Hồn phố cổ gửi về đền Quán Đế

Đền có từ thời Nguyễn, là một trong những sản phẩm đỉnh cao tạo hình của người Việt. Điển hình là mặt hổ phù được chạm khắc trên gỗ chưa đâu có như ở đây.  

Khi chiếc đồng hồ đếm ngược báo hiệu chỉ còn hơn bốn trăm ngày nữa là đến ngày đại lễ, dự án tu ổ, tôn tạo đền Quán Đế tại 28 Hàng Buồm là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội được thi công khẩn trương, đúng tiến độ. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm thông tin phố cổ Hà Nội, hội tụ tinh hoa của các nhà khoa học đàm đạo trao đổi về lịch sử, kiến trúc, những giá trị vật thể, phi vật thể, những nét văn hóa đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội…

Nằm ngay trong lòng phố cổ, đền Quán Đế có diện tích 275 m2. Đền có 4 phần chính: Nghi Môn, Tiền tế, Phương Đình và Hậu cung. Đây là ngôi đền thờ Quan Công, ở giữa Hậu Cung là tượng thờ Quan Công, hai bên là tượng Châu Xương và Quan Bình. Đền Quán Đế có giá trị đặc trưng về nghệ thuật kiến trúc do Hoa kiều đầu tư và được các nghệ nhân của Việt Nam xây dựng từ thế kỷ XVIII. Theo đánh giá của Giáo sư – Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, đây là một ngôi đền kiến trúc đẹp, đặc biệt về khối điêu khắc. Trước khi tu bổ, đền bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ phần Hậu cung bị sụp chỉ còn một số cột trụ trong tình trạng mục nát phải phục chế. Nhà Phương đình, Tiền tế, Nghi môn được tháo dỡ chuyển vào kho bảo quản ngâm tẩm để chống mối mọt.

Ông Phạm Tuấn Long – Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội, phụ trách dự án cho biết, các tài liệu về đền xưa còn rất ít, chỉ biết rằng, trong khi hạ giải để tu bổ đã phát hiện ở dưới chân đền những trụ đá được các nhà khảo cổ đánh giá có niên đại cách đây khoảng 500 năm. Điều đó chứng tỏ, đền là nơi phục vụ tín ngưỡng của người Việt, sau được người Hoa xây dựng lại trên nền đất này. Có thể nói, ở đây có sự giao thoa giữa văn hóa người Việt và người Hoa gắn liền với tín ngưỡng đạo Phật.

Đền Quán Đế đang được trùng tu, sửa chữa lại cho kịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Cách đây không lâu, trong khu vực đền Quán Đế có 5 hộ sinh sống. Đến tháng 9/2008, 5 hộ đã được chuyển đi để tu bổ, tôn tạo đền và phục vụ cho công tác thông tin về phố cổ Hà Nội. Sau khi giải phóng mặt bằng, đền Quán Đế được khởi công vào ngày 16/2/2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 6/1/2010. Đây là một trong những công trình trọng điểm của quận Hoàn Kiếm nhằm hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và cũng là dự án có ý nghĩa quan trọng nằm trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật giữa Hà Nội và Tu-lu-dơ (Pháp). Thành phố Tu-lu-dơ cử các chuyên gia, kiến trúc sư hỗ trợ về mặt kỹ thuật bảo tồn, phía Hà Nội bỏ kinh phí, còn việc thi công do những người thợ lành nghề của Việt Nam đảm nhiệm.

Nói về dự án tu bổ đền Quán Đế, ông Phạm Tuấn Long – Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ phục dựng quy mô theo kiến trúc gốc ban đầu, giữ nguyên cốt nền cũ trước đây. Tiến độ và chất lượng của công trình được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đến tháng 1/2010 sẽ hoàn thành với tổng mức đầu tư là 13 tỷ đồng, trong đó có gần 5 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng”.

Tôi đến đền Quán Đế cũng là lúc công trình tu bổ, tôn tạo đền đang được tiến hành. Dẫn tôi vào bên trong, qua chỗ để xà gồ, cột gỗ… gia cố lại, anh Đặng Xuân Khuê - Chuyên viên Ban quản lý phố cổ Hà Nội chỉ vào tấm bia đá gắn bên tường đá phía Hậu cung cho biết, đây là tấm bia cổ có từ hàng trăm năm nay ghi tên những tín chủ đã công đức để tu sửa lại đền.

Ông Nguyễn Văn Tuy (56 tuổi), Tổ trưởng Tổ mộc ở đây tâm sự: “Nhóm thợ của chúng tôi là những người ở làng nghề mộc xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội được Công ty Cổ phần Xây dựng và Phục chế công trình văn hóa đưa đến để tu bổ, tôn tạo ngôi đền. Tất cả đều là thợ chính có tay nghề cao, đều từ trên 55 tuổi với kinh nghiệm hàng chục năm chuyên phục chế các công trình văn hóa cổ”.

Khi thấy các nghệ nhân đang làm việc, tôi mới thấy được khối lượng công việc dày công đến nhường nào. Từng chi tiết nhỏ đều được các nghệ nhân gia cố, lắp ghép lại một cách cẩn thận theo đúng nguyên gốc. Nghệ nhân Phí Bá Hợi (60 tuổi), thợ điêu khắc, chạm trổ có kinh nghiệm gần 50 năm trong nghề cho hay: “Tôi làm công việc này vì yêu nghề và đã ở đây hơn 2 tháng nay, phần việc của tôi còn phải làm trong 3 tháng nữa thì kết thúc. Công trình tu bổ đền đã xuống cấp nên công việc rất khó, thợ phải tốt, có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm. Công việc thủ công này cũng cần đầu tư máy móc thiết bị hỗ trợ…”.

Sau khi được tu bổ, toàn bộ không gian bên ngoài Nghi môn của đền Quán Đế được dành cho công tác tuyên truyền về phố cổ Hà Nội bằng cách hình thức như: Phát tờ rơi, trình chiếu phim tư liệu về bảo tồn, các hoạt động văn hóa… Đồng thời, đây cũng là nơi giới thiệu các nghề truyền thống như: Nghề lụa, nghề làm vàng mã, nghề rèn; nghề làm kèn, trống; các loại tranh truyền thống… nhằm nghiên cứu khôi phục các nghề ở phố cổ và phục vụ khách thăm quan du lịch. Đền Quán Đế được cải tạo sẽ là trung tâm thông tin phố cổ được sử dụng có ích của quần chúng, xã hội. Nơi đây sẽ là Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội, giới thiệu với du khách sự thanh lịch của người Tràng An, nơi gặp gỡ trao đổi giữa nghệ nhân các làng nghề với người dân cả nước.

Khôi phục lại một công trình kiến trúc đặc sắc của khu phố cổ Hà Nội, dự án tu bổ, tôn tạo đền Quán Đế sẽ là nơi tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin cho người dân, du khách trong và ngoài nước về sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Phố cổ Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cái chính là để họ tự cảm nhận được, nên chúng ta phải tìm hiểu kỹ để thích ứng với yêu cầu của quá khứ và thực tại. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch, có cái nhìn chiều sâu, sự cộng tác của các hội văn hóa dân tộc, nhất là hội văn nghệ dân gian. Nếu muốn cho du khách đến để nghe, biết thông tin, trung tâm phải hội tụ những người am hiểu về Hà Nội, yêu Hà Nội như máu thịt. Ngoài ra, phải đào tạo các phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch tham gia các hoạt động định kỳ thường xuyên để phục vụ tốt các tour du lịch này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên