Thăng Long Võ đạo đất kinh kỳ

Nói đến võ thuật cổ truyền Việt Nam không thể không nhắc tới "Thăng Long võ đạo" - một môn phái võ mang trong mình tinh thần yêu nước và thượng võ của đất kinh kỳ, được mệnh danh là “Thăng Long đệ nhất kiếm pháp”.  

Nguồn gốc của môn phái

Theo bác sĩ, võ sư Nguyễn Văn Thắng thì người sáng lập ra Thăng Long võ đạo là cố võ sư Nguyễn Văn Nhân. Ông là người thụ giáo môn Thiếu lâm gia truyền từ người ông nội (quan Thống binh của triều đình) và võ cổ truyền từ ông ngoại - cụ Cử Tốn. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Văn Nhân là một thầy võ nổi tiếng vùng Lương Yên (Hà Nội). Năm 1944, ông tham gia cách mạng, gia nhập Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Tháng 8/1945, ông vào bộ đội phụ trách đại đội quân báo của Trung đoàn 41 ở Liên khu 3. Khi Bác Hồ phát động Tuần lễ vàng, anh bộ đội 25 tuổi này đã biểu diễn những công năng đặc dị để quyên tiền giúp đồng bào. Trong hai cuộc kháng chiến, võ sư Văn Nhân làm công tác huấn luyện cho các đơn vị đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ. Ông cũng vinh dự được làm công tác bảo vệ một số vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước.

Nước nhà thống nhất, do yêu cầu chung và phong trào phát triển của võ học nước nhà, võ sư Nguyễn Văn Nhân đã tinh lọc và đúc kết nên một phương pháp rèn luyện võ thuật phù hợp với tính cách và thể tạng người Việt. Phương pháp đó dựa trên vốn liếng căn bản là tinh hoa võ thuật của dòng tộc cùng kinh nghiệm hàng chục năm ròng chiến đấu và huấn luyện võ thuật trong quân đội cũng như tiếp cận võ thuật hiện đại. Ông đã lấy tên Hà Nội cổ xưa để đặt tên cho môn phái của mình, đó là Thăng Long võ đạo.

“Thăng Long đệ nhất kiếm pháp”

Thăng Long võ đạo lấy Nhu - Hoà - Nhân - Trí làm gốc; dùng kỹ thuật, tốc độ, sự mềm mại linh diệu để khắc chế đòn của đối phương với thân pháp biến hoá mau lẹ để đánh trả đối phương. Với sức bền của khí lực, sức mạnh của ngạnh công và khổ luyện công cơ bản, cùng với sự khắc chế phản biến hợp lý tạo nên bản sắc của hệ thống đòn thế như: “Triệt diện quyền”, “Âm dương triệt quyền” và “Đoạt mệnh quyền”…

Các bài bản được hệ thống hoá trên cơ sở khoa học có tính đến những kiến thức y, lý. Thăng Long võ đạo lấy Thiên Long bát bộ làm bộ pháp, Yêu tự xà hành làm thân pháp, Thôi sơn quyền làm thủ pháp, Thuật cường thân được áp dụng để luyện nội lực. Trong thập bát ban binh khí, kiếm pháp của Thăng Long võ đạo là lợi hại nhất, không hổ danh là “Thăng Long đệ nhất kiếm pháp”. Ngoài quyền cước, môn sinh của Thăng Long võ đạo còn được truyền dạy và luyện tập tinh thông thập bát ban võ nghệ và các loại binh khí đặc dị của môn phái. Bên cạnh những bài quyền mang tính đối kháng cao, trong chương trình huấn luyện của Thăng Long võ đạo còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và các phương pháp khí công nhập định nhằm tu dưỡng nhân cách.

 Võ sư Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thăng Long võ đạo suy tôn vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn làm Thánh tổ và lấy ngày 20/8 (âm lịch) làm ngày giỗ Thánh tổ. Và để ghi nhớ công ơn của người đã sáng lập ra môn phái, lấy ngày mất của võ sư Nguyễn Văn Nhân - ngày 23/12 làm ngày giỗ tổ môn phái. Đồng thời lấy ngày 10/10 - ngày giải phóng Thủ đô làm ngày kỷ niệm truyền thống môn phái hàng năm. Hiện, Thăng Long võ đạo có hàng nghìn môn sinh với nhiều võ đường và câu lạc bộ. Mới đây, môn phái đã mở một võ đường võ thuật khí công Thăng Long võ đạo tại Pháp. Thời gian tới, sẽ mở rộng ra Thụy Sĩ, CHLB Đức, Ukraine…

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, với thành tích đoạt gần 100 huy chương tại  các kỳ đại hội, hội diễn và các kỳ thi đấu võ thuật cổ truyền trong nước và quốc tế. Thăng Long võ đạo đã ngày một ổn định và phát triển, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn những tinh hoa võ thuật dân tộc. Cùng cả nước hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thông điệp chung của Thăng Long võ đạo là: “Hãy vì Hà Nội thân yêu, hãy vì Việt Nam hùng cường”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS