Phố Hàng Đào

Ai đến Hà Nội cũng phải qua Hàng Đào mới thấy là không thiếu cái gì. Phố có đủ thứ hàng, lấp lánh như kim cương, chóe sáng như vàng, ấm áp như len dạ…  

Nếu phố Thợ Nhuộm từng có nghề nhuộm nhiều màu khác nhau thì phố Hàng Đào chuyên nhuộm màu sáng, màu đẹp, chủ yếu màu đỏ, màu đào, trên các loại tơ lụa, gấm, vóc… Hàng Đào cũng là cái chợ chính buôn bán hàng tơ lụa, người mua là dân sở tại, người bán là các làng La của tỉnh Đơ, Hà Đông ra, các ngày phiên chợ: một và sáu hàng tháng.

Đây nguyên là đất các phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Thời ấy có cụ Miền Đại Lợi mở trường dạy học. Thời Lê, đây có hồ Thái Cực, thông sang Hồ Lục Thủy (Hồ Gươm về sau).

Phố còn nhiều di tích, đình chùa, nhưng nay đều bị dịch vào phía trong hoặc lên gác, còn mặt đường thành cửa hàng. Đất ở đây đắt hơn vàng, có những quầy hàng chỉ có cái tủ, vài chục phân mét, vẫn có thể sống đàng hoàng, vì đây là một trong những phố buôn bán điển hình của Hà Nội từ xưa tới nay. Ai đến Hà Nội cũng phải qua Hàng Đào mới thấy là không thiếu cái gì. Phố có đủ thứ hàng, lấp lánh như kim cương, chóe sáng như vàng, bính bong như đồng hồ, ấm áp như len dạ… Đầu thế kỷ, có nhiều Ấn kiều buôn bán len dạ.

“Nông dân Hàng Đào” là cụm thành ngữ để chỉ người Hàng Đào gốc. Con gái Hàng Đào là loại sang, vừa đẹp vừa giầu và cũng không kém phần kênh kiệu, kiêu ngạo một thời. Đám cưới Hàng Đào thì cầu kỳ bậc nhất Hà Nội, chỉ Hàng Đào mới sánh nổi.

Số 10 từng là trụ sở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, một trường tự do một số sĩ phu yêu nước mở ra để nâng cao dân trí, dạy cho người nghèo không lấy học phí, có các môn sử ký, địa dư, cách trí… để xóa bỏ thứ học từ chương vô bổ trước kia. Trường sớm bị chính quyền Pháp đóng cửa, có thầy giáo bị bắt, bị tù đầy.

 

Phố Hàng Đào xưa

Đường tàu điện ở đây đã được bỏ đi, đường có rộng ra chút ít. Tuy vậy, thành phố và đời sống phát triển, nên phố lúc nào cũng đông đúc, tấp nập, toàn chuyện bán mua, chen vai thích cánh, kể cả khách du lịch nước ngoài, “Tây bụi” cũng mua bán không kém.

Phố mới có một hàng cây xanh mà hàng trăm năm trước không có. Đó là cây dây da xoan, thứ cây dễ trồng, lên nhanh, mùa xuân có hoa trắng thơm dìu dịu vị chua, quả chín có thể làm quà cho trẻ nhỏ, màu đỏ, hơi nhăn nheo như cái mặt chú khỉ con. Hoa dâu da đôi lúc cho người qua phố cảm tưởng như lùi lại thời gian, gần gũi với những mảnh vườn quê, có cây, có lá, có hoa, có quả, vợi đi chút ít chuyện đua chen thành thị. Cũng hay.

Lớp người gốc của phường Đại Lợi, Đồng Lạc chắc không còn bao nhiêu, Hàng Đào ngày nay đã chứa đựng người của nhiều phương khác đến mua bán làm ăn. Phố cổ cũng không còn giữ được khuôn mặt của mình. Không hiểu nên mừng hay nên lo?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS