Đền Ngọc Sơn

Khắp khu vực thắng tích Ngọc Sơn, một số kiến trúc biểu tượng cho học vấn và văn chương như Tháp Bút, Đài Nghiên, dần dần được coi là biểu tượng của ước vọng thi cử.  

Hồ Gươm là một thắng cảnh linh thiêng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trên hồ có một gò đất hình tròn, người xưa gọi là hòn Ngọc, hay là Ngọc Sơn.

Từ thời Trần, sau đại thắng quân Nguyên Mông, một ngôi đền được lập trên gò để thờ các anh hùng đã vì đất, vì nước. Thời gian, binh hỏa, gió mưa đã khiến ngôi đền ấy bị hư hại. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735-1739), Chúa Trịnh Giang cho dựng cung Thụy Khánh trên gò; lại cho đắp hai quả núi đất trên Bờ Hồ phía Đông nhìn ra Ngọc Sơn, gọi là núi Đào Tai và núi Ngọc Bội. Sau này, Lê Chiêu Thống trả thù các chúa Trịnh, đã cho phá hủy.

Đầu thế kỷ XIX, có một nhà từ thiện lớn là ông Tín Trai, người làng Nhị Khê, đã cho xây trên nền cung Thụy Khánh xưa một ngôi chùa, gọi là chùa Ngọc Sơn. Vào năm 1834, một số danh nho của Hà Nội đã đứng ra lập Văn hội Thọ Xương và Hội Hướng thiện Ngọc Sơn. Trong số các danh sĩ đó, tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu. Nguyễn Văn Lý hiệu là Đông Khê, sinh năm 1795, người phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832), làm quan đến Hàn lâm viện trước tác. Vũ Tông Phan người thôn Tự Tháp, huyện Thọ Xương, sinh năm 1804, Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826), làm quan đến Tham hiệp, rồi Đốc học tỉnh Bắc Ninh, sau cáo quan về nhà dạy học. Nguyễn Văn Siêu (1796 – 1869), người phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất (1838), làm quan Án sát Hưng Yên, từng đi sứ nhà Thanh, hàm Hàn lâm viện thị độc, cáo quan về dạy học, dựng nhà giảng hình vuông, nên có hiệu là Phương Đình. Các ông cùng Hội của mình tiến hành nhiều hoạt động văn hóa xã hội rộng lớn như bài trừ đồi phong, bại tục, mở các trường tư thục ở nội, ngoại thành Hà Nội, trước tác và tổ chức khắc in những công trình văn hóa giáo dục và biến khu vực Hồ Gươm – Ngọc Sơn thành một trung tâm văn hóa lớn. Năm 1843, được ông Tín Trai giao lại khu vực chùa Ngọc Sơn, Hội Hướng thiện đã đổi thành đền Ngọc Sơn thờ Tam Thánh: Văn Xương đế quân, phối thờ Lã Động Tân và Quan Đế (ba vị thánh của Đạo giáo), lại thờ cả Đức thánh Trần Hưng Đạo…

Danh sĩ Nguyễn Văn Siêu lại đứng ra vận động sửa lại khu đền Ngọc Sơn, xây kè đá quanh gò, đắp phụ thêm đất, xây thêm đình Trần Ba, cầu Thê Húc, Tháp Bút, có ba chữ đại tự Tả thanh thiên (viết lên trời xanh). Có thể nói, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã biến ý tưởng chấn hưng văn hóa Thăng Long của các sĩ phu Hà Nội trong Văn hội Thọ Xương và Hội Hướng thiện Ngọc Sơn thành một quần thể kiến trúc giàu ý nghĩa về văn hóa. Do vậy mà Hà Nội có được khu thắng tích đền Ngọc Sơn với một cảnh đẹp hoàn thiện, độc đáo cả ở trên hòn Ngọc, cả ở mé bờ phía Đông của Hồ Gươm. Riêng việc thờ tự trong ngôi đền, từ đó người ta lại chú trọng nhất đến thờ thần Văn Xương.

Theo truyền tụng thì thần Văn Xương chuyên coi việc văn chương, khoa cử ở thế gian. Bởi thế, trong thời đại coi trọng khoa cử, đền Ngọc Sơn thường ngày có khá đông các thầy khóa, sinh đồ mặc áo dài, đầu đội khăn đóng tới cúng lễ, cầu mong thần Văn Xương phù hộ cho chóng được nêu danh trên bảng vàng. Việc này, ngày càng nặng nề hơn, đặc biệt là những năm có khoa thi, nhiều khóa sinh cứ tối đến là vào đền làm lễ cầu rồi ngủ lại đền để mong được báo mộng cho biết tương lai ra sao.

Khắp khu vực thắng tích Ngọc Sơn, một số kiến trúc biểu tượng cho học vấn và văn chương như Tháp Bút, Đài Nghiên, dần dần được coi là biểu tượng của ước vọng thi cử. Thật đúng với mong ước lớn của một thời “Chẳng ham ruộng cả ao liền/ Ham về cái bút cái nghiên anh đồ”. Ngay hai bên cổng đền, hai bức tường được tạo thành một bảng rồng và một bảng hồ, biểu tượng hai bảng vàng ghi danh những người đỗ đạt trong khoa cử. Hai bên bảng vàng đó là đôi câu đối: Nhân gian văn tự vô quyền, toàn bằng âm đức/ Thiên thượng chủ tư hữu nhãn, đan khán tâm điền (đại ý: Học trò đi không quan hệ ở tài văn chương, mà cốt phải có âm đức/ Thần Văn Xương ở trên trời luôn nhìn xuống, xét xem lòng thiện ác của mỗi người). Và nói chung, những câu đối, thơ ca người ta đề, viết ở trong đền Ngọc Sơn hầu hết ý tứ như vậy. Cũng may, có sự định hướng của các nho sĩ trong Hội Hướng thiện, những âm đức mà con người cần phải tạo cho mình chính là sự nỗ lực làm điều thiện trong đời sống.

Do quán xuyến ý tưởng đó, người đến đền Ngọc Sơn lễ cầu bao giờ cũng là những tín đồ tôn thờ cái thiện. Có thể nói, thắng tích Ngọc Sơn với sức cuốn hút đặc biệt đã tạo được một vẻ đẹp sâu sắc và rất đáng tự hào trong đời sống tinh thần của nhân dân ta gần hai thế kỷ qua!

Tuy nhiên, do tín sùng lý tưởng khoa cử quá, nên có một thời gian, một số người muốn tạo âm đức đã coi việc quý kính chữ thánh hiền là vô cùng quan trọng. Bởi thế, họ cho rằng, phải kính tiếc những tờ giấy có chữ, nên đã lập ở bên cạnh đền một ngôi đình nhỏ gọi là Kính tích tự chỉ đình, để làm nơi thiêu hóa những tờ giấy có viết hoặc in chữ thánh hiền. Như khảo cứu của học giả Doãn Kế Thiện thì những người sùng tín ấy còn có quyền kinh Âm chất, trong đó ghi về những người do biết tôn kính giấy chữ nên đã đỗ đạt vẻ vang và ngược lại, những người do không tôn kính giấy chữ mà phải sống khổ sở. Bởi quan niệm đó, cho tới đầu thế kỷ XX ở Hà Nội còn có những ông, bà hay gánh đôi bồ nhỏ bên ngoài có ghi kính tích tự chỉ, đi trên đường phố với vẻ mặt thành kính, mắt chăm chú nhìn xuống đất. Hễ thấy tờ giấy nào có viết hoặc in chữ thì cẩn thận nhặt lấy, bỏ vào bồ. Cuối ngày, họ mang những giấy đó về đền Ngọc Sơn, làm lễ thiêu hóa. Những ông, bà đó hầu hết là những người giàu có sống trong thành phố. Chữ “phú” đã có rồi, nên họ dốc tâm “tạo âm đức” để trong nhà có người đỗ đạt, danh giá, nhà sẽ có thêm chữ “quý” nữa.

Những chuyện như trên, dù sao cũng chỉ là chuyện rất nhỏ, tồn tại trong một thời gian ngắn đối với di tích Hòn Ngọc, nơi thờ các anh hùng, liệt sĩ đời Trần và cũng thật ngắn so với thắng tích Ngọc Sơn gần hai trăm tuổi. Đặc biệt là từ năm 1955 trở lại đây, khu thắng tích Ngọc Sơn trở thành một địa chỉ văn hóa – lịch sử quan trọng của Thủ đô, luôn được bảo quản, tu tạo, ngày càng có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của người Hà Nội nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên