6 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
VOV.VN -6 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được quy định cụ thể tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới ký ban hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Theo đó, Nghị định quy định 6 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, gồm: 1- Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật gồm: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
2- Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
3- Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự (tài sản của quỹ bị giải thể).
4- Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).
5- Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
6- Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.
Giá trị tài sản được xác định theo cơ chế thị trường
Nghị định cũng quy định nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Cụ thể: Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan.
Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan. Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Chính phủ ban hành quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công
‘Siêu’ uỷ ban sẽ quản lý tài sản 5 triệu tỷ đồng
Đề xuất lùi đánh thuế tài sản tại TP HCM đến năm 2020