500 tỷ USD trong "tay” khu vực Nhà nước: Nhiều nguồn lực tăng trưởng
VOV.VN - ĐBQH cho rằng, trong khi nhiều nước còn không biết "sờ" vào đâu để có nguồn lực thì Việt Nam có tới 500 tỷ USD vẫn nằm trong tay khu vực Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng, (đoàn Nam Định) cho hay, trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam vẫn được cho là đang tăng trưởng dựa trên đầu tư, trong đó, nguồn lực đầu tư lại chủ yếu là nhờ vào việc đi vay (vay ODA, phát hành trái phiếu...).
Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng
Ông Dũng cho rằng, với phương thức tăng trưởng như trên thì chất lượng tăng trưởng không bền vững, làm cho năng suất lao động cũng như thu nhập của người dân không cao lên được. Vì thế, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu.
“Nhưng câu chuyện đầu tiên là nguồn lực ở đâu? Nhiều người nói chúng ta chưa nhìn đâu ra nguồn lực, nhưng tôi thấy nguồn lực của chúng ta còn rất nhiều, dư địa phát triển của chúng ta còn rất nhiều, vấn đề chúng ta có khai thác được không và có làm được, phát huy được không?", ông Dũng nêu quan điểm.
Dư địa phát triển còn nhiều
Theo đại biểu đoàn Nam Định, trong khi nhiều nước còn không biết "sờ" vào chỗ nào để có nguồn lực chống đỡ khó khăn thì Việt Nam "dư địa còn nhiều", mà cụ thể ở đây là nguồn vốn của Nhà nước (tức là tài sản của dân) nằm ở doanh nghiệp nhà nước không phải ít. Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, một khối lượng còn nhiều hơn nữa mà lâu nay ít nhìn đến và gần như không tập trung quản lý, đó chính là tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công.
“Hai nguồn tài sản này cộng vào theo nhiều chuyên gia tính toán bây giờ khoảng 500 tỷ USD. 500 tỷ USD này nếu chúng ta biết cách khai thác và chỉ cần phân bổ lại trong kỳ chiến lược đến 2020 khoảng 1/3 hay một nửa thôi thì hiệu quả kích thích là một cú hích rất tốt cho tăng trưởng", ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO hiến kế.
Vấn đề vẫn nằm ở chỗ "có làm hay không làm" còn "làm thì đơn giản". Ông Dũng cho rằng, nếu làm tốt việc này thì kế hoạch tăng trưởng thậm chí còn vượt cả kỳ vọng, không phải dưới hay đạt được kỳ vọng như mục tiêu đưa ra.
Đại biểu đoàn Nam Định cũng đặt câu hỏi: Thoái vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước có khó không? “Khó hay không là ở chúng ta”, ông Dũng nói. Phần lớn nói tăng cường thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, không thấy có một mục tiêu nào cụ thể.
Ông Dũng đề xuất, Quốc hội phải đưa ra kế hoạch cụ thể năm 2017, 2018, 2019 thoái vốn với giá trị là bao nhiêu, tránh vừa qua báo cáo thành tích cổ phần hóa số lượng thì hoàn thành tốt nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ bán được 2%, 3%. “Người ta (doanh nghiệp) không muốn cổ phần hóa thì người ta đưa ra đủ các loại tiêu chí, không thể bán được”, ông nói. Thủ tướng: Quyết tâm chính trị rất cao mới tái cơ cấu thành công
Làm ăn chụp giật cản đà phát triển
Ngoài ra, ĐBQH đoàn Nam Định cũng đưa ra nhận xét, một quốc gia phát triển thì phải có một nền văn hóa của quốc gia đó. Theo đó, nếu vẫn còn tình trạng không thượng tôn pháp luật, vi phạm pháp luật tràn lan, một văn hóa làm ăn chụp giật và lừa đảo của hàng loạt doanh nghiệp thì không thể có một quốc gia phát triển.
Song để xây dựng được một nền văn hóa làm ăn theo pháp luật, ông Dũng cho rằng, không phải một sớm một chiều mà là một quá trình dài hạn, xuất phát từ việc tập trung xây dựng văn hóa kinh doanh ở mỗi doanh nghiệp.
Cần phải xây dựng văn hóa kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của đất nước |
“Một nền văn hóa làm ăn theo pháp luật không phải một sớm một chiều như chúng ta nghĩ,” ông Dũng nói. “Từng người thay đổi như thế phải nỗ lực nhiều năm thì mới thay đổi được văn hóa của một quốc gia, chỉ khi nào thay đổi được văn hóa một quốc gia thì chúng ta mới ghi nhận được những thành quả phát triển của nền kinh tế của quốc gia đó”.
The Chủ tịch Tasco, chìa khóa để thành công trong đợt tái cơ cấu này là tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh: Tái cơ cấu nền kính tế chính là phải làm thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và làm thay đổi được các cơ cấu kinh tế thiết yếu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến |
Bà Yến cho rằng, phát huy lợi thế so sánh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng, vùng kinh tế trọng điểm, qua đó để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm, không dàn trải, tràn lan gây lãng phí, tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững đủ sức cạnh tranh và tham gia hội nhập quốc tế.
Đại biểu này đề xuất tập trung nguồn lực cho các ngành mũi nhọn, trong đó là phát triển kinh tế du lịch và trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế biển đảo.
Để làm được điều này, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, cần phải có chính sách đầu tư, kết cấu hạ tầng theo hướng lấy vùng ven biển làm trục phát triển, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối hệ thống cảng với đường bộ, đường sắt, đường thủy và các khu công nghiệp. Đồng thời, có chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, phân công hiệu quả kinh tế vùng, liên kết vùng. Tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tiềm năng, nguồn lợi từ biển trên cơ sở đảm bảo chủ quyền và tôn trọng lợi ích quốc gia./. Kịch bản nào cho tái cơ cấu nền kinh tế?