Hoa đón ngày Đại lễ

Một không gian hoa rộng nhất từ trước đến nay xung quanh hồ Hoàn Kiếm, bắt đầu từ tối 30/12/2009 đến hết 3/1/2010 nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Không gian này sẽ được mở đầu bằng một hoạt động đầy ấn tượng với đêm khai mạc mang chủ đề “Lung linh sắc hoa Hà Nội”, sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam.

Lần đầu tiên, tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, người dân Thủ đô sẽ được chứng kiến biểu tượng Rồng thiêng cao 6m với 9 con rồng chầu được kết hoa, thể hiện sự trường tồn của các vương triều Lý trong suốt 215 năm trị vì đất nước...

Dọc theo con đường mang tên vị vua Đinh Tiên Hoàng cũng sẽ là sự hội tụ của nhiều đài hoa mang những biểu tượng tâm linh, văn hóa và lịch sử của nghìn năm Thăng Long. Biểu tượng Hà Nội cao 4,5m, kết từ 1.000 bông hoa cúc vàng sẽ được đặt ở nơi trang trọng nhất, trên thảm hoa rực rỡ như biểu tượng của mùa xuân đất nước. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ trống và hoa có tên gọi “Trống hội ngàn năm” sẽ mang đến những nét đặc sắc nhất từ trước đến nay. 

Toa tàu trở về từ hoài niệm

Bằng chất liệu tre, cây xanh và muôn ngàn bông hoa, công trình kiến trúc có giá trị về văn hóa và lịch sử, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng của truyền thống hiếu học, thái  độ trân trọng và tôn vinh người hiền tài của dân tộc là Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sẽ được tái hiện thật lung linh, huyền diệu.

Hai làng hoa Võng Thị và Nghi Tàm đã tồn tại từ hàng ngàn năm qua, cũng sẽ được dựng lại với một khung cảnh làng lúa, làng hoa, với một góc sân có vạt hoa, giếng nước đá ong, trầu cau, cây cỏ… gợi cho bất cứ ai ngắm nhìn những cảm giác yên bình của một miền ngoại ô Hà Nội, để người Thủ đô xa xứ nếu có dịp về, cũng thấy như Hà Nội xưa đâu đó rất gần. 

Cây cầu Long Biên nối liền 3 thế kỷ đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, chứng kiến bao thăng trầm và những chiến công hào hùng của dân tộc, như một vật chứng vững bền của thời gian và bền vững trong lòng người Hà Nội và từ bao năm qua, được coi như một biểu tượng tinh thần của người Hà Nội sẽ được tái hiện với 3 nhịp cầu tượng trưng làm cầu nối đưa người xem đến với các làng hoa đào, quất Võng Thị, Nghi Tàm và làng gốm Bát Tràng.

Tiếng tàu điện leng keng một thuở dường như chưa xa trong ký ức bao người Hà Nội... Những toa tàu trở về từ hoài niệm này sẽ được kết từ những cánh hoa mang nắng gió và phù sa sông Hồng.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, trên mặt hồ Hoàn Kiếm, sẽ nổi bật lên các bè hoa kết nối nhau thành con số 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với ánh điện, với các thủ pháp chuyên nghiệp, không gian hoa này sẽ tạo nên một điểm nhấn rất đẹp mà người Thủ đô lần đầu được chứng kiến. Đối diện với Tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm, sẽ là một cuốn sách lớn được kết từ hoa cỏ, đặt trên một thảm hoa rộng, biểu tượng cho sự kết nối tri thức của dân tộc, của các danh nhân đất nước, những nhân cách lớn đã làm rạng danh một Thăng Long - Hà Nội như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Nguyễn Du, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi…

Đặc biệt, với chủ đề “Hội nhập”, lễ hội cũng sẽ có sự tham gia của các tác phẩm sắp đặt của nghệ nhân một số nước như Trung Quốc, Thái Lan… Với tình cảm dành cho Thăng Long - Hà Nội nhân dịp thành phố Vì hòa bình bước vào 1.000 năm tuổi, Đại sứ quán Hà Lan sẽ tặng đài hoa hơn 30 ngàn bông tuy-líp để góp vào lễ hội. Đài hoa này dự kiến đặt tại đền Bà Kiệu. Đại sứ quán Thụy Sĩ cũng sẽ tặng một đồng hồ kết hoa cho lễ hội. Tất cả các cơ quan, công sở, đơn vị… xung quanh khu vực Hồ Gươm, cũng sẽ được thông báo trang trí hoa bên ngoài. Con phố Lê Thạch sẽ có các shop hoa nổi tiếng ở Hà Nội, các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoa giả, hoa tươi để phục vụ đồng bào và du khách đến với Lễ hội Hoa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhân dịp này, cùng với bạt ngàn hoa tại tất cả các khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, lễ hội áo dài cũng sẽ được tổ chức vào tối 31/12/2009 với chủ đề “Tinh hoa hội tụ” của các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên