Tâm sự của chủ nhân bức tranh thêu lớn nhất Việt Nam

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, làng thêu Văn Lâm, Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình sẽ giới thiệu với nhân dân cả nước một bức tranh thêu tay kỷ lục có một không ai. Điều đặc biệt, ý tưởng làm bức tranh thêu này xuất phát từ hai bạn trẻ mới chỉ tròn 26 tuổi

>>Bức tranh thêu kỷ lục cho đại lễ 1.000 năm

Chủ nhân của bức tranh thêu tay lớn mang tên Cội Xưa được giới thiệu tại Thủ đô Hà Nội cuối tháng 8 này là Phạm Thị Hoài, Đinh Trung Kiên (cả hai sinh năm 1984). Hai bạn trẻ đều là người con của đất Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)

Khẳng định sức trẻ

Mấy ngày nay, Phạm Thị Hoài và Đinh Trung Kiên đang tất tả lo thủ tục trưng bày để chuẩn bị giới thiệu bức tranh thêu lớn nhất Việt Nam đến công chúng Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Phải mất khá nhiều thời gian, tôi mới tranh thủ được chút thời gian rỗi của Hoài và Kiên, để được nghe về hành trình thực hiện ý tưởng táo bạo này.

Phạm Thị Hoài bắt đầu câu chuyện bằng những ấp ủ, hoài niệm của một sinh viên Khoa Mỹ thuật (thuộc trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) 3 năm trước.

Bức tranh thêu tay Cội xưa - sẽ được giới thiệu với công chúng thủ đô vào cuối tháng 8 này

Tốt nghiệp đại học, Hoài về quê hương Ninh Bình để làm thiết kế cho một công ty sản xuất tranh thêu. Thời gian làm việc giúp Hoài có nhiều kinh nghiệm cũng như những suy tư. Là người con Cố đô Hoa Lư, lại đang sống ở một vùng quê có làng thêu Văn Lâm với truyền thống hơn 800 năm. Nhưng trong sự xô bồ của đời sống thị trường, làng thêu đang dần mai một, những “tay kim” của làng đang bị bào mòn dần bởi miếng cơm manh áo hằng ngày.

Thực tế đó khiến Hoài trăn trở và cô khát khao có thể làm được một điều gì đó giúp làng nghề khôi phục lại như xưa. Nỗi băn khoăn đã hình thành trong cô ý tưởng về việc làm bức tranh thêu lớn do chính những người dân làng thêu Văn Lâm làm nên. Cũng là nhằm mục đích hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đem ý tưởng ấy tâm sự với người bạn học thời niên thiếu là Đinh Trung Kiên, Hoài đã khiến người bạn ấy bất ngờ vì ý nghĩ táo bạo của mình. Tuy nhiên, sự quyết tâm của cô gái nhỏ bé này đã thôi thúc Kiên cùng góp tay vào thực hiện bức tranh.

Bỏ dở công việc đang ổn định ở Hà Nội, Kiên cùng Hoài bắt đầu thực hiện cuộc vận động làm tranh. Khởi đầu ý tưởng của Kiên và Hoài đã gặp nhiều trở ngại khi chính những công ty kinh doanh thêu ở Ninh Bình từ chối hợp tác vì họ cho rằng đấy là một ý nghĩ chỉ có trong trí tưởng tượng, nhất là ý nghĩ ấy xuất phát từ hai người còn quá trẻ. Tuy nhiên, chính sự động viên, mong mỏi của những con người làng nghề Văn Lâm và sự khát khao khẳng định của tuổi trẻ đã giúp hai bạn tiếp tục hành trình của mình.

Ngoài việc tự lo liệu kinh phí để có thể mua nguyên liệu, Kiên và Hoài tự mày mò nghiên cứu nội dung cho bức tranh thêu. Sau nhiều băn khoăn lựa chọn, hai bạn quyết định chọn nội dung bức tranh thêu đậm màu sắc dân gian thông qua việc lột tả thiên nhiên của Cố đô, những nơi ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử của 1.000 năm trước.

Khó nhất trong việc hình thành nên một bức tranh lớn là khung làm tranh. Vì bức tranh dài hơn 31m. Tuy nhiên, chính nhờ kỹ thuật thêu tua ren đặc trưng có một không hai của làng thêu Văn Lâm, bức tranh được ghép lại một cách công phu.

Hòa vào sự nhiệt huyết của Hoài và Kiên, hơn 100 tay thợ lành nghề của làng thêu Văn Lâm đã ngày đêm thay nhau đưa những cây kim, mũi chỉ tạo nên dáng dấp của một bức tranh thêu bằng tay khổng lồ. Sau hơn 1 năm miệt mài (công việc chính thức được làm vào tháng 3/2009 và đến tháng 7/2010 đã hoàn thành cơ bản) bức tranh thêu chỉ có trong trí tưởng tượng ấy đã hiện ra một cách hiện hữu và mang tên “Cội Xưa”.

Để hợp thức hóa công việc của mình, tháng 6/2010, Hoài và Kiên thành lập Công ty Thủ công mỹ nghệ - xuất nhập khẩu Cội Xưa. Đồng thời, ngày 5/6, bức tranh Cội Xưa chính thức được công bố. Ý tưởng của Kiên và Hoài đã được Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đánh giá cao cũng như góp ý thêm nhiều chi tiết cơ bản để bức tranh hoàn thiện.

“Vui nhất là hôm giới thiệu bức tranh ngày 30/7, bác Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm và xúc động khen: “Hai đứa làm việc âm thầm quá”, Kiên nhớ lại.

Thông điệp với quê hương

Từ ý tưởng ban đầu, cho đến việc thực hiện và hoàn thành bức tranh tính ra đã hơn 3 năm. “Giờ nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy rùng mình. Nhiều lúc tưởng đã phải bỏ cuộc”, Hoài nhớ lại.

Nụ cười chiến thắng của Phạm Thị Hoài và Đinh Trung Kiên

Nhiều hôm, nhìn vào đống nguyên liệu chưa thành hình, Hoài đã bật khóc, không biết ý tưởng có phải chỉ là trí tưởng tượng thôi không.

Tuy nhiên giờ đây, Hoài và Kiên có thể thở phào khi sản phẩm thai nghén hơn 3 năm đã hình thành. Bức tranh được kết tinh từ những chất liệu trong nước và hội tụ tinh hoa, phẩm chất nghệ thuật của người con làng thêu Văn Lâm.

Hoài tiết lộ thêm, bức tranh “Cội xưa” không thiên về tả thực mà thiên về tranh dân gian, những phương pháp thêu truyền thống. Tư tưởng chủ đạo của bức tranh là gợi về một thời hào hùng của dân tộc.

Khi hoàn thành và giới thiệu bức tranh, Hoài và Kiên đã nhận được gợi ý về việc tham gia vào Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Guinness. Tuy nhiên, hai bạn đã từ chối. Kiên giải thích: “Đối với chúng tôi, kỷ lục giá trị nhất là bức tranh được lưu giữ mãi trong ký ức của người xem”.

Nói về thành công của mình, Hoài và Kiên cho biết, sự thành công của bức tranh để chứng minh được, tuổi trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bất cứ điều gì nếu có ý tưởng và sự táo bạo. Trong việc hoàn thành bức tranh, Kiên và Hoài đã gặp khá nhiều trở ngại, tuy nhiên chính đấy cũng là đòn bẩy để hai bạn đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, Kiên cho biết, ngoài việc khẳng định mình, thông qua bức tranh, hai bạn trẻ muốn gửi tới một thông điệp của tình cảm người con Cố đô hướng về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Cũng qua bức tranh này, Hoài và Kiên còn mong muốn giới thiệu đến người dân cả nước về nghệ thuật tranh thêu của làng thêu Văn Lâm với truyền thống hơn 800 năm. Cũng như với thành công của bức tranh, hai người bạn trẻ muốn khơi gợi lại truyền thống lâu đời của làng nghề. Kiên cho biết: “Văn Lâm là làng thêu có truyền thống lâu đời nhưng nghề thêu truyền thống nơi đây đang ngày mai một. Qua việc thực hiện bức tranh thêu lớn này, chúng tôi muốn đánh thức lại những giá trị truyền thống lâu đời mà chỉ có ở nơi đây”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên