Tiếng Hà Nội

Có một thứ thật đặc biệt mà mỗi người Hà Nội khi đi xa khó có thể nào quên. Nó không hiển hiện để nhìn được, ngắm được như Văn Miếu, Tháp Rùa, như tranh Hàng Trống hay cầm nắm được như Lụa Vạn Phúc, Đồng Ngũ Xã, nó cứ vương vất trong tâm khảm khi nhớ về Thủ đô.

Cái tinh khiết, nhẹ nhàng, cái bình yên mà quyến rũ, cứ thanh thản đi vào lòng người ta, để rồi ai đã một lần đến Thủ đô sẽ chẳng bao giờ quên. Và người đã được sinh ra và lớn lên ở đất Hà Thành, dù có đi xa muôn dặm vẫn không thể nào đánh mất. Đó là tiếng Hà Nội, thứ tiếng Thủ đô chỉ có những người con Hà Thành mới có.

Hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội với tiếng nói dịu dàng đã đi vào văn thơ

Tiếng Hà Nội - Vốn quý của Thủ đô

Hà Nội vẫn luôn được nhắc đến với những tinh hoa, tinh túy đặc sắc, và tiếng Hà Nội là một vốn quý không thể thiếu trong kho tàng văn hóa nghìn năm. Quý bởi nếu không có tiếng Hà Nội, không biết hàng ngàn câu văn, bài thơ tinh túy sẽ được thể hiện ra sao; quý bởi không có giọng, có tiếng Hà Nội thì văn hóa ứng xử của người dân nơi đây khó có thể trọn vẹn để đạt đến độ tinh tế; và quý bởi tiếng Hà Nội là thứ tiếng Thủ đô, thứ tiếng, thứ giọng không đâu có. Đặc biệt nữa, chỉ có tiếng Hà Nội mới có thể đại diện cho tiếng nói của cả dải đất hình chữ S, đại diện cho nền văn hiến 4.000 năm dựng nước, giữ nước.

Không phải ai cũng biết thế nào là tiếng Hà Nội, kể cả những người đã sống rất lâu ở Thủ đô. Nhà ngôn ngữ Nguyễn Văn Khang khẳng định, nếu nói một cách thông thường, giản dị nhất thì tiếng Hà Nội là tiếng của người Hà Nội. Nhưng thế nào là người Hà Nội, ai là người Hà Nội, lại là những băn khoăn tiếp nối. Ví dụ như chúng ta sẽ lấy hộ khẩu làm căn cứ, hay là người Hà Nội cư trú bao nhiêu năm thì mới là người Hà Nội. Rồi vấn đề hôn nhân giữa người Hà Nội với người không thuộc Hà Nội. Những tương tác trong giao tiếp gia đình của họ sẽ tạo ra một thứ tiếng có thể làm thay đổi diện mạo tiếng Hà Nội.

Nói như thế không có nghĩa là không thể cắt nghĩa được tiếng Hà Nội. Về mặt địa lý, Hà Nội là một vùng đất, một địa phương như bao nhiêu vùng khác trên dải đất hình chữ S. Tiếng Hà Nội do vậy cũng là một phương ngữ của tiếng Việt. Nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng, tiếng Hà Nội là một “phương ngữ đặc biệt” hay “siêu phương ngữ” bởi tính đa dạng, tổng hoà của nó.

Nói đến tiếng Hà Nội là nói đến thứ tiếng gần nhất với ngôn ngữ chung, tức là tiếng Việt toàn dân, là cầu nối giữa phương ngữ với ngôn ngữ văn học. Khi trở thành Thủ đô, tiếng Hà Nội còn khoác thêm trên mình chiếc áo phương ngữ thành thị. Mang đặc trưng của thứ ngôn ngữ thành thị - ngôn ngữ Thủ đô, tiếng Hà Nội trở thành loại ngôn ngữ quyền uy, có sức lan tỏa rất mạnh, cả về văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội, ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều vùng phương ngữ khác. Và tiếng Hà Nội đã được chọn làm ngôn ngữ giao tiếp chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phát thanh và truyền hình.

Người ta nói quả không sai, tùy phong thổ, tùy nước uống mà từng miền đất có giọng nói khác nhau. Theo lịch sử ghi lại, kinh thành Hà Nội thuở ban đầu nằm gọn trong “vòng tay” bao bọc của 3 con sông, phía Đông là sông Hồng, phía Bắc là sông Tô Lịch và phía Nam là sông Kim Ngưu. Đây là lũy thành tự nhiên bảo vệ Thăng Long từ thời vua Lý Thái Tổ dời đô, để sau này, vùng đất được đặt tên là Hà Nội, với hàm nghĩa là trong sông. “Ăn nước sông đâu thì nói tiếng đó”, chả thế mà theo lời kể của bà Nguyễn Thị Khương trong câu chuyện về tiếng Hà Nội, làng Khương Thượng nhà bà, ngoại ô Hà Nội trước kia chỉ cách làng Mễ Trì có một cánh đồng, một con sông mà giọng đã khác lắm rồi.

Cũng vì thế nên người ta mới nói, trong giọng người Quảng Trị có mùi sông Thạch Hãn, trong chất giọng người Huế lại có cái ngọt của sông Hương, còn người miền Nam thì ập ào tiếng sóng sông Sài Gòn trong chất giọng. Còn với tiếng Hà Nội, trong tiến trình đô thị hóa, người dân từ các địa phương, các tỉnh khác sống ở Thủ đô còn nhiều hơn dân Thủ đô. Nhưng tiếng Hà Nội gốc vẫn được tìm thấy đâu đó, xen kẽ trong khu vực 36 phố phường xưa kia.

Tiếng Hà Nội - Lịch sử và phát triển

Ngược dòng thời gian tìm về tiếng Hà Nội xưa. Đã có rất nhiều cách phân chia khác nhau về các giai đoạn phát triển của tiếng Hà Nội, nhưng phổ biến nhất là gắn theo từng dấu mốc lịch sử của Thủ đô. Theo cách này, có người đã chia dòng phát triển tiếng Hà Nội ra làm bốn giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ sự kiện vua Lý Công Uẩn dời đô về Đại La năm 1010, đặt tên kinh thành mới là Thăng Long. Lúc này, tiếng Hà Nội nói riêng, tiếng Việt nói chung bị ảnh hưởng rất nhiều từ chữ Hán. Giai đoạn thứ hai tính từ năm 1873 - 1954, từ khi quân đội Pháp xâm chiếm Hà Nội. Giai đoạn này, tiếng Hà Nội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chính sách “Pháp hóa”. Giai đoạn thứ ba từ năm 1954 - 1975, nhiều từ ngữ giai đoạn trước đã bị mất đi và thay thế. Đến năm 1975, tiếng Hà Nội bắt đầu phát triển dần thành tiếng Hà Nội ngày nay, rất mở và hiện đại. Nhưng chính sự du nhập ngôn ngữ Tây phương và những biến thể ngôn ngữ mới đã khiến tiếng Hà Nội gốc cứ mờ dần và nhạt đi, khiến người ta thật khó khăn để nhận rõ, đâu là tiếng Hà Nội.

Vậy đâu là căn cứ để minh chứng rằng, đây là tiếng Thủ đô, là tiếng Hà Nội gốc trong lúc tiếng Hà Nội đang mất dần đi như thế. Nhà ngôn ngữ Nguyễn Văn Khang cho biết, qua thực tế, tiếng Hà Nội không phân biệt: “ch - tr”, “r - d”, nhưng tiếng Hà Nội phân biệt 6 thanh rõ ràng. Các âm cuối: “ng, nh” như: “mình, láng”… phát âm rõ.

Tiếng Hà Nội rất hay và đặc sắc. Du khách thập phương đến Thủ đô, tiếp xúc với người Hà Nội đều có lời khen rằng, cùng với vẻ đẹp ngoại hình, giọng nói người dân nơi đây quả tình vô cùng quyến rũ. Bạn Ngọc An đến từ TP Vinh nhận xét: Người Hà Nội nói chung rất nhẹ nhàng, còn con gái Hà Nội, nói tiếng Hà Nội rất dễ thương, đáng yêu và thục nữ. Đặc biệt giọng con gái rất trầm bổng, nói năng lưu loát. Cũng có lúc đôi co, nhưng cho dù là lên giọng nhưng tiếng Hà Nội vẫn nghe rất dễ thương.

Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô, là nơi giao lưu, thông thương và hội tụ văn hóa. Đây cũng là nơi chung đúc tiếng nói của bốn phương, rồi qua sàng lọc tự nhiên đã lắng đọng những gì tinh tuý nhất, tiêu biểu nhất và hợp lý nhất. Đất Thăng Long lạ kỳ là như vậy. Bất kỳ thứ gì, đến đây từ bất kể đâu, đều được vùng đất này đón nhận, hun đúc, mài giũa rồi thành bản sắc của riêng mình. Tiếng nói Hà Nội cũng như thế. Bởi Hà Nội là do dân tứ phương lập lên và dân Hà Nội là dân tứ chiếng. Như nhà văn Tô Hoài nói, thì chẳng có ai sống ở Hà Nội được đến mười đời, tiếng Hà Nội chính là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên.

Tiếng Hà Nội và con gái Thủ đô

Tiếng Hà Nội là vậy, cứ như chiếc áo dài trắng tinh khôi của những cô nữ sinh Đồng Khánh - Trưng Vương, vừa trong veo, vừa thanh thoát lại vô cùng ý nhị, tinh tế. Người ta chả nói, Hà Nội nổi tiếng là thanh lịch, còn con gái Hà Nội dường như lại là sự chắt lọc những gì tinh tuý nhất. Có một người rất yêu con gái Hà Nội đã kể về con gái Hà Nội thế này: “Ấy là cô gái có nụ cười nửa miệng, chút duyên thầm pha chút kiêu kì cuốn hút lạ thường. Ấy là cô gái với chất giọng chuẩn mực, cao thanh mà vang, vừa nói vừa nhấn nhá từng âm điệu một cách chậm rãi, làm người ta vừa nghe lại dường muốn nghe tiếp, và cứ càng nghe lại càng yêu nhiều hơn nữa…”. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà cứ nói đến tiếng Hà Nội, tiếng Thủ đô là người ta nhớ ngay đến con gái Hà Nội. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã phải thốt lên thế này:

Em Hà Nội Hàng Đường trong giọng nói

Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ

Giọng con gái Hà Nội chưa chắc đã ngọt bằng giọng con gái Huế, con gái Hà Nội cũng không được ví trong câu “Chè Thái - gái Tuyên”, và con gái Hà Nội hình như không năng động bằng con gái Sài Gòn, thế mà con gái Hà Nội vẫn nhiều người yêu thế, giọng con gái Hà Nội vẫn cứ đau đáu với những người đi xa Thủ đô đến thế. Người Hà Nội nói chung, con gái Hà Nội nói riêng, đẹp nhờ có lối ứng xử tinh tế, nhờ có lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, khéo léo. Lời nói của người Hà Nội thường luôn rõ ràng về ý tứ, tôn trọng người đối thoại. Người Hà Nội còn đặc biệt không ưa cách nói cộc lốc và thô lỗ.

Cứ thử la cà một buổi chiều trên những con phố Hàng, quan sát những cụ bà tóc bạc cặp vấn gọn gàng, áo quần giản dị nhưng sạch sẽ, thơm tho; nói đôi câu chuyện với họ, bạn sẽ cảm nhận được ngay. Bước ra từ con ngõ hun hút đặc trưng phố cổ trên phố Hàng Bạc, bà Phạm Mai Nguyệt, đã ngoài 70 mà khuôn trăng vẫn đầy đặn. Nét hồng hào, rạng rỡ hiển hiện với vầng trán cao, con mắt sáng của những người có học. Thấy người lạ hỏi chuyện, bà đáp lại lịch sự kèm theo ánh nhìn quan sát khéo léo.

Qua dăm câu hỏi han, hợp người, hợp chuyện, bà mới mở lòng kể chuyện ngày xưa, về cách dạy dỗ con cái trong nhà lời ăn tiếng nói, cư xử ra sao. Bà Nguyệt tâm sự, nhà bà theo Đạo Phật, Nho giáo là chính. Bà cứ tâm niệm: Tiên học lễ, hậu mới là học văn để dạy các con. Về ứng xử giao tiếp, bà cho biết, riêng với người Hà Nội, khách vào là phải mời vào trước, vào nhà ngồi vào bàn ghế mới được nói chuyện, chứ không được suồng sã, bạ đâu, gặp đâu nói đấy. Rồi ngày xưa đi học mặc áo dài, trước khi ra đường phải nhìn gương cho ngay ngắn, thẳng thắn mới được ra phố.       

Như thế, đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, giọng nói Hà Nội đã trở thành cửa sổ tâm hồn của người Thủ đô, rất mực thanh lịch, tinh tế và chân thành.

Gìn giữ tiếng Hà Nội cho mai sau

Tiếng Hà Nội đẹp là vậy, hay là vậy, nhưng có người đã phải thốt lên rằng, tiếng Hà Nội còn ít quá, hiếm quá. Hiếm bởi người Hà Nội gốc giờ không còn sống nhiều ở Hà Nội, hiếm bởi sự truyền dạy trong từng gia đình theo thời gian bị ngắt quãng, gián đoạn. Còn tiếng Hà Nội bây giờ pha tạp, không những không còn giữ được bản sắc tiếng Hà Nội xưa, thậm chí còn lai căng, mất gốc.

Lỗi không phải do tiếng Hà Nội, cũng không phải do người Hà Nội gốc thờ ơ với việc giữ lại thứ tiếng của mình.

Có một thời gian, chúng ta yêu cầu phải cố gắng phát âm chuẩn, có ý tưởng nghĩ đến cả cuộc vận động cả nước nói tiếng Hà Nội. Nhưng ngôn ngữ bản thân nó là một hiện tượng xã hội, gắn liền với xã hội, với từng vùng địa phương. Thế nên, không thể có chuyện cả nước nói tiếng Thủ đô. Hơn nữa, ngôn ngữ lại chịu tác động, ảnh hưởng rất lớn từ xã hội, nhất là trong quá trình đô thị hóa diễn ra từng ngày. Nên vừa ảnh hưởng đến các ngôn ngữ vùng khác, tiếng Hà Nội cũng sẽ phải đón nhận, tiếp thu sự giao thoa của những ngôn ngữ ấy. Hà Nội bây giờ đã mở rộng, con dân đã lên đến gần 6,5 triệu người. Và cứ hàng năm, có khoảng trên một triệu lượt người vào ra Thủ đô. Những con người như vậy sẽ mang theo cả lối sống và ngôn ngữ của mình.

Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Văn Khang khẳng định, đó là một điều tất yếu. Bởi khi quá trình đô thị hóa, nền kinh tế thị trường phát triển, xét về mặt ngôn ngữ, tiếng Hà Nội trước hết sẽ lan tỏa ra ven đô, sau đó là lan tỏa ra các vùng nông thôn. Như vậy, tiếng Hà Nội, ngôn ngữ thành thị đang chịu ảnh hưởng rất mạnh. Đầu tiên nó làm mờ ranh giới giữa các phương ngữ ven đô, tiếng nói ở ven đô là đang mất dần đi. Nhưng đồng thời ở Hà Nội hiện nay có đủ các giọng. Và đồng thời có một thứ giọng không nơi nào có, đó là sự pha trộn giữa tiếng Hà Nội với các phương ngữ khác. Ta thấy đây là một tất yếu không cưỡng lại được, một tất yếu xảy ra.

Tiếng Hà Nội theo dòng thời gian vẫn đang hàng ngày, hàng giờ xáo trộn và biến đổi. Giữa dòng chảy ấy, những người còn giữ tiếng Hà Nội, những người yêu tiếng Hà Nội, dường như vẫn còn đang băn khoăn rằng, nên giữ lại gì, giao thoa những gì. Và có lẽ, những người sẽ giữ lại tiếng Hà Nội, giữ lại cả sự trong sáng của tiếng Việt, chính là đám trẻ con trong những lớp tiền học đường, rồi cấp 1, cấp 2. Từng bài tập đọc, từng bài chính tả, hay câu thơ, bài hát, chỉ cần được dạy cho đúng, được đọc cho đúng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên