Xứng tầm văn hiến?

Cần nghiêm khắc kiểm điểm để lập nên những đồ án quy hoạch Thủ đô mới đầy ấn tượng và hiện thực, để xây dựng thành công một thủ đô văn minh, đẹp, hiện đại và đậm đà bản sắc Việt Nam

Năm 2010, Việt Nam sẽ trở thành nước thứ 29 trên thế giới có thủ đô ngàn năm tuổi. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng người dân Thủ đô mà là niềm tự hào chung của những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Nhưng đi liền với niềm tự hào ấy, tách nhiệm cũng thật nặng nề, đó là việc lập quy hoạch xây dựng thủ đô như thế nào để xứng tấm với thủ đô nghìn năm văn hiến?

Cùng với Hà Nội, trên thế giới chỉ có 28 thủ đô (trong số khoảng 200 thủ đô) có truyền thống 1.000 năm tuổi trở lên như Roma (Italy), Paris (Pháp), London (Anh), Athena (Hy Lạp), Praha (Czech), Bắc Kinh (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ), Cairo (Ai Câp)… Chúng ta có quyền tự hào bởi có một Thủ đô nằm trong số ít đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm, sánh ngang với những thủ đô danh tiếng bậc nhất thế giới.

Lịch sử 1000 năm của Thủ đô chứa đựng biết bao thăng trầm của dân tộc 1.000 năm lịch sử ấy được dựng xây bằng công lao của lớp lớp người Việt Nam không kể trong Nam ngoài Bắc, miền núi hay đồng bằng, những con người không tiếc máu xương bảo vệ từng tấc đất, cành cây, ngọn cỏ quê hương. 1000 năm lịch sử đó hun đúc nên tính cách người Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó, với ý chí kiên cường, bất khuất, tình yêu Tổ Quốc nồng nàn trong huyết quản, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy của tất cả bè bạn năm châu. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được thế giới tôn vinh “Hà Nội – thành phố của hòa bình”.

Hà Nội vừa mới được mở rộng diện tích lên tới hơn 3.300 km2 với gần 5.200 di tích, có tới gần 1.270 làng nghề truyền thống, với bao thắng cảnh đẹp, cảnh quan vật thể và phi vật thể. Thế nhưng, Hà Nội ngày nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Tạp chí thương mại Mỹ (Business week) đã điều tra và công bố danh sách 55 thành phố có môi trường làm việc kém trên cơ sở xem xét các tiêu chí như: ô nhiễm, nguy cơ bệnh tật, bất tiện về dịch vụ và cung cấp hàng hóa, rủi ro cho người lao động… đã xếp Hà Nội thứ 11, TP. HCM thứ 9 trên tổng số 20 thành phố kém nhất.

GS. TS.KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm khắc kiểm điểm lại những việc làm trong quy hoạch đô thị ở Thủ đô, lắng nghe ý kiến người dân, ý kiến của cộng đồng, kể cả của các chuyên gia nước ngoài để lập nên những đồ án quy hoạch Thủ đô mới đầy ấn tượng và hiện thực, để xây dựng thành công một thủ đô văn minh, đẹp, hiện đại và đậm đà bản sắc Việt Nam.

PGS. TS. Ngô Thu Thanh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Phân bố hợp lý các khu công nghiệp

Cần điều chỉnh phân bố hợp ký các khu công nghiệp trong địa bàn của thành phố mở rộng. Trước tiên là lựa chọn các ngành công nghiệp ít độc hại, có trình độ công nghệ cao, sử dụng nhiều chất xám để tận dụng triệt để đội ngũ trí thức có trình độ của các cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Hà Nội, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức này tham gia vào sự phát triển của thành phố. Nhanh chóng đưa các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm, độc hại ra khỏi thành phố. Quản lý chặt chẽ việc xử lý chất thải và nước thải để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực thành phố, tiến tới quy hoạch và xây dựng hệ thống đường ống và khu xử lý nước thải. Rác thải của thành phố và khu công nghiệp, các cơ sở phải được phân loại tại nguồn và phải xử lý riêng bằng cách chôn lấp, tái sử dụng hợp vệ sinh và an toàn cho môi trường không khí và nguồn nước. Quan tâm giải quyết và có biện pháp khắc phục vấn đề xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp nhỏ và các làng nghề đang gây ô nhiễm trong các vùng nông thôn ven đô.

KTS. Tiến Ngọc, Viện Kiến trúc – Quy hoạch đô thị: Chú ý đến không gian xanh công cộng

Khi quy hoạch, chúng ta cần chú ý đến không gian xanh công cộng bởi ngoài tác động rõ rệt đến cảnh quan còn tác động đến môi trường sống, đến tiện nghi và hoạt động xã hội. Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa cao, cần phải chú ý đồng bộ các không gian xanh công cộng bao gồm: Cây xanh, vườn hoa, công viên: dành mọi khả năng đất đai có thể xây dựng công viên, vườn hoa, vườn dạo gắn với trung tâm phục vụ cấp hàng ngày và trung tâm phục vụ cấp định kỳ: Cây xanh chuyên dùng: khai thác tối đa quỹ đất lưu thông, quỹ đất dọc theo các sông, kênh, mương thoát nước để trồng loại cây này; Cây xanh chức năng: phải đạt tối thiểu 20% diện tích công trình công cộng; Cây xanh trường học, công sở, phải đạt tối thiểu 40% diện tích công trình; Cây xanh hộ gia đình, khu dân cư phải đạt tối thiểu 20% diện tích.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Phải đặt đúng tầm văn hóa để bảo tồn!

Trong quy hoạch đô thị Thủ đô Hà Nội phải đặt đúng tầm yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản. Hà Nội cần quan tâm đến khu Hoàng Thành, khu phố cổ với quy mô gần 100 ha, có khu phố Pháp với quy mô gần 800 ha. Hà Nội mở rộng có gần 5.200 di tích, trong đó có gần 1.000 di tích xếp hạng Quốc gia rải đều trên cả địa bàn. Có tới gần 1.270 làng nghề truyền thống, có văn hóa “xứ Đoài”, làng cổ Đường Lâm, có những thắng cảnh như Chùa Hương, Chùa Thầy, Quan Sơn… Nhận diện đầy đủ quỹ di sản, cảnh quan thiên nhiên không chỉ để tạo bản sắc, tạo sự “cạnh tranh” giữa các đô thị mà còn tạo điều kiện thân thiện cho mọi người dân thành phố.

KTS. Minh Đức, Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch – Đầu tư: Cần phân bố dân cư hợp lý

Chúng ta không nên để dân cư tập trung quá đông ở trung tâm thành phố mà phải phân bố trải đều ở các quận, huyện. Muốn thế, phải phát triển hệ thống phân bố dân cư (PBDC) nhóm (chùm đô thị) có các thành phố trung tâm chính và phụ của hệ thống PBDC, nơi nào cũng có sức hấp dẫn về sản xuất, khoa học – đào tạo và văn hóa. Phát triển các quần cư đô thị lớn, trung bình và nhỏ của chùm PBDC, trong đó các điểm dân cư gần nhau về lãnh thổ có mối liên hệ lẫn nhau về sản xuất, lao động, văn hóa – sinh hoạt. Cần chú ý phát triển mạng lưới giao thông thuận lợi cho việc đi lại giữa các vùng.

GS. TSKH. Lâm Quang Cường, Đại học Xây dựng Hà Nội: Chú ý đến quy hoạch giao thông

Cần tăng nhanh hơn nữa tốc độ phát triển hạ tầng giao thông thành phố. Cá dự án đường sắt đô thị đã được đề xướng cách đây 11 năm (1998) đến nay vẫn chưa làm được gì đáng kể. Nhanh chóng xây dựng đường vành đai I, II, III để mở rộng các đường hướng tâm, tạo mạng lưới hoàn chỉnh sẽ góp phần giảm ùn tắc và cải thiện đáng kể tình hình giao thông của thành phố. Hạn chế phát triển lượng giao thông cá nhân, nhất là xe máy. Coi giao thông công cộng là một hoạt động phúc hội xã hội được Nhà nước quan tâm, có chế độ trợ giá, cung cấp với chất lượng cao. Phối hợp tốt giữa các phương tiện giao thông công cộng với nhau, sử dụng nhiều phương tiện giao thông khác nhau để đến được đích thay vì sử dụng một phương tiện duy nhất. Tại đường phố, nhất là đường phố chính, tách xe ôtô với xe máy và xe đạp, tách phần xe nhanh với xe chậm sẽ tăng cường trật tự đi lại.

Ông Sulvie Fanchette, Viện Nghiên cứu phát triển IRD (Pháp): Cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề truyền thống

Trong quá trình đô thị hóa, các làng nghề mới sáp nhập vào Thủ đô cũng cần được quan tâm bởi các làng nghề không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn là một địa chỉ tham quan, du lịch. Các khu làng nghề của Thủ đô hầu hết là các ngành nghề gây ô nhiễm. Vậy nên, chúng ta cần chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc thoát nước ở các làng nghề, các con đường cũng phải được mở rộng ra và cần quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng không gian công cộng. Việc tái định cư dân và các xưởng phải được chia thành cụm theo khu phố với các không gian trống dùng để chứa hàng, không gian dùng cho những hoạt động sản xuất gây độc hại với môi trường và việc tái tổ chức lại các bước sản xuất sẽ cho phép hạn chế bớt việc đi lại trao đổi giữa các xưởng và như thế hạn chế bớt sự tắc nghẽn giao thông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS