5 mấu chốt tăng năng lực cạnh tranh công nghiệp

Việt Nam có nhiều chính sách công nghiệp, nhưng hiệu quả thấp, mô hình thương mại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và công nghệ nội địa hạn chế.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng công nghiệp tương đối cao. Tuy nhiên, chất lượng của động lực phát triển công nghiệp vẫn cần được tăng cường hơn nữa.

Điểm nhấn công nghiệp

Theo Báo cáo Cạnh tranh Công nghiệp Việt Nam năm 2011 (VICR 2011) – kết quả hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và UNIDO, có 2 yếu tố bao trùm liên quan trực tiếp đến khả năng cạnh tranh công nghiệp là: Vai trò của tự do hóa thương mại đối với việc tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, sản xuất và sự cần thiết của việc tái hoạch định các chính sách và chiến lược công nghiệp có tính đến những ưu tiên quốc gia, cũng như những thuận lợi và khó khăn toàn cầu.

Ông Wilfried Luekenhorst, Giám đốc điều hành của UNIDO

Ở Việt Nam, những năm gần đây, cả 2 yếu tố này đã góp phần thúc đẩy công nghiệp có những điểm nhấn đáng tự hào. Đầu tiên, “xếp hạng hiệu suất công nghiệp (CIP) do VICR 2011 công bố, chỉ trong 4 năm (từ 2005-2009), Việt Nam đã tiến 14 bậc, vượt qua cả những đối thủ cạnh tranh lớn với truyền thống công nghiệp hóa lâu đời như Ai Cập, Morocco và Nga”- ông Wilfried Luekenhorst, Giám đốc điều hành của UNIDO, cho biết.

Cạnh đó, “tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng sản xuất chế tạo còn có khả năng làm lu mờ sự tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2009”- theo VICR 2011. Và, tăng trưởng trong sản xuất chế tạo giá trị gia tăng (MVA) tăng từ 5,8 tỷ USD trong năm 2000 lên 15,4 tỷ USD vào năm 2009 nhờ mối liên kết mạnh mẽ giữa công nghiệp hóa và phát triển kinh tế.

Những giải pháp then chốt

Theo VICR 2011, khả năng cạnh tranh công nghiệp là năng lực của các quốc gia để tăng cường sự hiện diện công nghiệp của quốc gia đó trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế, đồng thời phát triển cơ cấu công nghiệp theo ngành với những hoạt động có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao hơn.

Theo đó, trong mỗi quốc gia, phát triển công nghiệp phụ thuộc vào môi trường kinh doanh, hiệu quả lao động, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, đầu vào, cơ sở hạ tầng và chất lượng hỗ trợ của đào tạo, dịch vụ công nghệ…

Với những yếu tố cấu thành nêu trên, trong môi trường công nghiệp Việt Nam, UNIDO chỉ ra rằng, mặc dù mấy năm qua Việt Nam có những tiến bộ đáng tự hào, song năng lực cạnh tranh công nghiệp vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đơn cử như Việt Nam bị tụt hậu so với Indonesia 15 bậc và sau Phillippines 25 bậc.

Nguyên nhân trước tiên là từ năm 1995 đến nay, Việt Nam hoạch định khoảng 80 chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cho nhiều ngành công nghiệp độc lập. Về số lượng, Việt Nam không thiếu chính sách nhưng thiếu một kế hoạch thực hiện hiệu quả để kết hợp hài hòa các chính sách này có tính đến những nhu cầu công nghiệp.

Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần giảm lao động thô sơ trong công nghiệp

Chính sách hiện tại của Việt Nam vạch ra những mục tiêu cho các ngành với các biện pháp hỗ trợ nhưng không thể thực hiện được triệt để do thiếu các nguồn lực. Bên cạnh đó, mô hình thương mại của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu và công nghệ nội địa còn hạn chế.

Theo ông Wilfried Luekenhorst, Giám đốc điều hành của UNIDO, năng lực cạnh tranh công nghiệp không nên hoàn toàn phụ thuộc vào trữ lượng tài nguyên quốc gia và lĩnh vực chế tạo với công nghệ thấp. Hơn nữa, Việt Nam nên phát huy sản phẩm từ nguồn tài nguyên tái tạo. Cần coi công nghiệp hóa là cốt lõi trong tăng trưởng kinh tế. Bởi một nền kinh tế tăng trưởng nhanh cần có ngành công nghiệp mạnh.

Từ thực trạng môi trường công nghiệp Việt Nam, VICR 2011 đưa ra khuyến nghị tập trung vào 5 lĩnh vực then chốt để phát triển công nghiệp:

Thứ nhất, tái hoạch định các chính sách và chiến lược công nghiệp, trung tâm là cần một Bộ Luật Công nghiệp làm nền tảng pháp lý cho việc phát hành các văn bản quy phạm liên quan đến phát triển công nghiệp. Cần đưa ra những gói chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp quốc doanh.

Thứ hai, đa dạng hóa các ngành công nghiệp với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao: Ưu tiên tiểu ngành và xúc tiến các hoạt động mới giàu tiềm năng nhằm phát triển, tạo việc làm và nâng cấp công nghệ.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực cho khu vực công nghiệp chế tạo. Cần tạo hệ thống giáo dục và đào tạo nghiệp vụ tạo ra được một lực lượng lao động với những mức độ kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp không phải đào tạo lại nhân viên. Đồng thời, thực hiện hệ thống Kiểm định Kỹ năng nghề thường xuyên.

Thứ tư, phát triển công nghệ. Cần hạn chế nhập siêu các sản phẩm công nghệ, xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, chế tạo bằng công nghệ cao. Do đó, cả Chính phủ và tư nhân phải thiết kế và thực hiện một nghị trình cụ thể nhằm thúc đẩy năng lực đổi mới công nghệ của quốc gia.

Thứ năm, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng cho hoạt động sản xuất. Cơ cấu FDI cần chú ý đến cán cân thương mại, giảm sự phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cho việc sản xuất của họ.

Ngoài ra, việc thay đổi cơ cấu theo hướng phát triển các lĩnh vực thâm dụng công nghệ mang tính chiến lược có thể đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và cung cấp nền tảng cần thiết cho tăng trưởng bền vững./.

Nhìn chung, các chuyên gia khuyến cáo, dù dùng giải pháp gì cũng phải chú ý rằng những yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh đang dần thay đổi. Thế giới đang giảm dần sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản hay lực lượng lao động thô sơ mà hướng đến những kỹ năng tổ chức và công nghệ, những mạng lưới phân phối hiệu quả, cơ sở hạ tầng dịch vụ hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên