Những bãi chiếu bóng

Nửa thế kỷ qua, nhìn lại, mới thấy đáng yêu biết bao, đáng quý biết bao ý tưởng đưa “văn hóa” đến với mọi người qua những đội chiếu bóng lưu động và các bãi chiếu bóng

Bộ phim Liên Xô đầu tiên tôi xem “Dặm đường máu lửa” được chiếu ở công trường xây dựng trụ sở Bộ Công an (đường Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đã lâu lắm rồi, từ trước năm 1960. Hà Nội sau ngày giải phóng 10/10/1954 và sau đó vài chục năm nữa, đất trống còn nhiều, xóm lao động nghèo còn nhiều, nên đã mọc lên bao nhiêu là bãi chiếu bóng, nổi tiếng như các bãi Lương Yên, Trại Găng, Mai Động, Khương Thượng, Cầu Giấy, Yên Phụ...

Háo hức nhất là bọn trẻ. Buổi chiều, khi đội chiếu bóng đến, dựng màn ảnh, kê máy... là đã lăng xăng chạy quanh. Rồi chiều hôm ấy phải lo làm xong việc nhà, tắm rửa, thay quần áo, ăn cơm sớm để đi xem chiếu bóng. Giá vé chỉ 5 xu, 1 hào, nhưng nhiều đứa chọn cách đứng ngoài, xem phía sau màn ảnh, chờ lúc chiếu được một vài cuốn, đội chiếu bóng “tháo khoán” là ùa vào, ngồi sát màn ảnh nhất.

Đã là bãi chiếu bóng thì phải có chen chúc, xô đẩy, thậm chí đánh nhau nữa, trẻ con thời nào chả thế. Nhưng nửa thế kỷ qua, nhìn lại, mới thấy đáng yêu biết bao, đáng quý biết bao ý tưởng đưa “văn hóa” đến với mọi người. Vào bãi rồi, hồi hộp chờ, chốc chốc lại nhìn về phía máy chiếu. Cả bãi ồ lên khi thấy đèn tắt, màn ảnh sáng lên. Rồi đèn lại sáng, màn ảnh tối: à, các chú chỉnh máy. Rồi lại hồi hộp chờ khi tắt đèn, người điều khiển máy chiếu quay “maniven”, tiếng lạch xạch vang lên rồi màn ảnh bừng sáng, buổi chiếu phim bắt đầu. Xem phim ngoài trời, có cái lợi là thoáng mát, nhất là vào mùa hè, nhưng “bất hạnh” nhất là chưa chiếu hoặc đang chiếu thì mưa to, phải hoãn. Còn mưa nhỏ thì mọi người đội mưa để xem.

Cho đến những năm 1970, trừ rạp Đống Đa xây mới, còn Hà Nội chỉ có những rạp chiếu bóng có từ thời Pháp, tập trung nhất ở khu 36 phố phường: Long Biên, Đại Đồng, Kinh Đô, Bắc Đô, Hòa Bình, Công Nhân, Tháng 8. Rải ra một số khu phố khác có: rạp Dân Chủ (khu Đống Đa), Mê Linh, Bạch Mai (khu Hai Bà). Đầu những năm 1960, rạp Bạch Mai vẫn còn ông chủ người Pháp thi thoảng đứng xé vé.

Với nhu cầu xem phim lớn của số đông người, nên việc hình thành các đội chiếu bóng lưu động, các bãi chiếu bóng là điều tất nhiên. Sau này, một số bãi chiếu bóng được xây dựng quy mô hơn, có tường bao, có nhà để máy, nơi sang thì ghế gỗ, nơi kém hơn thì ghế gạch để cho khách ngồi.

Hàng vạn, hàng vạn thanh thiếu niên nội ngoại thành Hà Nội biết được thế giới bên ngoài qua những đội chiếu bóng lưu động và các bãi chiếu bóng như thế. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, Hà Nội mất điện nhiều, nhưng các rạp chiếu bóng vẫn hoạt động. Nổi tiếng thời đó là bộ phim Liên Xô “Chiến hạm nổ tung ở cảng”, tới mức có một “kiểu” tóc cho các cô gái Hà Nội thời đó “mốt chiến hạm nổ tung ở cảng” theo mái tóc của nữ diễn viên đóng vai tình báo viên của Hồng quân.

So với lượng phim chiếu hiện nay ở nước ta, phải nói thời đó, người Hà Nội được xem phim của nhiều nước hơn: ít nhất là hơn chục nước trong phe XHCN, ngoài ra là của một số nền điện ảnh khác. Nội dung thì khỏe khoắn, lành mạnh. Hình thức cũng thuộc vào loại khá lúc bấy giờ. Hàng loạt các tác phẩm điện ảnh Xô Viết, từ Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Bài ca người lính, Số phận con người, Đợi anh về, ... Giải phóng... đã góp phần hình thành nên cả một nhân cách sống cho vài thế hệ thanh niên Việt Nam.

Sau dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít (8/5/1945 - 8/5/1995), từ Paris về Việt Nam trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, tôi và anh Lương Văn Phúc (lúc đó là Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines), một cựu phi công tiêm kích, rưng rưng nước mắt khi đọc trên tờ báo Lao Động dịp ấy, bài của nhà báo Tô Hoàng với nhan đề “Vĩnh biệt Sura” nhân Hà Nội vừa chiếu lại bộ phim “Bài ca người lính” với cảnh chia tay vội vã của chàng lính trẻ Aliôsa với cô gái Sura, và lời hẹn hò sẽ tìm nhau sau ngày chiến thắng. Tô Hoàng kể lại trải nghiệm của lứa tuổi các anh - và cũng là chúng tôi, khi đón nhận hơi thở mãnh liệt, đầy tính nhân văn của một nền điện ảnh XHCN. Điều làm chúng tôi trào nước mắt là việc Tô Hoàng kể về người bạn chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị của mình, trước lúc hy sinh trong vòng tay đồng đội thốt lên: “Chả lẽ từ nay, mình không còn gặp lại Sura của mình nữa à?”.

Trong tác phẩm văn xuôi của mình về Việt Nam, Blaga Dimitrova - nhà thơ Bulgaria nổi tiếng đã từng viết về thế  hệ trẻ Việt Nam lúc đó thế này: Họ đã mang tuổi thanh xuân của mình đi lấp những hố bom.

Còn sau “hiện tượng” nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc... các phương tiện truyền thông nước Mỹ đưa ra một nhận xét, không phải của họ, mà là của bộ máy chiến tranh nước Mỹ: những người lính Bắc Việt đi vào chiến trường, hầu như trong ba lô đều có một cuốn nhật ký.

Trong số những người lính trẻ Hà Nội ghi nhật ký, có rất nhiều, rất nhiều người đã từng hò reo chạy theo đội chiếu bóng lưu động về chiếu phim ở khu phố mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS