3.200 doanh nghiệp Hà Nội xin tạm dừng, giải thể và phá sản
Năm 2011, Hà Nội có 18.850 đăng ký thành lập mới, tăng 7% so với năm 2010, nhưng có khoảng 3.200 doanh nghiệp xin tạm dừng, giải thể và phá sản.
Chiều 6/3, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở KH-ĐT, 2 tháng đầu năm 2012 thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thấp hơn cùng kỳ năm 2010, vốn đăng ký mới giảm và số doanh nghiệp giải thể là 169 doanh nghiệp bằng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Năm 2011, Hà Nội có 18.850 đăng ký thành lập mới, tăng 7% so với năm 2010, trong đó tăng 1% số vốn đăng ký khoảng 159.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 có khoảng 3.200 doanh nghiệp xin tạm dừng, giải thể và phá sản.
Khu vực FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 300 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD, gấp 1,75 lần so với năm 2010, giải ngân 752 triệu USD. Đầu tư trong nước chấp thuận và cấp chứng nhân đầu tư cho 121 dự án, với tổng số vốn là 55.722 tỷ đồng.
Báo cáo của Sở KH-ĐT khẳng định, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi thường xuyên, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 193.600 tỷ đồng là một tín hiệu khả quan.
Theo Quyết định số 222 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 3.900 nghìn - 4.100 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương 180-190 tỷ USD) và giai đoạn 2021-2030 là 6.500 nghìn- 7.000 nghìn tỷ đồng thì đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có những giải pháp quyết liệt để tăng cường và nâng cao hiệu quả huy động các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…/.