Những tình cảm đặc biệt cho Hà Nội

Gắn bó với Hà Nội, không chỉ có những tấm lòng Việt Nam mà còn rất nhiều bạn bè nước ngoài. Họ đã đến, mến yêu và quyết tâm ở lại, sống, làm việc và cống hiến cho mảnh đất thân thương này.  

Mỗi người đều mang trong mình một câu chuyện rất riêng, cũng có những đóng góp khác nhau cho Hà Nội, nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung là mong muốn góp sức để thủ đô ngày càng đẹp hơn.

Dù không thể bắt đầu bằng âm nhạc, nhưng lời bài hát “Nhớ về Hà Nội” được in ngay đầu trang cuốn sách “Hồ Hoàn Kiếm - Truyền thuyết và những ngôi đền, chùa” đã để lại ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Cuốn sách là một trong 8 tác phẩm của Hội Những người bạn của di sản Việt Nam dành riêng giới thiệu về các danh lam thắng cảnh của Hà Nội đến những người bạn quốc tế muốn khám phá về thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam.

Đường phố Hà Nội lung linh trong dịp Đại lễ

Ngoài xuất bản sách, Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam tổ chức các hoạt động rất đa dạng như tổ chức triển lãm, chiếu phim, nói chuyện chuyên đề nhằm thông tin, nâng cao nhận thức và kêu gọi hỗ trợ cho việc bảo tồn các di sản quý giá của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Yêu Hà Nội từ những điều bình dị nhất

Theo Chủ tịch Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam - ông John Reilly, Hội được thành lập một cách tự nhiên để kết nối những người bạn nước ngoài yêu mảnh đất Hà Nội. Hội bắt đầu hoạt động từ một nhóm nhỏ với mục đích là giúp những người nước ngoài sống tại Hà Nội hiểu rõ hơn về Việt Nam, lịch sử lâu đời và nền văn hoá giàu có của đất nước. Hà Nội là một thành phố thực sự kỳ diệu, mà chúng tôi đến là yêu và muốn gắn bó mãi mãi.

“Tôi muốn nói: Tôi là người Hà Nội!” Đó là lời chia sẻ rất thật của Giê-ra Gát-xten, chủ quán cà phê Nghệ thuật - một địa chỉ nhỏ đã dần trở nên quen thuộc của giới nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế, của những người yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam như Ca Trù, Chèo. Cũng có thể bắt gặp trong quán cà phê nghệ thuật của ông một không gian Hà Nội từ cổ xưa đến hiện đại qua những bức tranh, tấm ảnh của các hoạ sỹ, nhiếp ảnh gia nước ngoài; hay qua những chiếc lọ gốm, các bức vẽ sơn mài truyền thống trưng bày bên trong quán cà phê. Có khi chỉ đơn thuần là bức vẽ chân dung một người con gái Hà Nội truyền thống, hay tấm hình chụp từ một ban công cao tầng nhìn xuống những con phố nhỏ, ngoằn nghèo trong khu Phố cổ, cũng có khi là ảnh chụp bức tường có in dòng chữ “Khoan cắt bê tông” kèm theo số điện thoại ...

Người đàn ông Pháp dù đã đứng tuổi này vẫn rất hào hứng chia sẻ về cái duyên đặt biệt của ông với Hà Nội: Vào ngày đầu tiên của tháng 10, cách đây 12 năm, tôi đã quyết định bước đột phá trong cuộc đời mình, rời bỏ công việc trong một ngân hàng khá nổi tiếng ở Paris để đến sống tại Hà Nội, mở quán cà phê nghệ thuật. Tôi yêu cuộc sống nơi đây từ những điều bình dị nhất, từ nụ cười, lời chào hỏi mọi người dành cho tôi mỗi buổi sáng khi tôi bước vào quán phở thân thuộc, yêu tiếng rao hàng của người bán bánh cuốn với chiếc thúng đội trên đầu, yêu hình ảnh những người phụ nữ chở những gánh hoa từ từ rong ruổi trên đường phố Hà Nội mỗi sớm cho kịp buổi chợ... Cuộc sống đầy tình người, đầy văn hoá ấy đã làm nên nét riêng biệt của Hà Nội, khó có thể tìm được ở những đô thị sầm uất khác trên thế giới”.

Hà Nội mang nét cổ kính và tràn ngập sức sống hiện đại

“Giá  như tôi có thể quay ngược thời gian, đến được Hà Nội sớm hơn” là tâm sự của ông Giăng Nô-en, nhà phân tâm học người Pháp khi nói về cảm nhận của mình về Hà Nội.

Không giống như những bạn trẻ nước ngoài bị cuốn hút bởi cuộc sống và con người Hà Nội ngay từ lúc đầu đặt chân tới nơi đây, nhưng ông Giăng Nô-en dành cho thủ đô Hà Nội những tình cảm sâu lắng đặc biệt. Hàng ngày, người dân khu chợ Hôm, phố Trần Xuân Soạn đã quen với hình ảnh một ông già người Pháp râu tóc bạc trắng cặm cụi đạp xe đạp chầm chậm đi về phố Đường Thành để làm công việc thường ngày mà đầy ý nghĩa như: Tư vấn, khám chữa bệnh tình nguyện cho trẻ em bị tự kỷ. Tuổi cao, lại không có nhiều mối quan hệ và bạn bè, đến Hà Nội với mục đích đơn thuần ban đầu là để làm việc, ông Giăng Nô-en gặp không ít khó khăn trong cuộc sống ở Hà Nội, từ việc đi thuê nhà cho đến những chuyện nhỏ nhặt như đi tìm mua chiếc khăn mùi xoa, mua đôi dây giầy ở đâu… Thế nhưng, nhịp sống và con người ở Hà Nội dần dần trở nên quen thuộc, khiến ông nhiều lần quay trở lại và đến nay khó có thể rời xa nơi này.

Hồ Gươm rạng rỡ ánh đèn

“Trong cuộc sống ở Hà Nội, tôi thường chỉ gặp người Việt thôi, ít gặp người Pháp lắm. Tôi đang học tiếng Việt để có thể trò chuyện, hiểu hơn những người mà tôi tiếp xúc, hiểu những người cha, người mẹ những người cần tôi hiểu thấu tâm trạng của họ khi họ cần sự tư vấn của tôi; cũng như để hoà mình tốt hơn vào cuộc sống nơi đây. Tôi yêu Hà Nội vì đây là một thành phố vừa mang những nét cổ kính nguyên thủy vừa tràn ngập sức sống hiện đại. Tôi thích ngắm Hà nội vào ban đêm, khi đã thưa xe cộ qua lại. Tôi cũng thích ngắm Hà nội những buổi sớm, mọi người đủ mọi lứa tuổi, già trẻ, gái trai, vội vã ăn phở trước khi đi học, đi làm”. Ông Giăng Nô-en tâm sự.

“Tôi sẽ ở lại Hà nội cho tới khi nào tôi còn đam mê làm việc ở đây”, câu trả lời của ông Giăng Nô-en với giọng nói đầy hào hứng như vẫn muốn kể thêm về công việc của ông, theo cảm nhận của tôi, như một lời hứa hẹn. Hứa hẹn ông sẽ còn gắn bó lâu dài với nơi đây cho tới khi nào còn có thể đóng góp chút gì đó.

Anh thường lái xe vòng quanh ven hồ này

Anh thường đi vào thứ Bảy hàng tuần cùng em

Từ Nhật Bản cho đến Hàn Quốc, nơi ta ngồi viết lời yêu...

Và ta sẽ nhảy điệu Hà Nội Boogie

Ta sẽ uống trà chanh, rồi đi ngắm Tháp Rùa…

Chúng ta đang nghe bài hát “Hà Nội Boogie” (tạm dịch là “Nhún nhảy cùng Hà Nội”) với lời ca vui nhộn, một sáng tác đặc biệt của Joe Cruelle - anh chàng người Canada nổi tiếng trong giới trẻ ở Hà Nội. Những bài viết về Hà nội bằng tiếng Việt rất rõ và phong cách trẻ trung trên blog của Joe Cruelle đã khiến nhiều người đặt cho anh biệt danh “anh Tây nói tiếng Việt hay kinh điển”.

Kể chuyện sáng tác bài Hà Nội Boogie, Joe Cruelle cho biết: “Khi sáng tác bài hát, tôi đặt ra 2 tiêu chuẩn. Thứ nhất, bài hát phải vui, nghe là muốn nhảy, hoặc nói đúng hơn là muốn nhún. Boogie là kiểu nhún nhảy tự do của Mỹ xưa. Điều mà nhiều người nước ngoài yêu nhất về thành phố cũng như con người Hà Nội là sự tự nhiên, đầy ngẫu hứng. Thứ hai, bài hát phải có nhiều danh từ riêng, thể hiện sự yêu mến đặc biệt dành riêng cho Hà Nội. Vì vậy, tôi đã cố gắng cho nhiều danh từ riêng vốn đã quen thuộc trong giới trẻ vào để tạo ấn tượng như - đường Hàn Quốc, Bến Nhật Bản, Trường Ams, Phố cổ, Tháp Rùa, Công viên Lenin, Honda Wave…

Tôi cũng đã thêm một số hình ảnh không phải “rất Hà Nội” nhưng cũng gợi lên cuộc sống bình dị và yên bình nơi đây lại hợp với giai điệu bài hát như: soda chanh, kem socola…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên