Xã nông thôn mới vẫn còn… đặc biệt khó khăn

VOV.VN - Dù đã được công nhận là xã nông thôn mới, thế nhưng mới đây, một xã ở huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi lại được đề xuất hưởng các chính sách xã đặc biệt khó khăn.

Gia đình bà Đinh Thị Khai ở thôn Đồng Cần, xã Thanh An, huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn. Mấy tháng trước, khi hay tin xã được công nhận xã nông thôn mới, bà con dân làng ai cũng vui mừng. Thế nhưng đi kèm với niềm vui là nỗi lo vì nhiều chế độ chính sách theo diện hộ đồng bào đặc biệt khó khăn, nay bà con không còn được hưởng.

Mấy ngày nay, bà Đinh Thị Khai cùng nhiều hộ trong thôn vui mừng khi được tiếp tục thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. “Tôi rất cám ơn xã đã quan tâm hỗ trợ cho tôi được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí, giúp tôi vượt qua khó khăn trong lúc ốm đau”, bà Khai nói.

Thầy giáo Thới Thượng Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh An, huyện Minh Long cho biết, trường có 330 học sinh. Trước đây, xã Thanh An thuộc vùng đặc biệt khó khăn, toàn bộ học sinh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Năm 2021, xã Thanh An được công nhận xã nông thôn mới, theo quy định thì học sinh nhà trường không còn được hưởng chính sách bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng như trước đây. Đầu năm học 2021-2022, nhà trường vận động phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho con em nhưng tỷ tệ mua rất thấp.

“Sau khi trường và xã thông báo, một số phụ huynh đã đóng tiền mua bảo hiểm y tế cho con. Nhưng qua quá trình thực hiện theo văn bản mới nhất theo Quyết định 612 của Uỷ ban Dân tộc, trên cơ sở đó, chúng tôi đã trả lại hết tiền mua bảo hiểm y tế cho phụ huynh. Học sinh được hưởng bảo hiểm y tế theo sự trợ cấp theo vùng đặc biệt khó khăn khu vực III”, thầy giáo Thới Thượng Thành cho biết.

Dân số của xã Thanh An, huyện Minh Long khoảng 3.600 người, 95% là đồng bào H’re. Tháng 3/2021, địa phương được công nhận xã nông thôn mới. Điều này đồng nghĩa với việc người dân không còn được hưởng các các chính sách về hộ nghèo, bảo hiểm y tế…

Đến tháng 6/2021, Ủy ban Dân tộc có Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn, trong đó, 6 thôn của xã Thanh An thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn. Vừa là xã nông thôn mới và xã đặc biệt khó khăn nên việc triển khai các chính sách cho học sinh, giáo viên, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều lúng túng.

Lý giải về sự “tréo ngoe” này, ông Đinh Nê Hoàng, Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Minh Long cho rằng: “Trước đó, Thanh An là xã loại III nằm trong danh sách theo Quyết định 861 của Chính phủ. Tại điều 3 của Quyết định này, xã khu vực III, khu vực II nếu được công nhận xã nông thôn mới thì hiển nhiên là xã loại I. Tuy nhiên, Quyết định 612 của Uỷ ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, trong đó, Thanh An có 6 thôn. Để thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người dân, khi đối chiếu lại hai Quyết định này thì chồng chéo với nhau”.

Theo Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612 ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi có 241 thôn thuộc 239 xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, huyện Minh Long có 19 thôn của 4 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và 6 thôn của xã nông thôn mới Thanh An đều là xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài xã Thanh An, huyện Minh Long còn có xã Long Sơn cũng được công nhận là xã Nông thôn mới vào năm 2020. Khác với xã Thanh An, người dân xã Long Sơn, huyện Minh Long không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo đặc biệt khó khăn.

“Huyện cũng kiến nghị với các cấp. mặc dù về đích nông thôn mới nhưng đối với các xã ở miền núi có dân số đông đồng bào dân tộc thiểu số thì cho bà con được hưởng các chính sách như bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho các cháu đi học; các chính sách khác về hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như cơ sở hạ tầng. Có thể không như khu vực III nhưng cũng cần có sự hỗ trợ bà con được các chế độ, chính sách”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long kiến nghị.

Trước những vướng mắc trong việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo lộ trình phát triển giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Uỷ ban Dân tộc xem xét, hướng dẫn để triển khai thực hiện các chính sách theo đúng quy định.

Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi thông tin, hiện nay, trên địa bàn, các thôn đã hết diện đặc biệt khó khăn nhưng vẫn thuộc diện thôn miền núi thì vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết. Những thôn không còn diện đặc biệt khó khăn chuyển sang thôn nằm trong xã nông thôn mới rồi thì chế độ chính sách cho thôn, xã miền núi vùng đồng bào dân tộc ít người như thế nào thì cũng chưa rõ.

“Vấn đề này, chúng ta cũng thông cảm với cấp trên vì trong giai đoạn xây dựng chính sách vẫn còn chồng chéo. Đến giờ này, các hướng dẫn chi tiết và kể cả nguồn vốn dành cho thực hiện chương trình này vẫn chưa có cho nên các địa phương vẫn còn lúng túng”, ông Mẫn nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, hàng loạt cây xanh bảo vệ bờ kè bị đốn hạ
Ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, hàng loạt cây xanh bảo vệ bờ kè bị đốn hạ

VOV.VN -  Người dân ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang bức xúc khi chứng kiến thợ “thẳng tay” cưa hạ hàng loạt cây xanh bảo vệ tuyến bờ kè phía Tây của kênh Chợ Gạo. Việc đốn phá cây xanh phòng hộ có thể làm cho tình trạng sạt lở bờ Tây kênh Chợ Gạo càng nghiêm trọng.

Ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, hàng loạt cây xanh bảo vệ bờ kè bị đốn hạ

Ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, hàng loạt cây xanh bảo vệ bờ kè bị đốn hạ

VOV.VN -  Người dân ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang bức xúc khi chứng kiến thợ “thẳng tay” cưa hạ hàng loạt cây xanh bảo vệ tuyến bờ kè phía Tây của kênh Chợ Gạo. Việc đốn phá cây xanh phòng hộ có thể làm cho tình trạng sạt lở bờ Tây kênh Chợ Gạo càng nghiêm trọng.

Nông thôn mới ấm no hơn ở huyện biên giới Hương Sơn, Hà Tĩnh
Nông thôn mới ấm no hơn ở huyện biên giới Hương Sơn, Hà Tĩnh

VOV.VN - Với huyện miền núi như Hương Sơn xây dựng nông thôn mới bền vững là cả một quá trình. Mục tiêu nông thôn mới đặt ra ban đầu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân...

Nông thôn mới ấm no hơn ở huyện biên giới Hương Sơn, Hà Tĩnh

Nông thôn mới ấm no hơn ở huyện biên giới Hương Sơn, Hà Tĩnh

VOV.VN - Với huyện miền núi như Hương Sơn xây dựng nông thôn mới bền vững là cả một quá trình. Mục tiêu nông thôn mới đặt ra ban đầu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân...

Chuyện ở thôn nhà nhà đều hiến đất xây dựng nông thôn mới
Chuyện ở thôn nhà nhà đều hiến đất xây dựng nông thôn mới

VOV.VN - Với hơn một nửa số xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn, Yên Bái đang là điểm sáng ở khu vực Tây Bắc trong triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Chính tinh thần đoàn kết, sự đồng sức, đồng lòng của người dân đã làm nên kết quả tốt đẹp ấy.

Chuyện ở thôn nhà nhà đều hiến đất xây dựng nông thôn mới

Chuyện ở thôn nhà nhà đều hiến đất xây dựng nông thôn mới

VOV.VN - Với hơn một nửa số xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn, Yên Bái đang là điểm sáng ở khu vực Tây Bắc trong triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Chính tinh thần đoàn kết, sự đồng sức, đồng lòng của người dân đã làm nên kết quả tốt đẹp ấy.