Đà Nẵng giải ngân đầu tư công tăng gấp 3 lần
VOV.VN - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I/2020 tại Đà Nẵng gấp 3,3 lần cùng kỳ năm 2019; gấp 4,2 lần năm 2018.
Quý I/2020, thành phố Đà Nẵng đã khởi công cả chục dự án, trong đó có các dự án trọng điểm động lực. Đến giữa tháng 4/2020, các đơn vị đã giải ngân gần 1.600 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch năm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I/2020 tại Đà Nẵng gấp 3,3 lần cùng kỳ năm 2019; gấp 4,2 lần năm 2018.
Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng xác định đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để tạo động lực phát triển, giải quyết việc làm.
Ngay trong những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện các thủ tục khởi công những dự án trọng điểm quy mô hàng ngàn tỷ đồng như: Dự án đường và cầu qua sông Cổ Cò và đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng; Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; Dự án Nhà máy nước Hòa Liên; Dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý… Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân cao.
Nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ thi công ngay trong những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19. |
Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhờ chủ đầu tư và các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công.
Theo ông Lâm: "Chúng tôi căn cứ vào kế hoạch vốn thành phố giao, triển khai ngay kế hoạch cho từng công trình, chuẩn bị đầu tư kế hoạch đầu tư, triển khai nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh khâu lựa chọn nhà thầu để sớm tổ chức thi công công trình. Đối với những công trình đã làm dở dang thì tiếp tục thi công theo đúng tiến độ".
Kết quả giải ngân đầu tư công của thành phố đạt cao do UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các chủ đầu tư, quản lý dự án, các sở, ngành, địa phương từ khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công đến nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, quyết toán…
Đối với công trình trọng điểm, động lực, TP yêu cầu cụ thể thời gian khởi công, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và các chế tài đối với các tổ chức cá nhân làm chậm trễ tiến độ.
Hiện một số dự án vẫn còn vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù. Đơn cử, trên địa bàn quận Sơn Trà có 2 dự án động lực. Đó là dự án đường 45 mét từ Lê Hữu Trác đến Nguyễn Văn Thoại với 175 hồ sơ phải giải tỏa đền bù và dự án tuyến đường từ đường Hồ Ngọc Lãm đến Trương Định có 48 hồ sơ đền bù. Đến nay, việc giải tỏa đền bù giẫm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà giải thích, địa phương đang chờ phương án đền bù phù hợp.
"Quỹ đất tái định cư trên địa bàn phường hiện nay rất thiếu, nhất là các dự án thuộc những phường trung tâm. Thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp với quận tìm địa điểm xây dựng các khu tái định cư. Khó khăn nữa là Nghị định 79 quy định rõ đối tượng nào được quy định rõ đối tượng nào được nợ tiền mua đất như hộ nghèo gia đình chính sách.
Còn những hộ không thuộc đối tượng thì không được nợ. Trong khi đó, giá đền bù của các dự án trên địa bàn Sơn Trà là những dự án dở dang, áp dụng giá rất thấp gây khó khăn trong công tác vận động" - ông Nguyễn Thành Nam cho biết.
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, năm 2020 quy mô vốn đầu tư công ở Đà Nẵng gấp đôi năm 2019, đòi hỏi các ngành các địa phương phải nỗ lực gấp đôi trong công tác giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Theo ông Sơn: "Hiện nay, các dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như Dự án Nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; Tuyến đường Trục I Tây Bắc, hay các dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng đền bù. Đây là điểm nghẽn chính trong quá trình triển khai thực hiện dự án".
Dự án giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, vốn đầu tư 720 tỷ đồng khởi công ngày 29/3 nhân dịp Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Đà Nẵng. |
Theo tính toán của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, giai đoạn từ 2016 - 2020, nếu tăng 1% vốn đầu tư thì đóng góp khoảng 0,08% vào tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Hiện, thành phố đang xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải tỏa đền bù, đẩy mạnh phân cấp, cải cách thủ tục hành chính.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vẫn còn một số cán bộ tránh né trách nhiệm, thiếu chặt chẽ trong phối hợp triển khai. Quý I/2020, thành phố đã hoàn thành thủ tục khởi công nhiều dự án quan trọng. Đây là nỗ lực vượt bậc rất đáng ghi nhận.
Ông Trương Quang Nghĩa đề nghị các địa phương cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung giải ngân các công trình, dự án đầu tư công.
"Giải ngân đầu tư công của chúng ta có thể nói là có kết quả rất cao so với những năm gần đây nhưng mà phía trước của chúng ta còn rất nhiều dự án, cần phải làm hết sức cụ thể. Một trong những nguyên nhân chậm của chúng ta là do giải phóng mặt bằng. Nên UBND các cấp hết sức lưu ý, hết sức trách nhiệm.
Ban Thường vụ cũng đã lưu ý các Ủy viên Thường vụ phải hết sức trách nhiệm chia sẻ giám sát, nhắc nhở và gắn trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ với các địa phương trong thực hiện nội dung này" - ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh./.