Cụ ông 100 tuổi và niềm tự hào về Hà Nội

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Bính vẫn hàng ngày đọc sách báo và sưu tầm tài liệu, đặc biệt những tài liệu về lịch sử Việt Nam và Hà Nội ngàn năm văn hiến

Trong những ngày này, hàng triệu trái tim đang háo hức hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong số đó, có một người con của Hà Nội đã sống trên mảnh đất này trọn 100 năm và không lúc nào thôi yêu, thôi tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến ấy. Ông thường xuyên đọc, sưu tầm những tài liệu lịch sử về Thăng Long - Hà Nội và gần đây còn tham gia một cuộc thi viết về Thăng Long - Hà Nội như một cách để thể hiện tình yêu với mảnh đất mà ông đã gắn bó cả cuộc đời.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi tìm đến nhà cụ Vũ Duy Bính - người cao tuổi nhất cho đến thời điểm này đã tham gia viết bài dự thi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Theo những thông tin trong bài dự thi, cụ Bính năm nay vừa tròn 100 tuổi!

Cụ rành rọt khi kể chuyện tham gia cuộc thi Tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. “Lý do tôi tham dự cuộc thi bởi tôi phấn khởi và tự hào về Thủ đô Hà Nội của mình. Bây giờ cả thế giới đã chú ý đến Hà Nội. Nhân việc tôi có nhiều thì giờ sưu tập tài liệu, nhờ những tài liệu đó mà tôi có thể tự tin tham dự cuộc thi. Việc dự thi có 2 mục đích, một là để luyện trí nhớ của mình, thứ hai nữa là để thể hiện niềm tự hào về Hà Nội ngàn năm”, cụ Bính kể.

Dẫn tôi vào phòng làm việc rộng chừng hơn chục mét vuông của mình, ngoài chiếc giường đơn ở góc nhà, còn lại trên bàn làm việc, giá sách, dưới đất chất đầy những tài liệu, sách báo. Cụ Bính bảo, từ ngày về hưu cách đây mấy chục năm, thú vui lớn nhất của cụ đó là đọc sách báo và sưu tầm tài liệu, đặc biệt những tài liệu về lịch sử Việt Nam và gần đây là Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chỉ cho tôi những tập sách đóng gáy cứng, để ngay ngắn trên bàn làm việc, cụ Bính vừa cười vừa giới thiệu: đó là những tài liệu cắt hoặc photo lại từ các báo về Thăng Long – Hà Nội. Cụ Bính đọc nhiều lắm, mỗi ngày đọc mấy chục tờ báo, chưa kể sách. Cầm tờ báo Hà Nội mới trên tay, cụ đọc to những dòng tít bài ngoài trang 1. Lại một lần nữa, cụ ông 100 tuổi này khiến tôi ngạc nhiên vô cùng khi cụ đọc báo mà không cần dùng kính.

Như để minh chứng cho lời của cụ Bính, người con cả của cụ, ông Vũ Duy Đính cho biết, hàng ngày, ông và các con cháu đều mua sách báo về để cụ đọc. Ông cho biết, ngày trước ông cũng làm trong ngành giáo dục và có thời vừa làm Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý giáo dục (bây giờ là Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục) vừa kiêm nhiệm Giám đốc Thư viện của ngành giáo dục, cho nên ông Đính có điều kiện mượn rất nhiều sách báo, tài liệu về cho cha đọc và nghiên cứu. Không những đam mê sách báo, tài liệu, cụ Bính còn truyền được niềm đam mê ấy cho các con cháu của mình, từ các cháu đến mấy đứa chắt chỉ học lớp 7, lớp 8 cũng rất ham thích đọc sách và có lẽ vì vậy mà các cháu, chắt của cụ đều học rất giỏi. Ông Đính cũng cho biết, cụ thân sinh ra ông từ xưa đến nay chưa bao giờ phải dùng kính lão để đọc sách báo.

Rất tự hào về người cha của mình, ông Đính tâm sự: “Cụ nhà tôi thì bất kỳ cuộc thi nào đều tham gia hết. Mấy năm trước, cụ tham gia thi tìm hiểu về Điện Biên và giành được giải thưởng, đến giờ cụ lại dự thi Ngàn năm Thăng Long. Cụ còn rủ em thứ tư, nguyên là Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa hiện ở với con tại TP HCM và cháu ngoại hiện là giảng viên trường Đại học Mỏ Địa chất cùng thi. Bài dự thi cụ viết ra, mang đi photo, xong đưa cho mọi người đọc góp ý, sau đó chữa lại, photo một lần nữa, đóng bìa cứng rồi mới mang đi dự thi”.

Như thể đồng tình với lời người con trai trưởng, cụ Bính bảo: Tôi tham gia nhiều cuộc thi lắm, mà cuộc nào cũng được giải thưởng cả. Ngay từ nhiều năm trước, tôi đã sưu tầm rất nhiều tài liệu về Thăng Long – Hà Nội và sắp tới ngày Đại lễ, tôi phải thể hiện tấm lòng của tôi với thủ đô của chúng ta.

Cụ Bính bảo, tôi tham gia những cuộc thi tìm hiểu như thế này, thực ra không phải vì giải thưởng đâu, mà vì làm gương cho mấy đứa chắt đang tuổi đi học kia. Giờ có nhiều thứ khiến chúng sao lãng việc học lắm, chúng mà chịu khó đọc, chịu khó tìm hiểu lịch sử thì sẽ nên người.

Chia tay với cụ Bính, tôi tự nhủ với mình, điều đã và đang làm nên một Hà Nội ngàn năm văn hiến chính là ở những con người như thế, những người dành cả đời cho Hà Nội và thể hiện được tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người Thủ đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên