6 tháng, Hà Nội nợ đọng xây dựng cơ bản 4.000 tỷ đồng
Thứ Hai, 08:20, 21/07/2014
Thanh tra thành phố vẫn chưa đưa ra kết luận và cơ quan chức năng cũng chỉ đề ra những giải pháp tình thế.
Thành phố Hà Nội từng được coi là có kinh nghiệm trong xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), song đáng tiếc con số nợ đọng XDCB vẫn gia tăng theo thời gian, cuối năm 2013 là hơn 3.200 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2014 đã lên tới 4.000 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại là trước khối nợ lớn như vậy nhưng Thanh tra thành phố vẫn chưa đưa ra kết luận thanh tra và cơ quan chức năng cũng chỉ đề ra những giải pháp tình thế.Nợ đọng tràn lan
Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 Quốc hội khóa XII, TP Hà Nội nợ đọng XDCB gần 2.000 tỷ đồng và đến tháng 10-2010, thành phố đã xóa xong số nợ này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, nợ đọng XDCB lại tăng lên hơn 3.200 tỷ đồng và đến nay đã là hơn 4.000 tỷ đồng (trong đó nợ của thành phố khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là nợ của các quận, huyện).
Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trong hai năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, theo tính toán, hết năm 2015, nhiều huyện sẽ vẫn còn khoản nợ lớn hơn nguồn vốn phân cấp. Đơn cử như huyện Ba Vì nợ 156 tỷ đồng trong khi vốn phân cấp một năm chỉ được 115 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên đang nợ 378 tỷ đồng, vốn phân cấp một năm được 115 tỷ đồng; huyện Ứng Hòa nợ 166 tỷ đồng, vốn phân cấp một năm được 104 tỷ đồng… Đáng nói đây là các huyện khó khăn, cơ sở vật chất ở mức thấp của thành phố.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số địa phương phát triển mạnh về nông thôn mới (NTM) nhưng lại có số nợ đọng XDCB khá cao. Lý do là bởi để đạt các tiêu chí xây dựng NTM, các xã, huyện đã đồng loạt triển khai hàng trăm dự án lớn nhỏ, nhưng hầu hết đều lâm vào cảnh thu không đủ bù chi. Trong khi đó, nguồn vốn xây dựng NTM còn thiếu, chưa bảo đảm cơ cấu vốn và từng cấp ngân sách. Vốn huy động đóng góp của người dân và doanh nghiệp rất thấp. Ngân sách huyện và xã không đủ để ứng vốn theo đề án. Một số địa phương kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn thi công dẫn đến nợ đọng XDCB. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở KH-ĐT Ngô Văn Quý: Nợ ngoài kế hoạch hiện có 3 huyện là Đan Phượng 39 dự án, Phúc Thọ 9 dự án và Mỹ Đức 1 dự án.
Từ kỳ họp thứ tám, HĐND TP Hà Nội khóa XIV (tháng 12-2013), Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã chỉ rõ: Thành phố cần phân tích kỹ lưỡng, rõ địa chỉ các tập thể, cá nhân có sai phạm, cương quyết không để phát sinh nợ mới và thực hiện đúng nguyên tắc nợ của cấp nào cấp đó trả. HĐND thành phố cũng đề nghị phấn đấu trả nợ XDCB của thành phố xong trong năm 2014, số nợ của quận, huyện, thị xã phải giải quyết dứt điểm trong năm 2015.
Tuy nhiên, đến nay là đã gần 7 tháng mà báo cáo của UBND thành phố cho thấy vẫn còn tình trạng chưa thực hiện đúng các kết luận trên của chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ tám HĐND thành phố. Thanh tra thành phố vẫn chưa tổng hợp xong kết quả thanh tra nên chưa làm rõ được nguyên nhân và chưa chỉ rõ được tập thể, cá nhân sai phạm để xử lý trách nhiệm. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng đang "nợ" câu trả lời.
Phải sớm hoàn thành
Trước thực tế nợ đọng XDCB cao, Giám đốc Sở KH-ĐT Ngô Văn Quý cho rằng, cần có cơ chế đặc thù, tạo nguồn thu cho các huyện. Giải pháp mà ông Quý đưa ra là tăng cường đấu giá đất, 100% số kinh phí thu được sẽ để lại cho huyện để trả nợ; các khoản nợ liên quan đến chương trình xây dựng NTM cũng sẽ được rà soát và nhận hỗ trợ từ thành phố. Đây là một giải pháp được nhiều người tán thành. Song cũng có ý kiến cho rằng, giải pháp hay mà không có cơ chế cụ thể thì cũng khó mang lại kết quả khả quan!
Liên quan tới vấn đề này, mới đây, báo cáo tại kỳ họp thứ mười, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đã chỉ đạo: Các đơn vị có nợ XDCB thực hiện các giải pháp xử lý và hạn chế nợ XDCB ngay khi thực hiện giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ KT-XH, dự toán thu, chi ngân sách thành phố đầu năm 2014; bố trí đủ vốn trả nợ XDCB bảo đảm đến hết 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB. Cùng với đó là phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển bảo đảm tập trung, không dàn trải; thực hiện nghiêm các biện pháp không để phát sinh nợ đọng XDCB mới.
Hiện, thành phố đang giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện việc nợ đọng XDCB, trong đó cả nợ ngoài kế hoạch. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ có kết luận thanh tra. Thành phố sẽ có biện pháp xử lý sau khi có kết luận của thanh tra. Về bố trí nguồn giải quyết nợ đọng XDCB, trong dự toán thu chi đã bố trí giải quyết phần lớn số nợ này, bảo đảm giải quyết 59%, trong đó ngân sách thành phố bố trí 616 tỷ đồng; ngân sách quận, huyện đã bố trí được hơn 795 tỷ đồng và xã bố trí được 219 tỷ đồng.
Nợ đọng XDCB thường kéo theo những hệ lụy tiêu cực cho KT-XH. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ KH-ĐT về xử lý nợ đọng XDCB, cần phải thực hiện nghiêm túc việc phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, bảo đảm tập trung, không dàn trải; đặc biệt, chỉ bố trí cho dự án mới thực sự cấp bách, đủ thủ tục theo quy định và nằm trong kế hoạch đầu tư 2013-2015 đã được HĐND cùng cấp thông qua.../.