Hà Nội có con đường gốm sứ

Con đường gốm sứ đang phấn đấu lập kỷ lục Guinness thế giới vào năm 2010 với danh hiệu Bức tranh gắn gốm dài nhất thế giới có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. 

Chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, tổng chiều dài của Con đường gốm sứ ven sông Hồng là 6.018 mét, với diện tích tổng cộng khoảng 6.500 mét vuông. Theo quy hoạch, có 21 đoạn vuông tranh gốm với nhiều chủ đề thú vị .

Đoạn A1 tôn vinh di sản nghệ thuật theo dòng chảy lịch sử từ thời kì Đông Sơn qua các thời kì Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trường đoạn đầu tiên này đóng một vai trò quan trọng là tôn vinh những nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử: những hoa văn Đông Sơn thời các vua Hùng, những họa tiết trên gốm trang trí kiến trúc Thăng Long thời Lý-Trần, gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, điêu khắc gỗ dân gian thế kỷ 17-18…

 

Hoạ tiết dân tộc

Hoa văn thổ cẩm

Đoạn A2 tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm và trang trí kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam.

Đoạn A3 là tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình".


Từ đoạn A4 đến A9 là tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Mỗi đoạn đường lại được thiết kế với một phong cách khác nhau.

Tranh của hoạ sỹ Phạm Viết Hồng Lam được chuyển thể lên gốm

Song hành cùng các nghệ sĩ Việt Nam, Con đường gốm sứ nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các nghệ sĩ quốc tế với mong muốn được đóng góp cho món quà ý nghĩa chào mừng thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Ngoài phần tranh gốm của nghệ sĩ Đan Mạch Michael Geertsen và nghệ sĩ Pháp Dominique de Miscault đã hiện diện trên thành đê sông Hồng, đang tiếp tục có các nghệ sĩ từ Anh, Mỹ, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, Phần Lan đăng ký tham gia dự án. Các Đại sứ quán và các trung tâm văn hoá của các nước tại Hà Nội đều đánh giá cao ý nghĩa của dự án và nhiệt tình ủng hộ.

Với tiến độ được triển khai như hiện nay, Con đường gốm sứ đang phấn đấu lập kỷ lục Guinness thế giới vào năm 2010 với danh hiệu Bức tranh gắn gốm dài nhất thế giới có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. 

Khi chưa được gắn gốm

Những mảng gốm lớn hay nhỏ được chế tác và nhuôm men màu  tại làng gốm Bát Tràng. Gốm được được nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C sẽ bền vững với thời gian, màu men không bị phai mờ, không bị rêu mốc và đặc biệt màu sắc luôn tươi tắn


Gốm nung xong được tập trung về xưởng lắp ghép tại 28 đường Hồng Hà (Hà Nội). Tại đây các nghệ sỹ, những người thợ và  tình nguyện viên ghép gốm lại theo những phác thảo được thiết kế từ trước.

Đây là hình ảnh vườn đào Nhật Tân được chuyển thể thành tranh gốm. Tranh được ghép ở xưởng gốm, rồi mang ra gắn tại hiện trường.

Đào Nhật Tân

Những họa tiết trên trường đoạn về vốn cổ dân tộc: Tích cổ cá chép vượt vũ môn (cá hóa rồng)

Với chủ đề "Dấu ấn định đô Thăng Long", bức tường cao 6 m tầng trên và 2,6 m tầng dưới được phủ kín bằng hình tượng đôi rồng thời Lý bay lên từ nước sông Hồng, phản chiếu màu sắc rực rỡ của cầu vồng và của màu cờ lễ hội dân gian. Phần nền phía dưới là những dải hoa đào - biểu tượng của mùa xuân Hà Nội. Phác thảo này của nhóm thực hiện dự án do công ty Tân Nghệ thuật Hà Nội triển khai đã được Hội đồng nghệ thuật sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội thông qua.

Biểu tượng đôi rồng thời Lý

Hàng chữ THĂNG LONG HÀ NỘI 1010-2010 cùng với các biểu tượng của Hà Nội như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, Hoa sen thời Lý,... được thể hiện trên những chùm màu pháo hoa tươi sáng, mang lại không khí tươi vui rạng rỡ thể hiện tinh thần chào đón 1000 năm Thăng Long văn hiến. Đoạn tranh gốm này do nhà báo- họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thiết kế.

Họa tiết của dân tộc Lô Lô


Chuyển thể tranh Van Gogh

Một đoạn tranh gốm mới hoàn thành do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ. Bầu trời Van Gogh từ bức tranh sơn dầu đã được chuyển thể hết sức tinh tế và phóng khoáng sang chất liệu gốm mosaic dưới bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ. Ngắm bức tranh gốm, ta cảm nhận được khả năng biểu cảm vô cùng phong phú của chất liệu gốm với đủ các tone màu tương phản.

Với mục đích xã hội hóa, thời gian qua công ty nghệ thuật Tân Hà Nội đã tổ chức chương trình mang tên “Tôi làm con đường gốm sứ”, theo đó xưởng sáng tác mở cửa vào buổi chiều hàng ngày để cộng đồng cùng tham gia dự án. Hoạt động này thu hút hàng trăm lượt các gia đình, các tình nguyện viên, các cháu thiếu nhi và bạn bè quốc tế đang sống và làm việc tại Việt Nam cùng chung tay làm đẹp thành phố.

 

Đoạn tranh do các em thiếu nhi quốc tế thể hiện mang những nét văn hóa riêng từ đất nước nơi các em sinh ra, hòa quyện cùng những suy nghĩ ngợi ca thành phố Hà Nội nơi các em đang sống cùng gia đình.

Họa sĩ-nhà báo Nguyễn Thu Thủy, tác giả của dự án Con đường gốm sứ cùng các cộng sự làm việc tại hiện trường


Dần dần con đường gốm sứ trở nên thân quen với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên