Khám phá Từ đường Đàm Công và những danh nhân họ Đàm
Từ đường Đàm Công thuộc thôn Kim Bảng, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là công trình kiến trúc cổ dân gian được xây dựng từ lâu, đã qua nhiều lần tu bổ.
Công trình hiện còn lưu giữ được khá nguyên vẹn các mảng chạm khắc kiến trúc mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XIX, gồm những bức phù điêu đẹp, chạm khắc chủ yếu là “tứ linh” và “tứ quý” cùng nhiều hoạ tiết hoa văn cách điệu khác.
Từ đường có diện tích rộng khoảng 80 m2, gồm ba gian tiền đường và ba gian hậu đường, được bố trí theo kiểu hình chữ nhị (=), hiện đang lưu giữ khá nhiều tư liệu lịch sử bằng chữ Hán, ghi chép khá chi tiết về lịch sử gia tộc họ Đàm Công, về cụ tổ Đàm Công tự Phúc An và một số danh nhân là hậu duệ của cụ tổ Phúc An.
Nguồn gốc họ Đàm và thân thế bà Đàm Thị
Anh Đàm Quang Trung, hậu duệ đời thứ 40 của bà Đàm Thị ở thôn An Trai, xã Vân Canh thuộc một trong các chi của họ Đàm cho biết “Lịch sử ngũ chi họ Đàm” viết bằng chữ Hán vào năm 1924, là một trong những tư liệu của dòng họ Đàm đã được chứng nhận “Di tích lịch sử và văn hoá”, có phần nội dung được dịch nghĩa rằng: Cụ thượng thuỷ tổ ngũ chi họ Đàm là cụ Đàm Hoàn, sống vào thời Đông Hán, làm quan đến chức Thượng thư, do tính ngay thẳng, mất lòng nịnh thần trong triều, rồi mất lòng cả vua, bị giáng chức điều sang nước Nam. Ở nước Nam cụ đổi họ tên thành Đàm Hoàn, sống ở đất Kim Bảng, Bắc Ninh. Gia tộc họ Đàm hiện nay có gốc từ đó mà ra.
Đời sau có cụ Phúc An, sau nữa có cụ Thận Vi, và có bà Đàm Thị lấy ông Đinh Công Trứ và trở thành phụ mẫu của Vua Đinh Tiên Hoàng về sau này. Trong phả có chép “nhất cô giá Đinh triều” là nói về cụ bà Đàm Thị.
Bên trong Từ đường |
Theo ông Đàm Quang Tám cũng ở chi An Trai, xã Vân Canh, Đàm tộc phả ước, được lập từ năm 1895 tại Kim Bảng, con cháu của cụ tổ phân chia thành ngũ chi đã có từ xa xưa, gồm hai chi ở Bắc Ninh cũ là Kim Bảng và Xuân Dục, ba chi ở Hà Tây cũ là Nhân Huệ, Phúc Lâm, An Trai.
Trên gia phả, ngày 19/3 đời vua Thành Thái năm thứ 7 (1895), ngũ chi họ Đàm đã có cuộc họp tại Kim Bảng, cùng thống nhất lập phả ước và soạn ra “Đàm tộc ngũ chi tiên tổ tế văn”, dùng để tế lễ tưởng nhớ tổ tiên vào ngày 12/2 hàng năm.
Danh nhân họ Đàm
Theo phả tộc họ Đàm, ngoài cụ bà Đàm Thị là vợ quan Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ, phụ mẫu của Vua Đinh Tiên Hoàng, đã được sử sách biết đến, Đàm tộc ít nhất còn có bẩy danh nhân có đóng góp lớn với lịch sử dân tộc.
Thượng thư Đàm Công Tiêu, cháu bốn đời của cụ tổ Phúc An, khoa trường thi đỗ giữ chức Thượng Thư trong triều. Hiện ở nhà thờ tiến sĩ Đàm Duy Thạch thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.
Đô Thống Đại Tướng quân Đàm Công Trường cháu đời thứ năm của cụ tổ Phúc An được cấp sắc phong vào năm thứ 7 đời vua Lê Thánh Tông (1476), là người có công dẹp giặc, làm cho đất nước yên thịnh, giữ an ninh trong ngoài kinh thành, giữ vững kinh thành khi có biến cố, được vua Lê Thánh Tông sắc phong “Mãnh lực hùng uy, Đô Thống đại tướng quân”. Sắc phong cho cụ hiện còn được thờ tại nhà thờ Đàm Công ở Kim Bảng.
Đàm Quý Công tự Trung Kình có công được vua Lê phong “Đô Sát đại thần Quan”, hiện được thờ ở nhà thờ riêng bên cạnh nhà thờ tổ họ Đàm Công.
Đàm Công tự Vĩnh Miên, làm tri phủ Lâm Thao phú Thọ. Phả họ chép “Đàm Công Tự Vĩnh Miên thi trúng tiến sĩ, sắc thụ Lâm Thao phủ, tri phủ. Cụ là cháu đời thứ Sáu của cụ tổ Phúc An, tức đời thứ ba của cụ Duy Thạch.
Tiến sĩ Đàm Công tự Phúc Trạch, là người phụ trách việc binh nhung của trấn Kinh Bắc. Phả họ chép “Đàm Công tự Phúc trạch, khoa trường thi trúng Tiến sĩ. Sắc thống lĩnh đô thành Bắc đạo Lại Bộ”. Cụ là cháu đời thứ 7 của cụ tổ Phúc An.
Về sau có cụ Đàm Duy Khiêm hậu duệ của cụ tổ Phúc An, định cư tại Vân Canh, đỗ Thám Hoa được bổ nhiệm làm đốc học ở Thanh Hoá, kiêm chủ khảo trường thi hương. Phả họ chép: “Đàm Duy Khiêm, công chúng đệ Nhất giáp đệ Tam danh Tiến sĩ xuất thân. Sắc thụ Thanh Hoá tỉnh, Chủ khảo trường Vụ Ngự sử, kiêm lĩnh Đốc học”.
Đến nay, trải qua bao đời, con cháu Đàm tộc vẫn luôn mậu thịnh, bồi đắp nền nhân, gieo trồng cây phúc, vun xới cho dòng tộc ngày càng thêm rạng rỡ, góp phần phồn thịnh cho nước nhà. Từ đường mỗi chi họ Đàm đều được xây sửa lại. Ông Đàm Văn Sáu, người đã nguyện dành hơn 20 năm làm “ông Từ”, trông giữ Từ đường Đàm Văn chi An Trai nói rất tự hào: Công lao của tiền nhân rất lớn, việc động viên con cháu nối chí tổ tiên không thể không làm. Vì thế, sau hơn 100 năm kể từ năm 1895, năm chi trong cả họ ở khắp mọi nơi lại cùng nhau về lập phả ký, khắc vào bia đá, lưu giữ mãi về sau, để đông đảo con cháu cùng biết và noi theo.
Năm nay, với niềm tự hào và sức mạnh đoàn kết của dòng tộc, con cháu của thân mẫu Vua Đinh Tiên Hoàng chúng tôi đã chung sức, dâng tặng nhà Khải Thánh thuộc Khu Di tích lịch sử và văn hoá Cố Đô Hoa Lư hai bức tượng đồng Song thân của Vua Đinh Tiên Hoàng với mong muốn để con cháu họ Đàm cũng như nhân dân cả nước khi nhớ đến công lao của Đinh Tiên Hoàng Đế cũng không quên công lao của những bậc tiền nhân sinh ra một vị vua anh minh./.