Vang bóng cửa ô

Trải qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn còn đó như một hoài niệm đẹp, một dấu vết xưa nay vẫn còn vang bóng của một Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đầu xuân, lang thang trên phố cổ, chợt thấy lòng lắng lại khi bắt gặp một cửa ngõ với gạch cũ rêu phong - Ô Quan Chưởng (trên phố hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cửa ô duy nhất còn sót lại của Hà Nội.

Hoài niệm một thời

Cơn mưa bụi đầu xuân khiến con phố Hàng Chiếu trở nên tĩnh lặng và thưa vắng hơn so với mọi ngày. Có lẽ chính vì thế mà người ta cảm thấy một diện mạo khác của Hà Nội so với thường lệ. Một cảm giác thân quen đến lạ kỳ nhưng dường như lại không thể gọi được thành tên. Một diện mạo của Hà Nội xưa với vẻ bình yên, thư thái với cảnh ngựa xe và những người bán hàng với đôi quang gánh trên vai thong dong rảo bước qua cửa ô.

 Không có những xô bồ, hối hả, không cảnh xe cộ và những con người mải mê với những lo toan của cuộc sống mưu sinh như đang chạy đua với thời gian. Một khoảnh khắc hiếm có của Hà Nội, cũng là khoảnh khắc không dễ thấy ở cửa ô - nơi đầu mối giao thông của Thủ đô. Có lẽ chính vì thế mà những người đi đường cũng như muốn níu chân lại lâu hơn nơi đây, để có dịp cảm nhận được đầy đủ và tinh tế hơn chút dấu vết của Hà Nội xưa, ở một nơi duy nhất vẫn còn nguyên dấu vết của Hà Nội với 5 cửa ô.

Ô Quán Chưởng

Nhớ câu ca dao Hà Nội xưa mà thấy yêu đến nao lòng một nét đẹp nên thơ, trữ tình của cảnh và người đất Hà Thành thanh lịch:

Ở đâu năm cửa chàng ơi

Sông Nhị Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng…

Ô Quan Chưởng nằm trong danh tiếng 5 cửa ô của Hà thành: Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng. Nhưng đến nay, chỉ duy nhất một mình Ô Quan Chưởng là còn lại dấu vết. Phố Ô Quan Chưởng dài khoảng 75m, nối từ cửa cuối phố ra phía đê sông Hồng. Phố được hình thành từ thời Pháp thuộc, có tên là Rue des Nattes en joncs (nghĩa là phố Chiếu Cói), chuyên buôn các loại chiếu cói từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình chở lên.

Ngày trước, Ô Quan Chưởng có tên là Ô Thanh Hà. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của một Chưởng cơ và hơn 100 cơ lính. Để tưởng nhớ công ơn của vị Chưởng cơ đã hy sinh vì đất nước, nhân dân đã gọi cửa ô là Ô Quan Chưởng.

Ghé chân nơi quán nước ven đường, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông trạc tuổi trung niên đang ngồi lặng ngắm những bóng người ra vào nơi cửa ô. Chén nước trà đặc trước mắt anh bốc khói nghi ngút giữa cái giá lạnh của ngày đầu xuân. Quán nước ngày mưa cũng thưa vắng hơn mọi ngày. Có lẽ cũng nhờ thế mà người đàn ông này có dịp để hoài niệm về những quãng đời đã qua gắn với cửa Ô Quan Chưởng. Và có lẽ cũng bởi những cơn mưa giăng giăng tạo ra không khí huyền ảo, lung linh càng kéo người ta gần hơn với quá khứ đã xa.

Giật mình bởi lời chào của chúng tôi, anh như bị kéo về với thực tại. Và trong hương vị của chén nước chè đặc, người đàn ông tên Lê Quốc Hùng (sinh năm 1963), chủ quán nước, cũng là chủ nhân của ngôi nhà số 15B phố Ô Quan Chưởng, nằm ngay sát cửa ô kể với chúng tôi về một cửa ô của hơn 40 năm về trước. Khi ấy, anh chỉ là một cậu bé hàng ngày vẫn chạy chơi dưới cổng Ô Quan Chưởng. Cây xà cừ cổ thụ trước cổng ô khi ấy cũng đã to lắm rồi, đến nỗi một vòng tay cậu bé Hùng cũng ôm không xuể.

Thời gian trôi, anh lớn lên, lập gia đình và có những đứa con, nhưng cây xà cừ và cổng ô thì dường như bao năm vẫn thế. Ngày trước, trên con đường này là hai hàng cây nối nhau san sát. Qua bao gió bão, những cây khác trên con phố đã đổ và chết gần hết thì cây xà cừ vẫn đứng đó. Và cửa ô thì vẫn uy nghiêm như thế, dẫu những làn rêu phong mỗi ngày một dày thêm cùng với thời gian. Đổi thay trên con phố là những ngôi nhà ngói khi xưa, giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà tầng khang trang, đẹp đẽ hơn. Nhịp sống thời hiện đại cũng hối hả hơn, bởi cửa ô, vẫn giữ vai trò là đầu mối thông thương giữa nội thành và ngoại thành, nhưng vẫn không thể phủ mờ được những vết xưa vẫn ghi dấu nơi cửa ngõ phía Đông Hà Nội.

Những người “giữ hồn” cửa ô

Ở phố Ô Quan Chưởng, những người thuộc thế hệ trước và gắn bó lâu năm với con phố này không còn nhiều. Hầu hết họ đều đã ở độ tuổi cao niên như ông Nguyễn Văn Dung (86 tuổi, ở số nhà 5B, phố Hàng Chiếu), ông Hoàng Sinh (sinh năm 1932, ở số nhà 3B, phố Hàng Chiếu). Nhưng dẫu thế, trong họ vẫn còn vẹn nguyên một Ô Quan Chưởng của những ngày đã xa. Đó là cảnh từng đoàn người nô nức cờ hoa tiến vào cửa ngõ Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô, là hình ảnh những người tất tả xống áo với chiếc quang gánh trên vai mỗi sáng sớm nơi cửa ô… Và chính họ là những người gìn giữ cho cửa ô những nét đẹp và hồn vía của Hà Nội một thời. 

Người "giữ hồn" cửa Ô

Ở độ tuổi 78, ông Hoàng Sinh đã có thâm niên 50 năm công tác tại phường Đồng Xuân. Những ngày đầu, ông là người phụ trách thanh niên ở tiểu khu 39, phường Đồng Xuân. Từ năm 1975 đến nay, 4 khóa liên tiếp, ông liên tục là đại biểu Hội đồng nhân dân phường Đồng Xuân. Đồng thời, ông còn được nhân dân tổ 38, phường Đồng Xuân (tức tiểu khu 39 cũ) yêu mến bầu là tổ trưởng dân phố. Hơn nửa thế kỷ sống và gắn bó với Ô Quan Chưởng, điều ông luôn tâm niệm và trăn trở là làm sao giữ gìn được cho cửa ô những nét đẹp nguyên sơ và uy nghiêm, cổ kính của nó. Theo ông Sinh, các cụ xưa xây cửa ô bằng mật và muối chứ không trát vữa. Cối cửa cũng cao hơn đường khoảng 30cm chứ không bằng so với mặt đường như bây giờ. Ông cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo Ô Quan Chưởng cũng cần giữ được nguyên vẹn những yếu tố ban đầu của nó. Muốn vậy, phải gìn giữ từ những thứ nhỏ nhất nhưng cơ bản và làm nên cái “thần” của cửa ô là từng viên gạch vồ, từng làn rêu phong…

Chính ông Sinh là một trong những người đề nghị với thành phố công nhận Ô Quan Chưởng là di tích lịch sử được xếp hạng. Đồng thời, đề nghị phải có người hàng ngày quét dọn, trông nom để bảo vệ và gìn giữ di tích lịch sử có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, có một không hai của Thủ đô.

>> “Ô Quan Chưởng là một di tích kiến trúc đẹp đến ngỡ ngàng nhưng đang đổ vỡ. Trước dấu mốc quan trọng Hà Nội bước vào tuổi 1.000, chúng tôi rất vinh dự được cùng các bạn tu bổ, bảo tồn di tích này. Ô Quan Chưởng không chỉ là một cột mốc của thành Thăng Long xưa, nó còn là một biểu tượng của tinh thần và sự kiên cường của người dân Hà Nội”- Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W. Michalak.

Khu vực quanh Ô Quan Chưởng xưa được khoanh tròn hai bên, giống như một cái làng mà cửa ô chính là chiếc đình làng. Có phải vì thế mà nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến, những người dân trong khu phố vẫn cùng quây quần bên nhau bên mâm cỗ tất niên. Và đó cũng chính là sợi dây kết nối để mỗi người xích lại gần nhau hơn. Bên mâm cỗ ấy, không thể thiếu những bậc cao niên trong phố. Và đó cũng là dịp để họ nhắc nhớ cho các thế hệ cháu con nhớ về lịch sử hào hùng của cửa ô, để gìn giữ một nét văn hóa của người Tràng An văn minh, thanh lịch.

Ô Quan Chưởng qua bao tháng năm, vẫn còn vẹn nguyên như một chứng tích của một Hà Nội đẹp và hào hùng trong lịch sử. Để mỗi người con Hà Nội mỗi dịp qua đây càng tự hào hơn về Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên