Người dân phương Nam hướng về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực hết sức mình để lập những thành tích mới, góp phần làm nên thành công của đại lễ - niềm tự hào của dân tộc "Con Lạc, cháu Hồng"

Thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, thời gian qua, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã và đang chủ động xây dựng, tổ chức các hoạt động hướng tới Đại lễ. Càng phấn khởi hơn khi những hoạt động này, công trình này chính là những điểm nhấn, thể hiện ý chí và nghị lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và người dân khu vực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế.

Cách đây 5 tháng, người dân thành phố Cần Thơ phấn khởi trước công trình Tượng đài Bác Hồ được khánh thành tại bến Ninh Kiều, trung tâm của thành phố. Tượng đài Bác Hồ được đúc bằng đồng cao 7,2 m, đặt trang trọng trong khuôn viên rộng gần 1.800 m2, là công trình mang ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đông đảo quân, dân Cần Thơ. Hàng ngày, nơi đây là điểm sinh hoạt cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân đến chiêm ngưỡng vị lãnh tụ kính yêu. Đây cũng là công trình đầu tiên của các tỉnh, thành trong khu vực gắn biển “Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

Tượng Bác Hồ ở bến Ninh Kiều

Ông Nguyễn Tấn Quyên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nhấn mạnh: “Việc xây dựng tượng đài Bác Hồ là để chúng ta tưởng nhớ công ơn của Bác; đồng thời hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh như Bác đã từng mong ước. Ý nghĩa đó cũng chính là lòng tin và mục tiêu vươn tới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ cũng như ĐBSCL đối với Đảng và lý tưởng của Bác Hồ”.

Là một địa phương có 3 dãy cù lao, sông nước cách trở, nên việc phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn. Từ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sau cây cầu Rạch Miễu, Cầu Hàm Luông bắc qua sông Hàm Luông, trên Quốc lộ 60, nối thành phố Bến Tre với bốn huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách trên Cù lao Minh cũng đã được hoàn thành. Đây cũng là công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Điều đặc biệt là trong quá trình thi công, cầu Hàm Luông đạt được ba kỷ lục đáng chú ý, đó là giải phóng mặt bằng nhanh nhất chỉ trong 2 tháng; lần đầu tiên áp dụng công nghệ đúc hẫng cân bằng với khẩu độ lớn nhất (150m) và hoàn thành trước thời hạn ba tháng. Dự kiến, cầu Hàm Luông sẽ được đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là niềm vui chung của người dân xứ Dừa: “Chúng tôi rất phấn khởi, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bến Tre đã có thêm sức mạnh để góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời phá thế cù lao đã tồn tại bao đời nay ở xứ dừa. Nhân dân ở đây cũng rất tự hào khi đây là công trình được chọn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”.

Cầu Hàm Luông

Hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều công trình kỷ niệm thiết thựcỞ tỉnh Hậu Giang, dự án bờ kè kênh xáng Xà No có chiều dài 25 km chạy qua các huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thị xã Vị Thanh với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng cũng đã được tiến hành đầu tư giai đoạn 1 và được đặt tên mới là Công viên Văn hóa Xà No. Đây là một trong những công trình bờ kè sông dài nhất Việt Nam hiện nay và đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Qua đó, thể hiện tấm lòng của người dân Hậu Giang luôn hướng về Thủ đô Hà Nội.

Ông Cao Văn Thum, Bí thư Thị uỷ Vị Thanh cho biết: công trình nhằm mục đích chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạnh tài sản của người dân sống dọc 2 bên bờ kênh; đồng thời tạo vẻ mỹ quan cho đô thị thị xã Vị Thanh xứng tầm đô thị loại 3: Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện bộ máy tổ chức cũng như xây dựng, củng cố chức năng của chính quyền đô thị để quản lí tốt đô thị, quyết phấn đấu đưa Thị xã Vị Thanh trở thành thành phố Vị Thanh trong năm 2010”.

Năm mới Canh Dần cũng là năm nước ta tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hơn bao giờ hết, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực hết sức mình để lập những thành tích mới, góp phần làm nên thành công của đại lễ - niềm tự hào của dân tộc "Con Lạc, cháu Hồng"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên