Hà Nội với dân ca...

Thăng Long Hà Nội đã tròn 999 năm tuổi và chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm. Ngày xưa Hà Nội đã có dân ca: hát xẩm, hát trống quân, chèo tàu, chèo gối và cả ca trù nữa như sử sách đã chép. Hà Nội ngày nay lại càng nhiều dân ca hơn.

Dân các nơi về cư trú tại Hà Nội, họ mang theo những làn điệu dân ca của quê mình, tự hào với những giai điệu đẹp đầy quyến rũ lòng người mà góp vào vốn nghệ thuật của Hà Nội.

Mỗi ngày trung bình chương trình Dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được hơn 200 lá thư yêu cầu được nghe những bài dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Câu lạc bộ “Đàn và hát dân ca” do Đài TNVN tổ chức, sinh hoạt vào sáng Chủ Nhật hàng tuần có hơn 100 người tham gia thường xuyên, trong đó có thanh niên, học sinh, sinh viên, phần lớn là ở nội và ngoại thành Hà Nội, kể cả người nước ngoài. Có nhà báo đã dùng hình tượng rằng “Đây là những con chim biết chọn hạt”.

Muốn cho giới trẻ hiểu và yêu thích dân ca thì việc tuyên truyền phổ biến cần được chú trọng thường xuyên. Có làm cho họ hiểu cái hay, cái đẹp, cái hồn của dân tộc trong các thể loại dân ca thì mới mong nâng dần thẩm mỹ âm nhạc có chọn lọc trong lớp trẻ và trong mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, góp phần nâng cao bản sắc dân tộc. Do điều kiện sinh thành, môi trường sống và đặc điểm tâm lý cho nên bản sắc dân tộc trong mỗi người cũng có mức độ khác nhau. Có người bản sắc ấy chưa kịp hình thành, có người bản sắc ấy đã bị phôi pha, có nhiều người càng xa quê (kể cả xa Tổ quốc) thì bản sắc dân tộc trong tâm hồn lại càng được củng cố vững bền.

Chúng ta tự hào với truyền thống của Thăng Long Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, chúng ta càng tự hào với một nền âm nhạc của Hà Nội trong đó có dân ca và nhạc cổ truyền trước đây cũng như “tân nhạc” sau này. Chúng ta càng vui hơn khi biết rằng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hát hay, đàn ngọt từ các tỉnh khác về làm dân Hà Nội. Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, không đủ thời giờ đến các vùng dân ca thì chỉ cần nán lại nửa ngày họ cũng được nghe hát, nghe giới thiệu những nét tiêu biểu về vùng dân ca đó ngay trên đất Hà Nội; bởi Hà Nội là trung tâm về nhiều mặt của đất nước.

Ý tưởng 1000 năm trống hội Thăng Long đã và đang được thực hiện. Nó bao hàm biết bao ý nghĩa về nguồn. Đây là

  • Dấu đẹp Hồ Gươm (ca trù)


Lời: Ngô Linh Ngọc
BD: Nghệ sĩ Phó Kim Đức

một dàn nhạc gõ dân tộc đầy tự hào của năm Hổ Vàng 2010. Nó không chỉ gợi lên trống gọi ba quân, trống hội triều đình, trống mừng chiến thắng mà nó còn gợi lên tiếng trống tuồng, trống chèo, tiếng trồng chầu văn, ca trù, hát xẩm, hát trống quân v.v... Tiếng trống làm xao động tâm hồn người dân cả nước. Nó là lời gọi thiêng liêng với bà con ở xa Tổ quốc và cả bè bạn quốc tế. Dịp đó nếu được huy động mọi tiếng hát, thể hiện mọi giọng điệu của mỗi miền mà Thủ đô ta ngày nay không hiếm, không thiếu, sẽ là một cuộc hội tụ rất tuyệt vời của cả một nền âm nhạc rất đa dạng và phong phú của 1000 năm, của 500 năm và của vài chục năm trở lại đây trên đất văn hiến Rồng Bay.

Nhưng trước hết chúng ta cần ghi nhận những công việc thầm lặng mà không kém phần sôi động của ngành Văn hoá ở thành phố cũng như ở các quận, huyện và các trường đại học, đã tổ chức hội diễn, khuyến khích hát các làn điệu dân ca. Đặc biệt là các chương trình tìm hiểu dân ca, dạy hát dân ca, giới thiệu những giọng hát dân ca hay, cùng những tay đàn dân tộc giỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã làm cho các hoạt động âm nhạc phong phú hơn, cân đối hơn giữa “tân nhạc” và “nhạc cổ truyền”. Đó là những cố gắng đáng biểu dương, mặc dù bên cạnh những điểm “cộng” cũng còn có những điểm “trừ”. Cứ đà này chúng ta phát huy những cái hay, khắc phục những cái chưa hay, chắc chắn sẽ gặt hái nhiều bông vàng hạt mẩy trên cánh đồng âm nhạc của hôm nay và mai sau trên đất Thủ Đô mở rộng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên