Muôn đời mãi nhớ ơn thầy Chu Văn An

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của Chu Văn An là tấm gương sáng, vượt ngưỡng làm thầy giỏi của một đời để trở thành thầy giáo giỏi của muôn đời.  

Đúng vào thời điểm Hà Nội và cả nước dốc sức đẩy nhanh tiến độ các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhân dân xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì cũng có niềm vui lớn, đó là công trình đình thờ tiên triết Chu Văn An đang cơ bản hoàn thành.

Xứng tầm bậc tiên triết lỗi lạc

Xã Thanh Liệt tự hào là vùng đất đã sinh ra và nuôi dưỡng nên nhà hiền triết, nhà sư phạm mẫu mực Chu Văn An (1292- 1370). Nói về Chu Văn An, ai ai cũng biết đến một con người nổi tiếng cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Ông đỗ Thái học sinh đời Trần nhưng không ra làm quan mà trở về quê hương mở trường dạy học. Rất nhiều học trò nhờ sự dạy dỗ của thầy giáo họ Chu toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp trồng người, mà đỗ đạt, đóng góp nhiều công sức cho dân, cho nước như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Đức độ, tài năng của ông nức tiếng gần xa, bởi thế đến đời vua Trần Minh Tông, ông được mời làm Tư Nghiệp ở Quốc Tử Giám để dạy học cho Thái Tử. Đời Dụ Tông, chính sự ngày càng thối nát, bọn gian thần nổi lên khắp nơi. Sau nhiều lần can ngăn Dụ Tông không được, Chu Văn An bèn dâng Thất trảm sớ, bản sớ nổi tiếng trong lịch sử nước nhà nhằm chém 7 tên gian thần đã khiến vương triều ngày càng suy vi.

Nhà vua không nghe, Chu Văn An bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ”, về ở ẩn, chỉ chuyên chú việc dạy học, làm thuốc, viết sách. Khi ông mất, nhà Trần đã dành cho ông một vinh dự bậc nhất đối với một trí thức. Đó là được thờ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi trước kia chỉ thờ Khổng Tử, ông tổ đạo Nho và một số ít hiền triết. Nhà vua còn ban tặng Chu Văn An hai chữ “Văn Trinh”, với ý nghĩa một con người kết hợp được hai mặt của đạo đức là vẻ ngoài thuần nhã, hiền hòa và cốt cách chính trực, kiên định. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của Chu Văn An là tấm gương sáng của mọi thời, vượt ngưỡng làm thầy giỏi của một đời trở thành thầy giáo giỏi của muôn đời, như lời nhà sử học Phan Huy Chú ca ngợi. Lịch sử giáo dục nước nhà cũng đặc biệt tôn vinh Chu Văn An ở địa vị cao quý nhất, là bậc Nhà giáo Danh nhân tài đức đất Việt. Cùng với Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, Chu Văn An được người dân làng Thanh Liệt, xã Thanh Liệt tôn làm Thành Hoàng làng, thờ tại ngôi đình khang trang bên bờ sông Tô Lịch.

Chính quyền và nhân dân Thanh Trì luôn nhất quán quan điểm phải có trách nhiệm tôn tạo, trùng tu đình thờ Chu Văn An trên tinh thần giữ nguyên gốc hiện trạng di tích, tôn trọng lịch sử để xứng tầm với công đức một danh nhân văn hóa, người thầy của muôn đời. Với kinh phí trên 7,8 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước; các nguồn xã hội hóa do nhân dân và khách thập phương công đức gần 700 triệu đồng, đình thờ tiên triết Chu Văn An đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Bên dòng sông Tô Lịch ghi lại bao dấu tích lịch sử, một ngôi đình với phần cột và cấu kiện được thay mới nhưng giữ nguyên dáng nét kiến trúc cổ kính thời Lê Trung Hưng đã được phục dựng thật đẹp mắt. Vẫn là mô hình kiến trúc “nội công, ngoại quốc” (tức là bên trong kiến trúc hình chữ Công, nhìn toàn cảnh trong ngoài tựa hình chữ Quốc), đình thờ Chu Văn An tuy mới mẻ nhưng vẫn thân thuộc như hàng trăm năm trước đó. Kiến trúc chữ Công với ba nếp nhà gồm tiền tế, phương đình và hậu cung khang trang, nền gạch Bát Tràng được nung đốt bằng rơm để giữ nguyên nét cổ xưa vốn có. Nhà gỗ táu mật, lợp ngói liệt, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thếp vàng… diện mạo ngôi đình thật trang trọng, ấm áp mà thành kính. Chính giữa nhà tiền tế là hai tấm hoành phi sơn son thếp vàng với ba chữ “Túc thanh cao” (nghĩa là trí tuệ uyên bác như sao sáng) và bốn chữ “Vạn thế sư biểu” (Nghĩa là người thầy của muôn đời) như một sự tôn vinh của con cháu muôn đời với một danh nhân, một nhà giáo cao quý cũng như sự học và đạo làm thầy của mọi thời đại.

Tại đây có câu đối ghi: Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho phường mại quốc/Lục kinh tro chửa nguội, báng huỳnh treo khắp chốn danh hương. Hậu cung là nơi xây bệ thờ, đặt long án có bài vị của danh nhân Chu Văn An cùng phối thờ là hai vị hậu duệ từng đỗ tiến sĩ là Chu Đình Bảo và Chu Tam Tỉnh. Hình ảnh người thầy mẫu mực trang nghiêm ngự trên bệ thờ như nhắc nhở về nhân cách, đạo đức và khí phách của người thầy, như tấm gương sáng để học sinh noi theo. Cũng trong ngôi đình cổ kính này còn lưu giữ các di vật quý như y môn, cửa võng, câu đối, lộc bình, 5 sắc phong thần đời Lê và đời Nguyễn, 1 cuốn Thần phả ghi tiểu sử Chu Văn An, 6 bia đá…

Tượng thầy Chu Văn An tại trường THPT Chu Văn An, HN

Nắn chỉnh đường Kim Giang: Việc làm cần thiết và cấp bách

Cho dù đã được tôn tạo khá hoàn chỉnh, song hiện tại khi đến đình thờ Chu Văn An, chúng ta phải chứng kiến một thực tế là cảnh quan khu đình đang bị xâm hại nghiêm trọng khi con đường Kim Giang được xây dựng từ lâu cắt ngang qua chính giữa sân. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, con đường này được hình thành từ năm 1967, trong giai đoạn cả nước đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, cho đến nay, đình vẫn chưa có sân. Ngay khi bước chân ra khỏi cửa đại bái của đình là con đường giao thông huyết mạch, với lưu lượng xe cộ lớn, chạy suốt ngày đêm, khiến cho nhiều năm trước khi được trùng tu, toàn bộ kiến trúc khu đình bị hỏng hóc nặng, xô lệch sang phía con đường, khiến cho cột nghiêng, mộng há và hiện nay ngôi đình luôn phải chịu tác động của các loại xe có trọng tải lớn chạy qua. Tổng thể đình thờ Chu Văn An bị chia cắt làm hai phần, tách rời ao bán nguyệt và chính đình, làm biến dạng không gian vốn có của đình, ảnh hưởng đến vẻ đẹp, cảnh quan của ngôi đình. Con đường này cũng làm sai lệch hoàn toàn cấu trúc phong thủy, dựa theo luật âm dương được đặt ra khi xây dựng các công trình thờ tự, đình chùa… của cha ông ta, nhằm tạo nên địa lợi, địa cát cho cả một vùng cư dân. Do không có sân nên việc tổ chức các hoạt động lễ hội, tuyên dương công tác khuyến học, khuyến tài, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… đều phải tổ chức trong đình chính.

Nguyện vọng chính đáng của chính quyền và nhân dân xã Thanh Liệt là các ngành chức năng sớm có giải pháp nắn chỉnh con đường Kim Giang để trả lại cảnh quan cho đình thờ Chu Văn An như nó từng có. Ông Nguyễn Xuân Thủy, trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thanh Trì cho biết: UBND huyện cùng Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã hoàn thiện hồ sơ; có văn bản trình lên UBND thành phố và thành phố cũng đã chấp thuận ký hồ sơ pháp lý việc khoanh vùng bảo vệ, tạo thuận lợi cho việc nắn tuyến đường. Ngoài ra, thành phố đã có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTT&DL xin chấp thuận đối với bản đồ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, nhằm tiến hành việc nắn chỉnh con đường Kim Giang theo hướng đi sát bờ sông Tô Lịch, khôi phục lại khu vực sân đình.

Ngay khi có sự chấp thuận của Bộ VHTT&DL, các ngành chức năng thành phố sẽ tiến hành việc nắn chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, nhằm tiến hành việc nắn chỉnh con đường Kim Giang theo hướng đi sát bờ sông Tô Lịch, khôi phục lại khu vực sân đình. Ngay khi có sự chấp thuận của Bộ VHTT&DL, các ngành chức năng thành phố sẽ tiến hành việc nắn chỉnh con đường này như kế hoạch đề ra, nhằm thực hiện mục tiêu gắn biển khánh thành đình thờ Chu Văn An đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/2010, chào mừng sự kiện trọng đại Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên