Những món quà còn mãi với thời gian

Trong dịp này, TP Hà Nội liên tục được đón nhận những món quà đặc từ mọi miền kính dâng lên Đại lễ 1000 năm. Mỗi món quà đều chứa chan tình yêu thiết tha, niềm tự hào vô bờ đối với Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước

Theo Ban tổ chức tiếp nhận tài liệu, hiện vật “Những tấm lòng với Thăng Long- Hà Nội”, dịp Đại lễ 1000 năm, Hà Nội được trao tặng khoảng 200 hiện vật quý. Tất cả đều là những món quà độc đáo, những công trình nghệ thuật được sáng tạo từ bàn tay, khối óc và đặc biệt hơn, từ niềm tự hào và tình yêu của các nghệ nhân đối với Thủ đô Hà Nội.

Từ xứ Quảng xa xôi, nghệ nhân Ngọc Minh, đã cùng 30 cộng sự làm việc miệt mài suốt 3 năm, chạm khắc 1000 con Rồng để ghép thành một bức tranh hình bản đồ Việt Nam (còn gọi là Thiên long Việt đồ) để kính dâng lên Đại lễ.

Nghệ nhân Ngọc Minh tâm sự, cuộc hành trình tìm kiếm 1000 con rồng để làm nên "Thiên Long Việt đồ" của ông xuất phát từ tấm lòng của một người con nước Việt, tự hào dòng giống Rồng - Tiên; ngưỡng vọng, tôn kính đối với bao thế hệ cha ông đổ máu xương xây dựng cơ đồ, đánh đuổi giặc thù, giữ yên bờ cõi. Nghìn con rồng hóa thân thành "Thiên Long" bay lên không chỉ biểu hiện giấc mơ của vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, mà sâu xa hơn, là nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay ý thức về niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Cũng xuất phát từ lòng tự hào về dòng giống Rồng Tiên, từ tình yêu thiết tha với Thủ đô Hà Nội, nhưng công trình nghệ thuật thư pháp với tên gọi “Chiếu dời đô” của nghệ nhân Nguyễn Thế Long, cùng cộng sự lại lấy cảm hứng từ “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thế Long, lấy mốc từ “Chiếu dời đô” là để khẳng định những giá trị vô giá của mảnh đất với bề dày văn hoá lịch sử 1000 năm. Nghệ nhân Nguyễn Thế Long chia sẻ, công trình nghệ thuật thư pháp “Chiếu dời đô” được hoàn thành dịp Đại lễ 1000 năm là để thể hiện tấm lòng tri ân của lớp lớp cháu con đối với tiên tổ. “Quốc gia có kỷ niệm 1000 năm trên thế giới là rất hiếm. Xuất phát từ ý nghĩa đó, ngay từ đầu năm 2000, chúng tôi đã có ý tưởng làm Chiếu dời đô. Sau 10 năm vận hành chúng tôi đã thành công và ra mắt công chúng. Công trình này có ý nghĩa mong rằng đất nước mình mãi mãi trường tồn và phát triển, khẳng định văn hiến Thăng Long-Hà Nội”- Nghệ nhân Nguyễn Thế Long tâm sự.

Còn tác phẩm “Con đường gốm sứ”, món quà của hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ lại tái hiện những nét đẹp văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh, dựng xây và phát triển đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Những vẻ đẹp riêng của Thủ đô ngàn năm tuổi đang hoà mình trong dòng chảy của thời đại mới… tất cả được tái hiện sống động và tinh tế trên “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”.

Với chiều dài gần 4 km, tổng diện tích gần 7.000 m2, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” - một món quà độc nhất vô nhị dành tặng Thủ đô đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới vinh danh là bức tranh ghép mảnh gốm sứ lớn nhất thế giới, mà theo đánh giá của bà Katherine Muller Marin- Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, đây là công trình nghệ thuật đặc biệt, một di sản cần lưu giữ đến mai sau.

“Những khai quật khảo cổ của Hoàng thành Thăng Long là nguồn cảm hứng khởi xướng dự án này. Đây là những mẫu hình trang trí kết hợp văn hoá nghệ thuật, lịch sử và di sản truyền tải các giá trị này một cách hấp dẫn, dễ hiểu, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và nhắc nhở chúng ta rằng di sản thuộc về nhân dân”- Họa sĩ Thu Thủy tâm sự.

Những món quà của các tỉnh, thành phố, các tổ chức và cá nhân tặng Hà Nội, kính dâng lên Đại lễ 1000 năm chứa chan một tình yêu thiết tha, niềm tự hào vô bờ đối với Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước; góp phần làm phong phú thêm bề dày văn hoá, lịch sử của mảnh đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: “Với phương châm Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội, thành phố Hà Nội rất vinh dự và trân trọng tấm lòng và những quà tặng của các tổ chức, cá nhân trên mọi miền của Tổ quốc đóng góp cho Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tất cả đơn vị, cá nhân bằng trí tuệ, tài hoa đã có những đóng góp tạo nên thành công cho Đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội”.

Những món quà vô giá, không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện biết bao tấm lòng thành kính tri ân đối với Tổ tiên; là tình cảm trân trọng và tự hào, cùng những ước nguyện sâu sắc về sự trường tồn của một Thủ đô cổ kính. Đó là những món quà sâu sắc, mà ý nghĩa và sẽ trường tồn cùng mảnh đất Kinh kỳ văn hiến 1000 năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên