Thêm một món quà mừng Đại lễ

Nếu những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành tư liệu “Ký ức Thế giới” thì đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

“Mộc bản Triều Nguyễn” đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đến nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám gửi đến UNESCO để được công nhận là tư liệu “Ký ức Thế giới”.

Vẫn còn nguyên giá trị

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích lịch sử - văn hoá đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Miếu thờ Khổng Tử và Trường đại học đầu tiên của Việt Nam) được thành lập từ cuối thế kỷ 11. Với bề dày 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc nên bao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống trọng hiền tài của dân tộc; ngày nay là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, một trong những trung tâm hoạt động văn hoá khoa học lớn của Thủ đô.

Những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

82 tấm bia tiến sĩ hiện đặt trong Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hoá vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Đây là những tấm bia đá ghi lại lịch sử của các khoa thi tiến sĩ của Việt Nam có niên đại kéo dài trong khoảng 300 năm có nhiều giá trị lịch sử, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, trên mỗi tấm bia đều có các bài văn do những nhà văn nổi tiếng nhất của vương triều soạn, thể hiện mục đích cơ bản cũng như quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam về giáo dục. Những triết lý cơ bản về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hoá, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại… đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, 82 bia đá càng được toàn dân trân trọng và tôn vinh. Đất nước ta đang tiến mạnh trong hoàn cảnh mới của dân tộc và thời đại. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu. Văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp chung của đất nước. Những bài văn bia tại Văn Miếu sẽ mãi mãi là bài học quí giá và nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay và mai sau”.

Nỗ lực hoàn thành hồ sơ trình UNESCO

Dự thảo hồ sơ “Bia đá các khoa thi tiến sĩ (1442 - 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, đăng ký là di sản tư liệu, chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được Sở VH -TT&DL Hà Nội tích cực chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Nhà sử học Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Chúng tôi đã căn cứ vào tiêu chí của ban điều phối của chương trình, bám sát các tiêu chí để xây dựng nội dung hồ sơ. Chúng tôi chú ý những tiêu chí về tính xác thực, tính độc đáo, tính duy nhất và tính con người để đưa vào nội dung của hồ sơ”.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, người đã từng “bảo vệ thử” thành công hồ sơ về hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại hội nghị của UNESCO tại Hàn Quốc mới đây, tin tưởng: Chúng ta có nhiều phần “chắc thắng”. Trung Quốc cũng đã được công nhận Di sản tư liệu “Bảng vàng tiến sĩ”, nhưng “Bảng vàng tiến sĩ” của Trung Quốc được ghi trên chất liệu vải và chỉ ghi tên các tiến sĩ. Còn bia Tiến sĩ của Việt Nam được đục trên đá, không những kể được tên của những người đỗ đạt trong các kỳ thi, mà còn mô tả khoa thi diễn ra như thế nào, trong bối cảnh lịch sử ra sao, có những bài văn nói về quan điểm giáo dục, thậm chí còn có cả tên của người thợ thực hiện việc đục đẽo để tạo tác nên tấm bia…

UNESCO yêu cầu hồ sơ chỉ trong khoảng 30-50 trang, nhưng phải làm bật lên các giá trị nổi bật nhất của di sản. Thành công của “Mộc bản Triều Nguyễn” vừa được UNESCO vinh danh là tài liệu di sản thế giới cho chúng ta niềm tin và kinh nghiệm hoàn chỉnh hồ sơ tiếp theo này.

TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho rằng, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đáp ứng đủ 5 tiêu chí của UNESCO, nhưng trong hồ sơ, chúng ta cần làm rõ những tiêu chí nổi bật nhất như: tính giao lưu quốc tế văn hoá; tính tư liệu về giáo dục, nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, văn hoá; tư liệu về hình thức tôn vinh danh nhân độc đáo...

Dự kiến Hồ sơ những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được gửi đến UNESCO trước tháng 9 năm nay. Và kết quả sẽ được tuyên bố tại Ma Cao (Trung Quốc) vào tháng 3/2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên