Đất Thăng Long – nơi hội tụ hiền tài của đất nước

Trải qua nhiều triều đại với các tên gọi khác nhau nhưng Thăng Long vẫn là chốn kinh kỳ, tụ hội anh hùng hào kiệt bốn phương hiến dâng trí lực xây dựng đất nước.

Với việc định đô ở Thăng Long, triều Lý đã biến vùng đất bên bờ sông Hồng trở thành trung tâm hành chính – đô thị phát triển ngay từ những năm đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc.

Thăng Long tự thân đã tạo nên một sức hút mãnh liệt đối với anh hùng hào kiệt bốn phương. Bởi chỉ có ở nơi đây, họ mới có dịp được trổ tài kinh bang tế thế, đem chí nam nhi dựng xây đất nước hùng cường.

Một trong những chính sách củng cố chế độ trung ương tập quyền, các triều đại phong kiến Việt Nam đã biết lấy việc phát hiện, đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức làm trọng.

Chính sách đúng đắn đó là cơ sở để nhân tài khắp bốn phương lấy Thăng Long làm nơi tụ hội. Giáo sư sử học Lê Văn Lan phân tích: Chỉ có nơi đế đô này mới có Quốc tử giám, có nhà Thái học, là trường đại học hoàng gia, nơi đào tạo, sử dụng nhân tài cho đất nước. Nếu không có nền tảng văn chương bác học, không có văn hoá cung đình cộng với trí tuệ của tầng lớp thị dân thì Hà Nội cũng không thu hút được nhân tài của  bốn phương”.

Ngay từ năm 1070, tại Thăng Long, nhà Lý lập Văn Miếu, 1 năm sau, cho xây dựng Quốc Tử Giám, nhà Thái học - Trường đại học đầu tiên của đất nước, trở thành nơi đào luyện “nguyên khí ” quốc gia.

Qua 124 khoa thi, nơi đây đã đào tạo 2.248 tiến sĩ. Ngoài ra Thăng Long còn có Giảng Võ Đường, nhà Võ học, đào tạo hàng trăm cống sĩ, võ tướng giúp vua giữ vững giang sơn.

“Văn quan cầm bút an thiên hạ, võ tướng đề đao định thái bình”. Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên những nhà giáo dục đức độ như: Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Đoàn Lệnh Khương, Phạm Quý Thích, Nguyễn Áng, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Lương Văn Can...

Một “Tao đàn thi xã” đời Hồng Đức sáng rỡ nền văn học thời Lê. Một Ngô Gia Văn phái với những tác phẩm văn chương đồ sộ khiến trăm họ đời sau ngưỡng mộ. Bên những nhà quân sự như Lý Thường Kiệt, nhà chính trị lỗi lạc: Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, những văn nhân kiệt xuất: Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đặng Trần Côn... còn có người tứ trấn như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... cũng có người xứ Đoài, xứ Đông, xứ Bắc, xứ Nam, như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Thân Nhân Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Lê Quý Đôn... tài năng rực rỡ trên đất Thăng Long.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, Người Hà Nội là dân tứ chiến, tứ trấn, người trong Nam ngoài Bắc về cùng tụ cư, cùng phát triển. Người có tài mới trụ lại được nơi này.

Người đầu tiên khẳng định vai trò chữ Nôm, chữ viết của dân tộc là cụ Hàn Thuyên, người Hải Dương, cụ viết bài văn tế “Cá sấu sông Hồng”. Sau này nhà bác học Lê Quý Đôn là người Thái Bình, cụ Nguyễn Trãi là người Sơn Nam…

Tiếp thu truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu để chấn hưng đất nước.

Bằng tài năng và đức độ của mình, sau cách mạng tháng 8/1945, Hồ Chủ tịch đã mời một số nhân sĩ yêu nước tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời như cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hoè, Nguyễn Văn Tố; các luật sư, bác sĩ, kỹ sư như: Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng…

Vận động một số trí thức yêu nước đang nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài như: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ… về nước tham gia cách mạng.

Các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy cũng lên đường theo kháng chiến như: Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi… Đội ngũ trí thức, nhà khoa học này đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Hà Nội sẽ mãi mãi là nơi tụ hội nguyên khí quốc gia. Ông Nguyễn Bắc Son, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn: “Hà Nội là trung tâm văn hoá- chính trị - kinh tế của cả nước. Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ, là nơi đào tạo cán bộ khoa học cho quốc gia. Chắc chắn Hà Nội phải phấn đấu là trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất cho đất nước, để nhân tài có điều kiện cống hiến cho đất nước”.

Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi, Hà Nội tự hào là mảnh đất của Lý Thường Kiệt với khát vọng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, của Nguyễn Trãi với tư tưởng “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”, của chính sách xem “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” tạc vào bia đá mà đấng minh quân Lê Thánh Tông lấy làm phép trị nước.

Với hệ thống các trường đại học cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học hùng hậu, Hà Nội đang đảm đương trách nhịêm đầu tàu trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia.

Để điều đó trở thành hiện thực, cần nhất là chính sách đầu tư cho giáo dục, là tinh thần cầu thị, thái độ trân trọng đội ngũ trí thức. Có như thế, Hà Nội mới xứng đáng với truyền thống của cha ông nghìn năm trước, là nơi hội tụ và toả sáng của nguyên khí quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên