10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính
(VOV) - Kết quả do các cơ quan báo chí ngành Tài chính bình chọn
Theo đánh giá của các cơ quan báo chí, năm 2012, ngành Tài chính ghi dấu ấn bởi nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt công tác như các chính sách tài chính - ngân sách được tổ chức điều hành và thực hiện linh hoạt, hiệu quả; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chiến lược phát triển ngành Tài chính; quy hoạch cán bộ; đối thoại với doanh nghiệp; đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; công tác đảm bảo an sinh xã hội;… đã được ngành Tài chính thực hiện hết sức hiệu quả.
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định số 450/QĐ – TTTg ngày18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2020. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng nền tài chính Quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính – tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội một cách hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.
Chiến lược nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030
2. Thành công nổi bật trong xây dựng hệ thống pháp luật về tài chính
Trong năm 2012, Quốc hội thông qua Dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi và nhiều Dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực tài chính như Luật Dự trữ Quốc gia; Luật Thuế TNCN (sửa đổi); Luật Giá. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí dự kiến Trình Quốc hội thông qua vào năm 2013.
3. Hoàn thành kế hoạch thu – chi NSNN năm 2012 theo dự toán Quốc hội quyết định
Hoàn thành kế hoạch thu - chi NSNN năm 2012 theo dự toán Quốc hội quy định, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Thu ngân sách đạt và vượt dự toán. Tất cả các khoản chi ngân sách đều được đảm bảo, đặc biệt các khoản chi cho an sinh xã hội tăng trên 20%. Các chính sách tài khóa trong năm 2012 đã phát huy tác dụng với các giải pháp giãn thuế GTGT, giãn nợ thuế đối với các doanh nghiệp, cũng như các giải pháp giãn tiền sử dụng đất, giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp, các biện pháp cải cách hành chính thuế được đẩy nhanh hơn… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đây có thể coi là thắng lợi kép trong điều hành kế hoạch thu – chi NSNN năm 2012.
4. Thực hiện quy hoạch hơn 26.000 chức danh cán bộ lãnh đạo các cấp (giai đoạn 2011 - 2015)
Công tác quy hoạch cán bộ ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2015 đã được triển khai trong toàn ngành. Đến nay đã thực hiện việc quy hoạch xong hơn 26.000 chức danh cán bộ lãnh đạo trong toàn ngành; việc quy hoạch thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới; lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên; quy hoạch cấp trên thúc đẩy quy hoạch cấp dưới. Việc quy hoạch theo hình thức này, vừa tạo nguồn cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, vừa tạo động lực thúc đẩy, phấn đấu vươn lên của cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong sự phát triển của đội ngũ cán bộ và của ngành.
5. Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.
Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Một trong những vấn đề trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn này là Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên nhiều phương diện: tái cấu trúc thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cải cách DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước; tái cấu trúc đầu tư công; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập;…
Đề án đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mà nhiệm vụ đầu tiên là phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm: DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục. Với mỗi nhóm DN, đề án cũng đã đưa ra quyết sách cụ thể.
Cũng theo Đề án, các DNNN sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và hoàn thành trước 31/12/2015.
6. Trở lại vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng về Công nghệ thông tin ở khối Bộ, ngành năm 2012.
Đây là kết quả do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) và Hội tin học Việt Nam công bố trong Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2012).
Theo đó, ngành Tài chính đã triển khai thành công trên phạm vi toàn quốc các Dự án hiện đại hoá công tác quản lý thu – chi ngân sách Nhà nước.
Về công tác thu NSNN: Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế thu nhập cá nhân; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Kê khai thuế điện tử qua mạng Internet. Việc áp dụng triển khai công nghệ tiên tiến, tổ chức theo mô hình xử lý tập trung trên phạm vi toàn quốc đối với các dự án là sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong công tác tin học hoá quản lý Thuế nói riêng và quản lý Tài chính nói chung.
- Về công tác chi NSNN: Dự án TABMIS chính thức được triển khai đồng bộ từ các cơ quan Tài chính/Kho bạc Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương. Việc triển khai TABMIS đã góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu cải cách quản lý tài chính công của ngành Tài chính.
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến: Ngày 01/8/2012, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chủ Hội nghị giao ban bằng hình thức truyền hình trực tuyến với 7 điểm cầu: trụ sở Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Học viện Tài chính, Văn phòng 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một bước đột phá về ứng dụng CNTT trong việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, thời gian, tăng cường tính hiệu quả trong điều hành và thực thi nhiệm vụ.
Ngày 22/3/2012, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã ký kết khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,661 tỷ Yên của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam để triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS). Sự kiện này mở ra, cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện chiến lược hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
7. Thị trường trái phiếu ngày càng hoàn thiện về pháp lý và mở rộng về quy mô.
Trong năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2011/NĐ – CP, trong đó cho phép cơ chế tổ chức đấu thầu trái phiếu đa giá nhằm tăng tính cạnh tranh trong các phiên phát hành, là nền tảng để từng bước hình thành đường cong lãi suất chuẩn; tổ chức các phiên bảo lãnh phát hành theo quy trình dựng sổ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về bảo lãnh phát hành, rút ngắn thời gian đăng ký, niêm yết trái phiếu nhằm tăng thanh khoản trái phiếu... Công tác huy động vốn đạt được kết quả đáng khích lệ. Tổng mệnh giá khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ phát hành đạt bằng 150% so với cùng kỳ năm 2011.
8. Ngành Thuế - Ngành Hải quan đối thoại với doanh nghiệp và Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế.
Đây có thể coi là hình thức kết nối hiệu quả giữa ngành Thuế, ngành Hải quan và người nộp thuế trong việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
- Ngày 01/11/2012, ngành Thuế đã ban hành Tuyên ngôn ngành thuế Việt Nam với 4 tiêu chí “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”. Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế được chú trọng đổi mới. Đặc biệt là sáng kiến tổ chức “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”.
- Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp tại 2 khu vực phía Bắc (diễn ra tại Hà Nội) và phía Nam (tại TP.HCM). Các Cục hải quan địa phương cũng tổ chức thường xuyên các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.
9. Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Bộ Tài chính đã đề xuất và được Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 13; Nghị quyết số 29; Nghị quyết số 01 và mới đây nhất là Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các Nghị quyết đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với nhiều giải pháp thiết thực về chính sách tài chính nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
10. Hợp tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về lĩnh vực Tài chính
- Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận hợp tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về lĩnh vực tài chính với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân. Việc ký thỏa thuận nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền và phổ biến thông tin về chính sách tài chính. Giúp các cơ quan báo chí thông tin chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật và các quy định hiện hành; định hướng dư luận về công tác điều hành chính sách tài chính và hoạt động của ngành Tài chính.
- Bộ Tài chính đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các Khóa bồi dưỡng kiến thức tài chính cho đối tượng là phóng viên cơ quan thông tấn báo chí, tạo điều kiện giúp các phóng viên nắm được các thông tin cơ bản về một số lĩnh vực tài chính quan trọng; Tổ chức Khoá bồi dưỡng về Quan hệ công chúng (PR) trong các cơ quan thuộc Chính phủ cho cán bộ lãnh đạo các cấp của Bộ Tài chính nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng trong công tác phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí.