Mê Linh đang vươn mình phát triển

Trở thành “người Thủ đô” chưa lâu nhưng Mê Linh đã thể hiện vai trò là một trong những vùng kinh tế năng động. Trong năm 2009 và những năm tới, Mê Linh phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm.  

Với vị trí địa lý thuận lợi và có tiềm năng về nguồn nhân lực để phát triển, huyện Mê Linh (Hà Nội) được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, trong đó lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội.

Sức bật của  một vùng đất phù sa

Nằm trên dải phù sa mùa mỡ ven sông Hồng bốn mùa hoa trái tốt tươi, lại nằm trong trục tam giác phát triển phía Bắc với hệ thống giao thông huyết mạch của cả nước gồm: đường sắt, đường thủy, đường bộ đã giúp Mê Linh thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Chính nơi đây cũng đã hình thành các khu công nghiệp Quang Minh, Tiền Phong, Kim Hoa với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD và gần 10.000 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của Mê Linh được cải thiện rõ rệt. Các tuyến tỉnh lộ 308, 312, nhiều đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá… được cải tạo, nâng cấp, làm mới đang tạo cho Mê Linh bước phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công trình lịch sử văn hóa đền thờ Hai Bà Trưng có giá trị văn hóa vĩnh cửu, trường tồn cho muôn đời con cháu, được nhân dân cả nước đầu tư tôn tạo. Hiện tại, Mê Linh có 19 trường mầm non bán công, 32 trường tiểu học, 20 trường trung học cơ sở và 6 trường trung học phổ thông; 100% trẻ em trong độ tuổi được cắp sách tới trường. Gần 70% thôn, làng đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa.

Năm 2008, giá trị sản xuất của Mê Linh đạt trên 2.195 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 2.677 tỷ đồng, tăng 38,9%. Trong đó, riêng Công ty TNHH Picenza tăng 50,9%; Công ty liên doanh thẻ thông minh MK tăng 36,6%. Đây cũng là năm Mê Linh hoàn thành nhiều khối lượng công trình khá lớn như: Hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 Trung tâm hành chính; khởi công tuyến quốc lộ 23, cầu Yên Vinh và nhiều tuyến đường liên xã cùng hàng loạt trạm y tế, trường mầm non, công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng…

Trung tâm thương mại Melinh PLaza

Mê Linh phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm

Ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thế nhưng, huyện Mê Linh không chỉ hoàn thành mà còn vượt các kế hoạch, mục tiêu đề ra. Đó là huyện đã biết khai thác, phát huy tiềm năng của mình.

Cách đây 10 năm, Mê Linh vẫn còn là huyện thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Từ khi Huyện ủy, UBND huyện xác định lấy ngành Nông nghiệp làm đòn bẩy, điểm tựa để công nghiệp, dịch vụ có điều kiện “cất cánh”, Mê Linh đã từng bước thay da đổi thịt. Năm 2008, giá trị nông nghiệp đạt hơn 390 tỷ đồng.

Đến nay, Mê Linh đã hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp: Vùng gò đồi phát triển lâm nghiệp, kinh tế trang trại, chăn nuôi đại gia súc; vùng màu sản xuất các loại rau, hoa, cây công nghiệp, thực phẩm và vùng nội, ngoại đê sông Hồng chuyên sản xuất cây lương thực, chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Đặc biệt, 3 xã Mê Linh, Tráng Việt, Tiền Phong đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất hoa rộng 1.000 ha, cung cấp hoa cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, huyện còn có nhiều trang trại và liên hợp trang trại sản xuất nấm; các vùng trồng rau an toàn… Hiện nay, Mê Linh có hàng nghìn ha đạt giá trị sản xuất 50 - 55 triệu đồng/ha/năm; hàng trăm ha đạt 90 – 120 triệu đồng/ha/năm.

Với những gì đạt được, trong năm nay và những năm tới, Mê Linh sẽ tiếp tục tận dụng những điều kiện thuận lợi của huyện ngoại thành Thủ đô làm tiền đề để phát triển. UBND huyện đã đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như: Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 3.241 tỷ đồng; nông nghiệp 410 tỷ đồng; dịch vụ 250 tỷ đồng… Tỷ lệ hộ nghèo còn 13,5% - 14%; tạo việc làm mới cho 2.500 lao động.

Mê Linh đang phấn đấu đến năm 2010 sẽ nâng mức thu nhập bình quân lên 19 triệu đồng/người/năm, đưa Mê Linh thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm, nhanh chóng trở thành đô thị hiện đại của Thủ đô Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS