Người Việt cổ chinh phục châu thổ sông Hồng như thế!

Tự ngàn xưa, cư dân Việt cổ đã lần lượt chinh phục đồng bằng sông Hồng và khống chế thế lực thủy một cách thắng lợi, để chung sống và bắt thế lực thủy phục vụ làm lợi cho con người.

Hơn hai ngàn năm nay, dọc hai bên triền sông Hồng là làng quê trù phú, đê bao quanh uốn theo các dòng chảy; làng xóm ruộng đồng quanh năm tươi tốt. Hơn hai thiên niên kỷ nay con cháu người Việt cổ bám trụ vững vùng đồng bằng sông Hồng, đó là điều diệu kỳ, nhưng có mấy ai biết người xưa đã vất vả và điêu đứng thế nào để có được như ngày nay.

Lịch sử - sử sách, chẳng ghi chép lại thực trạng này, cũng có thể đã có người ghi chép nhưng nay không còn. Nhưng dù sao thì chính người Việt cổ đã ghi chép lại kỳ tích chinh phục đồng bằng sông Hồng, qua hàng loạt chuyện kể và truyền thuyết. Kể từ chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Chiến tranh Hùng Vương - Thục Vương, Truyện cổ nỏ thần, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Mai An Tiêm… Những chuyện kể vừa dẫn muốn chuyển đến cho các thế hệ mai sau kỳ tích chinh phục đồng bằng sông Hồng của tiền nhân, không bằng biên niên lịch sử, mà bằng hình tượng văn học dân gian  - vốn là kênh chở tải hữu hiệu nhất lịch sử cho con cháu.

Cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng bắt đầu từ việc cư dân cổ rời bỏ cuộc sống hang động ở rừng núi (như hang động núi đá vôi vùng Hoà Bình) tiến xuống cư trú tại xứ sở sông nước mênh mang này, mà dấu tích của họ được các nhà khảo cổ học phát hiện trong suốt thế kỷ XX đến nay là những minh chứng thuyết phục. Và khi cư dân cổ dừng chân được ở vùng cao (tức vùng trung du) của châu thổ sông Hồng, họ bắt đầu cuộc chung sống với sông nước để dần dần chinh phục nó một cách tuyệt mỹ.

Khởi đầu cuộc chinh phục lưu vực sông Hồng, được phản ánh trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, tích chuyện nói về cuộc hôn nhân của hai người có 2 xuất xứ khác nhau là rồng lấy tiên và sinh ra 100 người con; sau vì không hợp nhau, Lạc Long Quân dẫn 50 người con về vùng sông nước sinh sống, còn Âu Cơ cùng 50 người con ở lại vùng cao.

Nơi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ tục truyền ở vùng Phú Thọ. Ngày nay ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ còn đền thờ Âu Cơ, như chứng tích của cuộc hôn nhân được truyền tụng đã hơn 3 thiên niên kỷ. Lạc Long Quân cùng 50 người con đi về biển và sự trở về cội nguồn này phản ánh một hiện tượng lịch sử là họ bắt đầu cuộc đổ bộ vào vùng châu thổ. Nhưng cuộc đổ bộ như thế nào thì không có bất kỳ một dấu tích và minh chứng để lại, chỉ biết sau này trầm tích của nhiều làng vùng đồng bằng Bắc Bộ, khi kể về thần thành hoàng đều nói vị thần là 1 trong 50 người con cùng Lạc Long Quân về trấn giữ đất này (mà thường ở cửa sông biển, nơi có những dòng chảy nguy hiểm). Dường như các chàng trai con của Lạc Long Quân đã biết chung sống với sông nước, mà nhiều người trong họ được suy tôn là thuỷ thần, trấn giữ các đoạn sông biển, cứu nguy cho thuyền bè qua lại và những ai bị thuỷ nạn. Tất nhiên thuỷ tai vẫn thường xuyên rình rập chưa có cách gì có thể khống chế được.

Cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng và chế ngự thuỷ tai, có lẽ gay go nhất được phản ánh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Người đời dựng nên nghịch cảnh, hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến với công chúa của Vua Hùng Duệ Vương tên là Ngọc Hoa, vua ưng cả hai chàng mà không biết chọn ai, bên thách đố sáng sớm ngày nọ, ai mang đến trước voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao làm sính lễ thì được làm phò mã. Và Sơn Tinh đã đến trước Thuỷ Tinh rồi rước Ngọc Hoa về Ba Vì. Với tình tiết này, chứng tỏ lúc đó thế lực núi đã thắng thế lực sông nước, chính ý đồ của Vua Hùng lại chọn 3 loài vật ở núi (không phải sông nước) nên Sơn Tinh chiến thắng là logic.

Lại nữa, sau khi mất Ngọc Hoa. Kết cục Thủy Tinh thua, phải lui nước xuống, để rồi hàng năm Thuỷ Tinh nhớ lại mối thù xưa dâng nước lên cao như muốn đòi lại Ngọc Hoa. Đây là chiến công đầu tiên chinh phục sông nước của cư dân Việt cổ- một chiến thắng thuyết phục, song chỉ xảy ra ở vùng trung du mà thôi. Đây là địa bàn cư trú của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Vậy mà lâu nay người ta cho rằng truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh phản ánh công cuộc trị thuỷ đắp đê của người Việt cổ! Làm gì có đắp đê ở đây, như sách Thuỷ kinh chú đã chép thì ruộng ở đây “theo nước triều lên xuống mà làm”, đê bao xuất hiện sau khi đã chinh phục lưu vực sông Hồng.

Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh là khúc dạo đầu cho công cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng, nhưng vẫn chưa chinh phục và thuần phục được thế lực thuỷ. Đồng sáng tác ra Sơn Tinh - Thuỷ Tinh vẫn quy cho Thuỷ Tinh là một thế lực bất trị, là kẻ thù không đội trời chung, như câu ca vẫn lưu truyền: Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.

Trong tâm thức cư dân Việt cổ được phản ánh trong Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, như vẫn day dứt một mối thù với thuỷ nạn, bởi vì thế lực thuỷ với họ là quá tầm, hồng thuỷ vẫn là thứ giáng xuống bất cứ lúc nào, và sự khống chế thuỷ nạn là vô cùng khó khăn.

Với sự định đô ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) của Thục phán An Dương Vương, coi như công cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng trên cơ bản đã hoàn tất, cư dân Việt cổ hoàn toàn làm chủ vùng sông nước mênh mông và hung dữ này. Truyện An Dương Vương xây Thành ốc, hay chuyện Nỏ thần, ngoài các giá trị lịch sử như mọi người từng biết, thì tích truyện thông điệp với con cháu hậu thế rằng, cư dân thời An Dương Vương đã coi thế lực thuỷ như ân nhân của mình.

Tiêu biểu cho thế lực thuỷ là Rùa Vàng. Rùa Vàng đã bị chinh phục và giúp An Dương Vương xây đắp thành Cổ Loa giữa vùng sông nước một cách thắng lợi. Sau lại trút móng rùa thần cho An Dương Vương làm lẫy nỏ thần, bắn một phát bay hàng trăm mũi tên. Kết thúc truyện, Rùa Vàng rẽ nước, rước An Dương Vương vào thuỷ cung. Thế lực thuỷ ở đây đã bị khuất phục bởi con người làm nên sự nghiệp lớn và thuỷ chung với người. Điều này chỉ có thể giải thích được một cách rõ ràng và có sức thuyết phục, khi sang trang lịch sử rằng thuở An Dương Vương cư dân cổ đã tràn xuống khống chế thế lực thuỷ, làm chủ đồng bằng sông Hồng. Nhiều dấu tích văn hoá có tuổi hơn 2.000 năm vẫn liên tục bị khám phá trong lòng châu thổ, nơi có độ cao chừng 4 – 5m so với mực nước biển, như là chứng tích bất diệt của công cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng. Nếu như trong Sơn Tinh - Thuỷ Tinh thì thế lực thuỷ là kẻ thù muôn kiếp, thì trong Nỏ thần, thế lực thuỷ lại là cứu tinh, là ân nhân, là tận tình, tận nghĩa với người.

Ba tích chuyện vừa dẫn như 3 mốc lớn chứng minh rằng cư dân Việt cổ đứng trụ được - bắt đầu cuộc chinh phục và chinh phục hoàn toàn chiến thắng đồng bằng sông Hồng. Công cuộc ấy kéo dài gần trọn thiên niên kỷ I trước công nguyên, tức cách ngày nay gần 3.000 năm đến hơn 2000 năm trước. Nếu quy sang lịch sử như ghi chép của các bộ sử biên niên và của khảo cổ học là vào khoảng thế kỷ 7 – 8 trước công nguyên đến đầu thế kỷ 3 trước công nguyên.

Không hẳn là với An Dương Vương, mà là vào thời Hùng Vương, nhất là Hùng Vương thứ 18 (đời Vua Hùng liền trước An Dương Vương) cuộc chinh phục sông nước châu thổ đạt được thắng lợi đáng kính nể, biểu hiện ở tích truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, nàng công chúa này đã dòng thuyền xuống hạ lưu, quây màn tắm bên bãi sông và gặp chàng trai họ Chử, rồi họ lập nghiệp ở vùng sông nước mặc cho muôn vàn trở ngại. Nhưng ở tích truyện này thế lực thuỷ vẫn rất lớn, chỉ trong vòng một đêm nước đã chôn vùi cả cơ nghiệp của họ. Đó chính là đầm Dạ Trạch, nơi có một cơ ngơi nguy nga và cũng là nơi nước ngập tràn. Con người đã chiến thắng thủy và thất bại bởi thế lực thủy. Nhưng dầu sao cuộc thử sức của con người trong tích truyện này chứa đựng nhiều giá trị và kinh nghiệm chinh phục sông nước của cư dân cổ, và chiến thắng của con người vẫn có điều kiện và phập phù.

Vào thời điểm đó, còn có tích truyện Mai An Tiêm, ngoài các giá trị lịch sử và kinh tế với việc được giống dưa hấu, còn phản ánh cuộc chinh phục sông biển của cư dân cổ mà Mai An Tiêm là người đại diện. Trong Chử Đồng Tử - Tiên Dung vẫn có ánh xạ về sự nghiệp này, bằng chứng là các chuyến vượt biển của chàng trai vào tận núi Nam Giới (nay thuộc Thạch Hà – Hà Tĩnh) và lập Quỳnh Viên ở núi này, vẫn còn dấu tích.

Như vậy cư dân cổ đã lần lượt chinh phục đồng bằng sông Hồng và khống chế thế lực thủy một cách thắng lợi, để chung sống với nó và bắt thế lực thủy phục vụ làm lợi cho con người. Những con đê bao hai bên triền sông như chúng ta thấy nối dài thêm sự nghiệp trị thủy của người xưa, và ngày nay các nhà máy thủy điện khẳng định sự nghiệp của cư dân cổ thật là vĩ đại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS