2021 tiếp tục là một năm thành công của nông sản Sơn La

VOV.VN - Sơn La hiện là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước với hơn 82.000 ha. Năm 2021, sản lượng quả của Sơn La đạt bình quân khoảng 400.000 – 450.000 tấn/năm.

 

Trong năm, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội; Phí vận chuyển, giá bán một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn…

Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên lượng hàng hoá xuất khẩu của nhiều địa phương tại một số thời điểm giảm mạnh. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, Sơn La vẫn tiêu thụ hết nông sản, nhất là sản phẩm quả tươi cho người dân với giá cả phù hợp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào.

Nhân dịp đầu năm, phóng viên VOV (CQTT Tây Bắc) đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ về kinh nghiệm và cách làm của tỉnh Sơn La để đạt được kết quả như vậy:

PV: Thưa ông, những năm gần đây, Sơn La vẫn được biết đến là "hiện tượng nông nghiệp" của cả nước. Trong năm 2021, dù ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, nhưng Sơn La vẫn triển khai tốt việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm quả. Xin ông cho biết một số kết quả cơ bản như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Năm 2021, Sơn La cũng giống các địa phương trong cả nước trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng có ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất, nên sản lượng nông lâm nghiệp thủy sản tăng khá cao.

Và với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho đến các Huyện ủy, Thành ủy và các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh thì Sơn La đã có một năm mà ngành nông nghiệp đã đứng vững; tăng trưởng của nông nghiệp đã đạt mức 7,19%. Mức tăng trưởng này là khá cao, góp phần vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc, cũng như đồng bào làm nông nghiệp, nông dân, nông thôn

PV: Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng Sơn La đã xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả tới 21 nước trên thế giới, đạt giá trị xuất khẩu hơn 150 triệu USD. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cán đích sớm, vượt chỉ tiêu 5 tỷ USD đã đề ra. Chúng tôi rất muốn biết Sơn La đã làm thế nào để đạt được các kết quả như vậy?

Ông Nguyễn Thành Công: Thứ nhất là Sơn La chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ bằng nhiều giải pháp để tổ chức sản xuất sạch, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn của Quốc tế nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Thứ 2 là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì Sơn La đã thay đổi các hình thức xúc tiến thương mại. Năm 2020 địa phương đã tổ chức các Tuần lễ Nông sản, Lễ hội trái cây...

Năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tỉnh chuyển sang tổ chức các Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước; rồi tổ chức họp trực tuyến với các tham tán kinh tế thương mại, với các nước châu Âu thông qua kênh của Bộ Ngoại giao, kênh của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), của Cục Chế biến phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn)... Nói chung Sơn La tổ chức khá nhiều hội nghị và kết nối các thị trường.

Thứ 2, chúng tôi chuyển đổi mạnh từ việc giới thiệu trực tiếp sang hình thức online và đưa lên các sàn giao dịch thương mại như Vỏ Sò, Shoppee và các sàn giao dịch của hệ thống Bưu điện... Từ đó, giới thiệu và quảng bá sản phẩm của địa phương cả trong nước và quốc tế khá tốt.

PV: Như vậy, năm 2021 tiếp tục là một năm thành công nữa của nông sản Sơn La. Với một tỉnh có tới hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chúng tôi cũng rất muốn biết là Sơn La đã làm thế nào để có thể hỗ trợ, cũng như định hướng cho bà con để làm sao làm ra các sản phẩm đáp ứng được với thị trường thế giới?

Ông Nguyễn Thành Công: Có thể nói tư duy là vấn đề hết sức quan trọng trong thay đổi sản xuất. Sơn La đã thay đổi tư duy của người sản xuất và thay đổi tư duy của chính đồng bào dân tộc thiểu số khá nhanh bằng ứng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ việc chọn tạo giống, từ việc hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất, hỗ trợ cho phát triển HTX và đưa đồng bào đi học tập kinh nghiệm, đưa HTX đi tham gia vào các thị trường để thực hiện việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, để thay đổi tư duy trong sản xuất, tư duy trong bán hàng và hướng tới sản xuất hàng hóa lớn.

Vấn đề nữa là hình thành chuỗi đồng bào vào HTX, HTX thì ký kết với các doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, và vùng nguyên liệu là phải sản xuất theo quy trình, sản xuất sạch, an toàn, Vietgap, Lobgap và các tiêu chuẩn khác; quay trở lại chính là chuyển đổi cơ chế, chuyển đổi sản xuất mà hiện nay đồng bào đã có.

PV: Thưa ông, chúng tôi cũng được biết một chi tiết rất thú vị là Lãnh đạo tỉnh Sơn La và lãnh đạo các huyện, thành phố còn trực tiếp đi quảng bá, thậm chí là trực tiếp đi bán hàng nông sản ở các địa phương, có đúng vậy không?

Ông Nguyễn Thành Công: Sơn La đã có bước đột phá trong tổ chức và tư duy trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu nông sản, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo; Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Nông nghiệp là các Phó ban. Các huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản do Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban. Các đồng chí trong Ban chỉ đạo thường xuyên tham gia vào các sàn giao dịch, tổ chức các tuần hàng, giới thiệu các sản phẩm, rồi cùng các doanh nghiệp, HTX đưa các xe xoài đi Trung Quốc, xe đi Nga, Mông Cổ...

Bên cạnh đó là trực tiếp tham gia các Diễn đàn kinh tế, tham gia Hội nghị trực tuyến với các tham tán kinh tế thương mại với các HTX. Nghĩa là Ban chỉ đạo xuất khẩu của tỉnh, Bí thư, Chủ tịch các huyện vào cuộc như những doanh nghiệp, như những người nông dân, HTX, phối hợp với nhau để mở rộng, kết nối thị trường. Và nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân rất vui khi lãnh đạo tỉnh, huyện cũng chính là những người đi bán hàng trực tiếp.

Việc làm này thực sự có ý nghĩa vì người dân thấy Đảng, Nhà nước, chính quyền trực tiếp vào cuộc giúp dân, giúp HTX, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, gắn với đó để họ quay trở lại sản xuất cho đảm bảo quy trình. Vấn đề nữa là kết nối thị trường; phân tích, đánh giá, dự báo thị trường cho doanh nghiệp, HTX để sản xuất, tiêu thụ đạt hiệu quả kinh tế cao.

PV: Chúng tôi cũng được biết là trong 2-3 năm trở về đây có rất nhiều tỉnh trong cả nước đã đến Sơn La để học tập kinh nghiệm trong phát triển nông sản. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm Sơn La đã thực hiện các bước cơ bản như thế nào để có được kết quả như ngày hôm nay?

Ông Nguyễn Thành Công: Nói về kinh nghiệm thì có thể nói Sơn La có mấy kinh nghiệm lớn. Một là Sơn La đã chuyển đổi bộ giống cây trồng trên cơ sở đã có những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ những đất đai của địa phương. Thứ 2 là Sơn La đã có quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc; chuyển đổi những cây trồng có hiệu quả thay thế cho cây trồng kém hiệu quả.

Sơn La trước năm 2015 có tới 200.000 ha ngô, nay chỉ còn 87.000 ha. Và chuyển đổi sang cây ăn quả, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 82.000 ha. Tuy nhiên, việc các địa phương đến học tập kinh nghiệm ở Sơn La tôi nghĩ là học ở cơ chế chuyển đổi rất bền vững. Cây ăn quả thì gồm những loại cây nào. Hiện đã có 20.000 ha xoài, 20.000 ha nhãn... Và điều quan trọng là sản xuất tốt, đúng quy trình, chế biến, tiêu thụ tốt, xuất khẩu tốt thì chúng ta mới có điều kiện để tái sản xuất và mới mở rộng các vùng sản xuất được. Từ đó, mới có thể có sản xuất nông nghiệp bền vững.

PV: Đúng là khi có sự vào cuộc quyết liệt và có sự tham gia trực tiếp của những người đứng đầu thì sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Sơn La trong năm 2021 và những năm qua đạt kết quả rất tốt. Ông có thể chia sẻ định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo được xác định như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Định hướng nông nghiệp của tỉnh Sơn La trong năm 2022 và các năm tiếp theo được thể hiện rất rõ. Thứ nhất, ngay sau đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Sơn La đã ban hành Nghị quyết 06 để tập trung phát triển Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản của Tây Bắc.

Thứ 2 là sau Đại hội, Sơn La cũng ban hành Nghị quyết 08 về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bền vững và ứng dụng khoa học công nghệ cao. Tức là sẽ tạo ra sản xuất hàng hóa lớn; trong đó có 1 khu ứng dụng khoa học công nghệ, 20 vùng khoa học công nghệ là những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành nên chuỗi sản xuất theo đúng quy trình.

Thứ 3 là chuyên sâu. Chúng ta không chạy theo số lượng lớn nữa mà phải đưa vào chất lượng và tái canh, ví dụ như xoài, nhãn là Sơn La đang triển khai bằng những bộ giống rất tốt; với cà phê cũng đang được tái canh, có hẳn một đề án về tái canh cây này để tạo ra chất lượng sản phẩm có thể nói là những sản phẩm đặc hữu, sản phẩm chất lượng cao để kết nối những thị trường tiêu thụ ở những phân khúc hàng hóa cao cấp.

Vấn đề nữa là tiếp tục mở rộng thị trường. Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm, nhưng sẽ tạo những thị trường mới khó tính hơn, đẳng cấp cao để quảng bá, giới thiệu và khẳng định thương hiệu nông sản của tỉnh Sơn La.

PV: Thưa ông, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ XV của tỉnh Sơn La đặt ra là xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến của vùng. Vậy năm 2021, Sơn La đã thực hiện việc này thế nào và trong thời gian tới, Sơn La xây dựng lộ trình ra sao?

Ông Nguyễn Thành Công: Sơn La đã đề ra Nghị quyết 06 với những nội dung hết sức rõ ràng đó là tạo thành Trung tâm chế biến nông sản. Lý do là vì khi đã có đủ điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thì chúng ta phải tạo chế biến sâu. Tạo chế biến sâu bằng hình thức thu hút các nhà máy chế biến lớn, đẩy mạnh các cơ sở chế biến nhỏ chuyển sang ứng dụng khoa học công nghệ để đưa ra những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn, đẩy mạnh sản phẩm OCOP trong các HTX, doanh nghiệp.

Sơn La năm 2020, 2021 đã làm, đó là hơn 2.700 cơ sở chế biến sản phẩm long nhãn đã chuyển sang sản xuất sạch. Thứ 2 là các doanh nghiệp, HTX được sự hỗ trợ của Nhà nước, của hệ thống Ngân hàng đã dần dần ứng dụng khoa học và dần xây dựng hạ  tầng cho các HTX. Thứ 3 là các nhà máy thì nhà máy của Tập đoàn TH đã chế biến, sản xuất; DOVECO thì cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới sẽ khánh thành. Khi khánh thành các dây chuyền lớn như thế thì chúng ta sẽ có một hệ thống chế biến rất tốt.

Cùng với đó, các nhà máy chế biến cà phê, nhà máy chế biến sắn thì sẽ chuyển đổi các dây truyền sản xuất để ứng dụng, bảo vệ môi trường và đưa ra những sản phẩm đặc hữu. Để làm được những việc đó thì Sơn La sẽ mở rộng các vùng sản xuất lớn, chuyên canh, như Mai Sơn là vùng xoài, nhãn và cây cà phê. Ở những vùng nào, lợi thế nào thì sẽ làm để đưa ra những cơ sở chế biến đúng theo lợi thế của vùng đó. Vấn đề tiếp theo là sẽ mở rộng các khu giới thiệu sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP từ 83 hiện nay tăng lên hơn 100 sản phẩm, gắn với đó là các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La nữa để tạo thành vùng nông nghiệp, thành vùng công nghiệp chế biến của tỉnh Sơn La và của Tây Bắc.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xuân no ấm trên vùng cao Huổi Một - Sông Mã (Sơn La)
Xuân no ấm trên vùng cao Huổi Một - Sông Mã (Sơn La)

VOV.VN - Đón xuân này, đồng bào vùng cao Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La càng vui hơn khi cuộc sống có nhiều đổi mới, no ấm và hạnh phúc hơn.

Xuân no ấm trên vùng cao Huổi Một - Sông Mã (Sơn La)

Xuân no ấm trên vùng cao Huổi Một - Sông Mã (Sơn La)

VOV.VN - Đón xuân này, đồng bào vùng cao Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La càng vui hơn khi cuộc sống có nhiều đổi mới, no ấm và hạnh phúc hơn.

Đào Tết vắng người mua, nông dân Sơn La lo lắng 
Đào Tết vắng người mua, nông dân Sơn La lo lắng 

VOV.VN - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã chuyển diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng đào Tết. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thương lái và khách du lịch chưa mua nhiều khiến người dân lo lắng khi Tết đã cận kề.

Đào Tết vắng người mua, nông dân Sơn La lo lắng 

Đào Tết vắng người mua, nông dân Sơn La lo lắng 

VOV.VN - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã chuyển diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng đào Tết. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thương lái và khách du lịch chưa mua nhiều khiến người dân lo lắng khi Tết đã cận kề.

Mùa dâu tây ở Sơn La, nông dân thu tiền tỷ
Mùa dâu tây ở Sơn La, nông dân thu tiền tỷ

VOV.VN - Dâu tây – loại trái cây “ngoại nhập” trên đất Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang bước vào chính vụ thu hoạch. Cây trồng này đã và đang khẳng định giá trị kinh tế, đem lại những mùa quả ngọt cho bà con nơi đây.

Mùa dâu tây ở Sơn La, nông dân thu tiền tỷ

Mùa dâu tây ở Sơn La, nông dân thu tiền tỷ

VOV.VN - Dâu tây – loại trái cây “ngoại nhập” trên đất Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang bước vào chính vụ thu hoạch. Cây trồng này đã và đang khẳng định giá trị kinh tế, đem lại những mùa quả ngọt cho bà con nơi đây.

Mô hình xen canh táo, bưởi trên đất dốc giúp nông dân Sơn La làm giàu
Mô hình xen canh táo, bưởi trên đất dốc giúp nông dân Sơn La làm giàu

VOV.VN - Không cam chịu đói nghèo khi có vườn đồi, nhiều năm nay, gia đình anh Nguyễn Trí Vinh, ở bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư mô hình xen canh táo, bưởi chất lượng cao trên đất dốc bạc màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình xen canh táo, bưởi trên đất dốc giúp nông dân Sơn La làm giàu

Mô hình xen canh táo, bưởi trên đất dốc giúp nông dân Sơn La làm giàu

VOV.VN - Không cam chịu đói nghèo khi có vườn đồi, nhiều năm nay, gia đình anh Nguyễn Trí Vinh, ở bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư mô hình xen canh táo, bưởi chất lượng cao trên đất dốc bạc màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.