Kẻ Giàn xưa là Cốc Đỉnh, thời Lê gọi là Khang Cáo, đến thời Nguyễn gọi là Cáo Đỉnh.
Xuân Đỉnh là vùng đất ven sông Hồng nên đất đai màu mỡ. Nơi đây xưa đã sản xuất ra nhiều nông sản nổi tiếng như: Cà Cáo cùi dày ít hạt; cam Cáo vỏ mỏng ngọt đậm. Ngoài ra, làng xưa còn trồng vải thiều, nhất là Hồng xiêm Xuân Đỉnh lại càng nổi tiếng. Và chẳng biết tự bao giờ, cái vị ngọt ngất ngây từ bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh cũng đã trở thành thương hiệu riêng của Hà Nội. Đất nước đổi thay, Xuân Đỉnh hôm nay đang dần thành những khu đô thị văn phòng cao cấp. Tuy nhiên không vì thế mà những nét truyền thống nơi đây bị mất đi.
Những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo ở Xuân Đỉnh đã đồng loạt bước vào mùa vụ làm bánh Trung thu. Không khí làng nghề đã sôi động lên rất nhiều… Chủ trương quyết tâm xây dựng Công viên Hoà Bình tại Xuân Đỉnh đúng tiến độ không chỉ được người dân mà cả những nhà nghiên cứu về văn hoá – xã hội, khoa học tự nhiên đều đồng tình tạo thêm màu xanh cho Thủ đô – Thành phố vì Hoà Bình.
Trò chuyện với tôi, ông Dương Ngọc Thanh – Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Đỉnh cho biết: “Trước đây, người dân Xuân Đỉnh vốn có truyền thống cách mạng từ lâu. Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Xuân Đỉnh là an toàn khu cho các cán bộ Đảng. Nay, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước giải phóng mặt bằng xây dựng công viên, người dân nơi đây rất ủng hộ để dự án được triển khai nhanh nhất. Công viên Hoà Bình cũng là biểu tượng để giáo dục con em thành phố nói chung và con em địa phương Xuân Đỉnh nói riêng hướng về một thành phố vì Hoà Bình”.
Công viên của thành phố hoà bình
Mục tiêu đặt ra với Công viên Hoà Bình là xây dựng một Công viên văn hoá, tượng đài hoàn chỉnh nhằm nâng cao đời sống văn hoá và tinh thần cho nhân dân, tạo điểm vui chơi giải trí…
Ông Nguyễn Công Lê - Trưởng thôn Nhang, xã Xuân Đỉnh cho biết: “Khi xây công viên ở đâ, ai cũng thoải mái vì mọi người đã có thêm nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần. Người dân cũng sẵn sàng nhường đất cho dự án Công viên Hoà Bình vì một mục tiêu chung”. Sở dĩ được đặt tên là Công viên Hoà Bình cũng xuất phát từ mong muốn công trình này mang biểu tượng của hoà bình và mong muốn Hà Nội luôn là thành phố hoà bình.
Theo ông Đỗ Xuân Anh – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong suốt chiều dài lịch sử gần 1.000 năm qua, thành phố trong sông này đã nhiều lần được nhắc nhở như là biểu tượng của hoà bình. Hoà bình là ước mơ, là mục tiêu vươn tới của hàng triệu người Việt Nam và thế giới. Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô Hà Nội vinh dự được UNESCO - Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hoà bình”. Để tạo dựng một biểu tượng của Thủ đô và đất nước, thành phố đã quyết định xây dựng một công viên văn hoá và tượng đài Hoà Bình.
Tượng đài Hoà Bình được đặt ở phía Nam khu đất, gắn kết với không gian cây xanh, vườn tiểu cảnh ở các phía Đông, Tây, Bắc và trung tâm, tạo thành một chỉnh thể thống nhất về ý tưởng và hình thức thể hiện. Trong công viên có hồ điều hoà diện tích 5,4 ha với chức năng điều tiết nước và tạo cảnh quan.
Các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, chòi nghỉ, bãi đỗ xe sẽ được bố trí hài hoà thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, tạo với các khu vực đào đắp hồ, gò, hình thành các khu vực mềm mại sống động gần gũi với thiên nhiên. Các công trình kiến trúc trong dự án có chiều cao không lớn, với giải pháp thiết kế sử dụng kiến trúc truyền thống với phong cách Á Đông sẽ là những điểm nhấn trong bức tranh tổng thể công viên. Dự kiến, Công viên Hoà Bình được đưa vào sử dụng vào tháng 9/2010.
Kể từ khi chính thức khởi công đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành gói thầu số 3: Thi công xây dựng các hạng mục san nền, kè hồ và cây xanh do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia cũng đã hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu triển khai các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, giao thông còn lại của dự án.
Dự kiến, các gói thầu này sẽ triển khai thi công ngay trong tháng 9/2009, với thời gian thi công khoảng 8 tháng. Sở Xây dựng đã báo cáo Chủ tịch thành phố về phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 tại một số vị trí như: Sân khấu ngoài trời, khu dịch vụ điều hành, hệ thống đường đi dạo, cây xanh, hàng rào, các cổng và lối vào công viên.
Việc xây dựng Công viên Hoà Bình có ý nghĩa nhân văn rất lớn, mang biểu tượng của “Thành phố vì Hoà Bình”. Ngày 16/9/2009 vừa qua, sau khi đi kiểm tra thực tế việc triển khai xây dựng công viên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn… đã hoàn thành gói thầu số 3, vượt qua được mùa mưa, bão. Ông Nguyễn Thế Thảo cũng lưu ý, trong thời gian tới, việc vừa phải thiết kế, vừa phải thi công hết sức khoa học để có thể kịp tiến độ hoàn thành công viên, không chỉ để tạo một không gian xanh, một lá phổi cho nhân dân Thủ đô mà còn là món quà ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội./.