3 giải pháp giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc

VOV.VN -Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đó là tăng cường sản xuất trong nước, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và tăng xuất khẩu.

Lâu nay, nhiều người thường nói nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó rõ nhất là về nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nay, trước tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam và có những hành động leo thang gây căng thẳng tại vùng Biển Đông, nhiều ý kiến lo ngại nó có thể sẽ tác động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (2/6) của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực tế nhiều người thường nhìn sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc ở khía cạnh xuất nhập khẩu. Biểu hiện là về xuất khẩu, hiện có 5-6 mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì đang xuất nhiều sang Trung Quốc (trong đó, có nông sản chế biến, thủy sản, điều, cao su...); còn nhập khẩu thì nước ta cũng đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, hiện Việt Nam đang xuất siêu sang nhiều nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng các mặt hàng trong đó lại nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, điển hình như dệt may, da giày, thức ăn chăn nuôi thủy sản...

Ông Hải cho rằng, bài toán giảm phụ thuộc nhiều về xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc đã được Chính phủ và các bộ ngành đặt ra từ lâu, trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò là cơ quan đầu mối. Để thực hiện giảm nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, theo ông Hải, chỉ có 2 cách: Tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tại, việc tăng xuất khẩu đang được thực hiện khá tốt. Đơn cử, 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,4%. “Đây là con số rất ấn tượng, là cách rất tốt để giảm nhập siêu”- ông Hải nhấn mạnh.

Còn giảm nhập khẩu, ông Hải cũng cho rằng, phải bằng cách tăng cường sản xuất hàng hóa trong nước và vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Riêng với vận động người Việt dùng hàng Việt, theo ông Hải, với 90 triệu dân Việt Nam mà ưu tiên dùng hàng Việt thì sẽ tạo ra lượng kim ngạch không nhỏ góp phần giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Thực tế, nhiều mặt hàng Việt Nam như hoa quả, quần áo, thủy sản... đã tự sản xuất được với chất lượng có thể xuất khẩu mạnh sang châu Âu, Mỹ... nhưng nhiều người Việt vẫn chưa chú trọng lựa chọn ưu tiên dùng hàng Việt.

“Việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng là một hành động yêu nước”- ông Hải nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên