37 công trình giao thông trọng điểm với tổng đầu tư 1 triệu tỷ đồng
VOV.VN - Sáng nay, tại Trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện có 37 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, có 23 dự án đường bộ; 7 dự án đường sắt; 4 dự án hàng hải, đường thủy nội địa và 3 dự án hàng không. Hiện nay, có 16 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại đang triển khai thi công hoặc đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện.
Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua quan tâm giải quyết, tuy nhiên, một số dự án công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc cục bộ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Điển hình như các Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành, Trung Lương – Mỹ Thuận; Dự án nâng cấp Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2; Hòa Lạc – Hòa Bình; Thái Nguyên – Chợ Mới; Đèo Cả….
Qua thảo luận, các thành viên Ban chỉ đạo kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, giải quyết các khó khăn liên quan đến việc hoàn thiện các thủ tục cấp giấy phép đầu tư, các thủ tục đàm phán, ký kết, bổ sung các hiệp định vốn vay với các nhà tài trợ nước ngoài, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Một trong những nhân tố quyết định tạo ra môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh chính là hệ thống hạ tầng. Trong đó, hạ tầng có ý nghĩa quan trọng nhất và đi trước là hạ tầng giao thông.
Chỉ ra những bất cập trong các dự án, công trình giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo cần tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng cho các dự án: “Bộ Tài chính phải cùng với Bộ Giao thông xây dựng cơ chế, ví dụ quỹ đầu tư giành cho giải phóng mặt bằng. Mặc dù phối hợp nhưng Bộ giao thông vẫn phải là đồng chủ trì vì người trong cuộc mới hiểu vấn đề là như nào. Bộ Tài chính hỗ trợ về nguyên tắc, chính sách, pháp luật. Nguồn vốn của quỹ đầu tư này không phải là vốn dùng để kinh doanh mà huy động, có thể Nhà nước bỏ một phần vốn, để lấy vốn này sau đó dự trữ khi cần đến giải phóng mặt bằng thì không phải lấy ở các nguồn khác”./.