Ước gì!

Chẳng biết tự bao giờ, ở lối vào cầu Thê Húc lại có hai cái “lô cốt” mọc lên ở hai bên, mà mục đích chỉ là để bán vé cho bất kỳ ai muốn vào phía trong đình…  

Hà Nội có nhiều danh lam thắng cảnh mà mỗi khi nhắc đến tên dường như ai cũng nhớ. Bởi ít nhất một lần trong đời, nhiều người Việt Nam đều mơ đặt chân tới hoặc nếu đã tới Hà Nội đều muốn thong thả, kính cẩn thắp một nén nhang…

Nếu nói tới một trong những danh thắng như thế, một nơi đầy ắp những kỷ niệm như thế, hẳn là mỗi chúng ta từng thốt lên: Đó chính là hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm. Sao vậy? Vì hồ Hoàn Kiếm, hay hồ Trả Gươm (theo cách nói cầu kỳ, sáng tạo trong câu chữ của cụ Nguyễn Tuân), hoặc chỉ là Bờ Hồ (nói theo cách dân gian, giản tiện) vốn là nơi gắn liền với một huyền thoại của một triều đại vàng son và cả với những Cụ Rùa chẳng thể tính được tuổi, thi thoảng vẫn chậm chạp nhô lên mặt nước xanh.

Không chỉ vậy, hồ Hoàn Kiếm còn ở ngay trung tâm của quận Hoàn Kiếm, nơi tập trung nhiều nhất những phố cũ Hà Nội. Hẳn là với những yếu tố ấy, đương nhiên không thể khác – hồ Hoàn Kiếm dẫu qua bao tháng năm vẫn là nơi gần gụi, thiêng liêng trong ký ức, trong con tim của người dân Hà Nội, người dân cả nước.

Đã nhắc đến hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm, Bờ Hồ thì cũng không thể nhắc đến quần thể, cụm di tích của Hồ Gươm với Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba… (mà trẻ con, người dân quen gọi là trấn Ba Đình), lại càng không thể không nhắc đến cây gạo già trước cửa đền Ngọc Sơn. Cứ đến cuối xuân, hoa gạo đỏ rực và thiết tha, rộn rã lòng người Hà Nội xiết bao, nhất là khi những cánh hoa đỏ rực ấy cứ xoay tròn và chậm rãi rơi.

Nhưng, khi đã nhắc đến quần thể của danh thắng này không thể không nhói lòng khi nói đến một việc làm… chẳng giống ai. Ấy là chẳng biết tự bao giờ, ở lối vào cầu Thê Húc lại có hai cái “lô cốt” mọc lên ở hai bên, mà mục đích chỉ là để bán vé cho bất kỳ ai muốn vào phía trong đình. Họ vào với một lý do rất dễ thương: để thắp hương, để có một góc riêng ngắm nghía Tháp Rùa, phố Hàng Khay, phố Lê Thái Tổ hoặc nhà Thủy Tạ.

Chưa bàn đến việc bán vé để tận dụng nguồn thu có cần thiết, hợp lý không với một nơi gần gụi, thiêng liêng với người dân Hà Nội, người dân cả nước cũng như khách du lịch…, nhưng rõ ràng, để hai cái “lô cốt” ngay lối vào cầu Thê Húc như vậy là phản cảm, là gai mắt rồi.

Vậy mà hai “vật chướng” này giờ vẫn cứ còn nguyên. Ước gì đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cuốn phăng 2 cái lô cốt ấy đi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên